.
KỶ NIỆM 50 NĂM NGÀY MỞ ĐƯỜNG HỒ CHÍ MINH VÀ NGÀY TRUYỀN THỐNG BỘ ĐỘI TRƯỜNG SƠN (19-5-1959 - 19-5-2009)

Những kỷ niệm khó quên

.

Đến đầu mùa khô 1965-1966, vận tải cơ giới bắt đầu có những chuyến xe hàng vào sâu được tới cung đường của đơn vị tôi, nhưng cũng chỉ là những chuyến xe nhỏ lẻ, vì không quân Mỹ (có lúc chúng dùng cả bộ binh) đánh phá, ngăn chặn hết sức quyết liệt không kể ngày đêm. Khó khăn, đói ăn, đói muối, thiếu thuốc chữa bệnh đối với đơn vị tôi chưa phải đã qua.

Đường Trường Sơn trong những năm kháng chiến chống Mỹ. (Ảnh tư liệu)

Tiêu chuẩn ăn của bộ đội, mặc dù đã bước vào mùa khô có được cải thiện, nhưng cũng chỉ  bảo đảm được cho mỗi người ba lạng gạo mỗi ngày. Trong khi đó, nhiệm vụ vận chuyển hàng, tăng bo qua đèo dốc Bạc của đơn vị lại tăng lên. Gian nan, vất vả nhất là vận chuyển đạn ĐKB và những phuy xăng qua đèo dốc Bạc. Đèo dốc Bạc dài hơn 1,5km, vượt qua một cái dốc cao chừng 300m với độ chênh khoảng gần 40 độ tính từ chân dốc lên tới đỉnh dốc.

Phía Nam đèo dốc Bạc là con sông Bạc chảy xuôi về hướng Đông Trường Sơn. Thời gian đó (khi chưa có tuyến đường ống dẫn xăng dầu), chúng tôi đã lợi dụng dòng chảy của con sông Bạc để thả những phuy xăng trôi theo dòng nước, đơn vị ở hạ lưu dòng sông sẽ chặn đón vớt hàng. Phương thức vận chuyển này bổ sung, hỗ trợ cho vận chuyển đường bộ, nhằm hạn chế sự đánh phá, ngăn chặn của không quân Mỹ.
        
Với ba lạng gạo mỗi ngày thì dù có nấu cháo cũng không thể bảo đảm cho bộ đội ăn no để đủ sức khỏe vận chuyển hàng vượt đèo dốc, đạt chỉ tiêu kế hoạch đã định. Tôi họp Đảng ủy Tiểu đoàn thống nhất quyết nghị: phải tìm mọi cách bảo đảm cho bộ đội được ăn ba bữa đủ no, bảo đảm sức khỏe có thể vận chuyển hàng cả ngày... Bàn đi tính lại, chúng tôi cũng tìm ra cách giải quyết tối ưu nhất: cả ba bữa trong ngày bộ đội đều được ăn cơm, vẫn bảo đảm đủ no.

Cách làm đó là: dùng một lạng gạo trong tiêu chuẩn ăn của mỗi người một ngày, nhân với số người trong đơn vị. Số gạo này lại chia ra ba bữa để độn với môn ngứa nấu thành cháo đặc như món súp (một phần gạo, độn với bốn năm phần môn ngứa). Số gạo hai lạng còn lại của mỗi người một ngày, lại được tính thành số gạo của cả đơn vị trong ngày, rồi chia ra nấu cơm ba bữa. Khi ăn, món cháo đặc nấu với môn ngứa được mang tới cho bộ đội ăn trước, anh em ăn món này gần no, khi đó anh nuôi mới đưa cơm và thức ăn lên (mỗi người cũng được một chén cơm đầy).
 
Với cách làm này, bộ đội đã được bảo đảm no  bụng. Song việc thiếu muối thì vẫn chưa khắc phục được hẳn. Sức khỏe bộ đội do thiếu muối lâu ngày đã giảm sút trông thấy. Nhiều ngày lực lượng bộ đội trực tiếp lên tuyến làm nhiệm vụ chỉ còn được hơn 50% quân số. Đã đến ngày thứ 27 mà kế hoạch vận chuyển của tháng, đơn vị mới chỉ đạt 70% chỉ tiêu. Tiểu đoàn tôi nếu không thực hiện được chỉ tiêu vận chuyển tăng bo hàng qua đèo dốc Bạc thì cũng có nghĩa là cả Binh trạm 3 không hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch vận chuyển hàng trong tháng đó.

Đồng chí Nguyễn An, Binh trạm trưởng gọi tôi lên Sở Chỉ huy, trực tiếp giao nhiệm vụ, yêu cầu tiểu đoàn tôi phải bằng mọi giá phấn đấu đạt (hoặc vượt) chỉ tiêu kế hoạch vận chuyển tăng bo hàng qua đèo dốc Bạc, tiểu đoàn cần gì Binh trạm sẽ bảo đảm cho. Trở về tiểu đoàn, tôi hội ý thống nhất ngay với các đồng chí trong Ban chỉ huy, đề nghị Binh trạm cấp cho tiểu đoàn một kilôgam muối ăn và 20 đôi găng tay vải bạt, để trang bị cho anh em làm nhiệm vụ vận chuyển xăng dầu.

