.
KỶ NIỆM 50 NĂM NGÀY MỞ ĐƯỜNG HỒ CHÍ MINH VÀ NGÀY TRUYỀN THỐNG BỘ ĐỘI TRƯỜNG SƠN (19-5-1959 - 19-5-2009)

Ký ức về Trường Sơn

.

Bà Nguyễn Thị Anh Trang, ở tổ 8 phường Hòa Cường Bắc (quận Hải Châu), nguyên là cán bộ Đoàn Văn công Quân Giải phóng miền Nam, làm nhiệm vụ trên đường Trường Sơn vào những năm 1970-1972. Trong những ngày tháng 5 lịch sử này, bà đã kể cho chúng tôi nghe những kỷ niệm sâu sắc trên con đường huyền thoại năm xưa.

Bà Trang khi còn làm phóng viên Đài Phát thanh Giải phóng.

Hồi mới vào Trường Sơn, tôi thường được phân công đi tiền trạm để làm công tác tổ chức biểu diễn. Trên nhiều đoạn đường, tôi thấy một bên là núi đá dựng đứng và một bên là vực sâu hun hút mà chợt nghĩ, nếu lái xe chệch tay một chút là bao nhiêu con người trên xe sẽ “tiêu” ngay lập tức! Bên phía vách đá có những cái hang ăn sâu vào trong núi, được công binh cải tạo thành chỗ tránh máy bay cho xe ô-tô. Lái xe trên đường độc đạo này, nếu bị máy bay địch phát hiện đuổi theo bắn mà chạy được vào hang là coi như thoát.

Khi xe chạy giữa những cánh rừng bạt ngàn, thỉnh thoảng tôi lại thấy có những con đường rẽ ngoặt sang hai bên, đó là đường để các lái xe xử lý đánh lừa địch khi bị chúng phát hiện. Ở Trường Sơn, xe thường chạy ban đêm, ban ngày thì vào những hang núi hoặc những khu rừng rậm để ẩn nấp. Đến mờ tối lại tiếp tục lên đường và khi chạy thường tắt hết đèn để đề phòng máy bay địch phát hiện. Trường hợp đoàn xe bị máy bay địch phát hiện, thì một chiếc nhanh chóng ngoặt sang bên theo con đường rẽ và bật đèn lên chạy nhằm thu hút máy bay địch bắn về phía mình, tạo điều kiện cho cả đoàn thoát hiểm... 

Một lần, tôi đi ô-tô xuống Binh trạm 19 để chuẩn bị cho đêm diễn chào mừng chiến thắng đường 9 Nam Lào. Khi xe đang chạy trên sườn núi thì bị máy bay địch phát hiện, đuổi theo bắn rốc-két xuống như mưa. Đạn địch nổ phía trước, phía sau khói bay mù mịt. Thật là kỳ diệu, giữa đạn bom như vậy, xe ta cứ bon bon cho đến khi tìm được hang trú ẩn an toàn, hàng và người trên xe vẫn còn nguyên vẹn. Đến đây, chúng tôi càng khâm phục lòng quả cảm, mưu trí và sáng tạo của những người lái xe Trường Sơn. Noi gương các anh, cán bộ-diễn viên trong Đoàn càng thêm hăng hái đem lời ca, tiếng hát phục vụ đồng đội, bất chấp mọi gian lao, nguy hiểm.

Bà Trang kể tiếp: Ở Trường Sơn, chúng tôi luôn cảnh giác với loại “cây nhiệt đới” mà địch đã rải xuống rất nhiều trong rừng. Đây là một thiết bị điện tử, có hình dáng, màu sắc giống một loài cây nhỏ ở vùng rừng nhiệt đới, cao khoảng nửa mét, có khả năng nhận biết xe ô-tô và tự động báo về trung tâm chỉ huy. Khi nhận được tín hiệu, lập tức địch ném bom bắn phá. “Cây nhiệt đới” đã gây cho ta nhiều tổn thất, nhưng chẳng bao lâu ta đã tìm ra nguyên nhân và khắc phục bằng cách tổ chức thu gom, phá hủy trước mỗi khi có đoàn xe đi qua.

Nhiều lần, Đoàn chúng tôi sang biểu diễn phục vụ bộ đội và nhân dân Lào ở tỉnh Xa-ra-van. Bộ đội Pa-thét Lào tiếp đón chúng tôi hết sức nồng nhiệt và chan chứa tình hữu nghị. Nhiều người Lào biết tiếng Việt, khi nghe chúng tôi hát bài “Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây” đã vỗ tay hoan hô như sấm.

Sau năm 1972, tôi chuyển qua làm phóng viên Đài Phát thanh Giải phóng và tiếp tục công tác ở Trường Sơn thuộc Khu 5. Tháng 7-1974, tôi được cử đi viết bài về cuộc nổi dậy ở khu dồn gò Cây Cốc, thuộc xã Sơn Thắng (nay là xã Quế An, huyện Quế Sơn-Quảng Nam). Tôi theo đồng chí Lê Công Kinh-Bí thư chi bộ xã vào “lót ổ” trong khu dồn từ 9 giờ đêm. Đến 5 giờ sáng hôm sau, du kích bất ngờ nổ súng diệt bọn bảo an, dân vệ. Lực lượng binh vận đồng loạt nổi loa kêu gọi và khẩn trương đưa nhân dân thoát khỏi khu dồn của địch trở về với cách mạng.
 

Bà Anh Trang (thứ 2, phải sang) trong phút giải lao trên đường Trường Sơn.   (Ảnh tư liệu)

Phóng sự về cuộc nổi dậy thắng lợi ở khu dồn gò Cây Cốc và nhiều bài viết khác của tôi ca ngợi tinh thần chiến đấu quật cường của nhân dân Sơn Thắng đã được phát trên Đài Phát thanh Giải phóng, nhân dân cả nước đều biết. Trong những ngày ấy, nhân dân Sơn Thắng đã dành cho tôi nhiều tình cảm quý mến, và mới đây, tôi  được lãnh đạo xã mời về dự lễ đón nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Bà Trang bồi hồi kể với chúng tôi về những kỷ vật, hình ảnh lưu niệm  trên đường Trường Sơn, trong đó có một tấm Bằng khen về thành tích của bà trong đợt công tác mùa khô 1970-1971. Tấm bằng tuy đã cũ, nhưng vẫn còn rõ chữ ký của Thượng tá Lê Hy-Phó Chính ủy Bộ Tư lệnh Đoàn 559.

Sau khi về hưu (năm 1991), bà Trang h­­­ăng hái tham gia công tác địa phương trên nhiều cương vị. Nhiệm vụ nào bà cũng năng nổ, sáng tạo và luôn nêu cao bản lĩnh của một chiến sĩ đã từng tham gia trong đoàn quân “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” năm xưa.

LÊ VĂN THƠM

;
.
.
.
.
.