Đồng chí Nguyễn An ra lệnh ngay cho đồng chí Trung, Chủ nhiệm Hậu cần Binh trạm lấy từ số muối dự trữ dành cho thương binh, cấp cho tiểu đoàn tôi không phải một mà là hai kilôgam muối ăn và 20 đôi găng tay. Tối đó, ngay sau khi có được những thứ cần thiết, tôi tập hợp đơn vị, kể cả số anh em gián tiếp, động viên, giao nhiệm vụ.

Đồng thời tôi cũng mời các đồng chí bí thư các chi bộ lên nhận muối cho đơn vị mình, trực tiếp phát ngay cho anh em mỗi người một nhúm nhỏ muối để lên tuyến vận chuyển tăng bo hàng. Số găng tay bạt được cấp ngay cho số anh em vận chuyển tăng bo xăng dầu. Trước đây chưa có găng tay, anh em vận chuyển phải lấy xăng ở trong phuy ra, đưa vào bao ni-lông túm lại, rồi gùi cõng qua bên kia đèo dốc Bạc mới đổ vào lại trong phuy.

Cách làm này rất mất thời gian mà lại không thể tránh khỏi hao hụt rơi vãi. Khi được trang bị găng tay, chúng tôi làm đường lăn (vần) từng phuy xăng lên dốc. Còn khi xuống dốc, chúng tôi quay mặt lại phía phuy xăng, đỡ cho phuy xăng lăn từ từ xuống chân dốc. Cách làm này thực sự đã có hiệu quả là nhanh và bảo đảm an toàn, nguyên vẹn xăng trong phuy. Bộ đội được động viên tinh thần, lại được tiếp muối ăn ngay tội chỗ, người nào cũng tỏ ra hăng hái khí thế hẳn lên, các đơn vị hứa hẹn thách thức thi đua với nhau.

Những ngày trước, có khi một chuyến xe hàng, đơn vị phải tăng bo đến hai, ba chuyến. Nhưng tối đó, chúng tôi chỉ vận chuyển một chuyến là hết cả xe hàng, thậm chí có chuyến không đủ hàng cho người gùi cõng. Một viên đạn ĐKB cả đầu và thân năng 83kg, những đêm trước phải mở thùng đạn ra, tháo đầu khỏi thân, chia ra cho 3 người gùi, vác, vừa tốn công mà khi lắp đạn đưa vào lại thùng, nếu lắp sai lô thì khi bắn, đạn sẽ đi lạc hướng không trúng mục tiêu, rất nguy hiểm.

Tôi tự mình lấy dây gùi hàng đóng một viên đạn ĐKB cõng thử, thấy đi được. Thế là tôi gùi cả viên đạn ĐKB nặng gần 100kg trên lưng đi luôn. Tôi đi được chuyến đạn ĐKB thứ hai, thì nhiều anh em trong đơn vị xúm lại yêu cầu tôi nghỉ để làm công tác chỉ huy. Còn anh em, theo cách tôi làm, họ thi đua nhau giành gùi cõng những kiện hàng nặng mà trước đó có khi phải hai ba người gùi, cõng mới hết... Chỉ trong ba đêm, chẳng những chúng tôi vận chuyển đủ 30% chỉ tiêu kế hoạch còn lại của cả tháng mà còn vượt mức kế hoạch 5%.

Kết thúc mùa vận chuyển năm đó, tiểu đoàn tôi được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng ba, cá nhân tôi được bầu là Chiến sĩ quyết thắng của Binh trạm và tôi cũng được thưởng Huân chương Chiến công hạng ba.

Chiến tranh đã lùi xa hơn ba mươi năm, song những kỷ niệm về năm 1965 trên đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh - Đoàn 559 thuở ấy, vẫn còn in đậm nét trong tôi với những cuộc chiến đấu, vật lộn với khó khăn, gian khổ, ác liệt để hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, đã cho đơn vị và bản thân tôi những bài học quý giá về phát huy nhân tố con người, chú trọng yếu tố giáo dục chính trị tư tưởng, động viên tinh thần, nhưng cũng không được xem nhẹ việc bảo đảm những điều kiện vật chất tối thiểu cho bộ đội.

Vai trò đầu tàu gương mẫu, xả thân vì nhiệm vụ của người lãnh đạo, chỉ huy thực sự có sức cảm hóa và lôi cuốn mạnh mẽ cả đơn vị xốc tới hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ... Những bài học này, theo tôi vẫn còn rất bổ ích, rất thiết thực trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh hôm nay và mãi mãi về sau!

HOÀNG VĂN ĐỘ (Ghi theo lời kể của đồng chí Phan Đức Tầm, Phó trưởng Ban liên lạc Cựu chiến binh Trường Sơn tại thành phố Đà Nẵng)

;
.
.
.
.
.