.
Kỷ niệm 93 năm Ngày mất của hai nhà yêu nước Thái Phiên và Trần Cao Vân

Chung một nấm mồ

.

Cuộc mưu khởi nghĩa do Việt Nam Quang Phục Hội tổ chức tại Huế và nhiều tỉnh ở Trung Kỳ tháng 5-1916 mặc dầu bị thất bại khá nhanh chóng ngay khi mới khởi phát, nhưng đã gây rúng động toàn bộ nền thống trị của thực dân Pháp ở Đông Dương, tạo tiếng vang lớn trong công cuộc chống Pháp ở Việt Nam nói riêng, phong trào giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa nói chung vào thời gian diễn ra cuộc chiến tranh thế giới lần thứ nhất (1914-1918).

Ngôi mộ chung Thái Phiên-Trần Cao Vân

Cuộc khởi nghĩa đã tô thắm thêm truyền thống đấu tranh bất khuất, kiên cường của dân tộc và lưu danh muôn thuở tên tuổi các anh hùng nghĩa sĩ của dải đất miền Trung đã không tiếc máu xương vì độc lập, tự do cho nhân dân; trong đó nổi bật hơn hết là hai chí sĩ đất Đà Nẵng - Quảng Nam lãnh đạo cuộc khởi nghĩa: Thái Phiên và Trần Cao Vân.

Ngày 17-5-1916, Thái Phiên và Trần Cao Vân (cùng hai thị vệ của vua Duy Tân là Tôn Thất Đề, Nguyễn Quang Siêu) bị thực dân Pháp áp giải đến pháp trường Cống Chém ngoài cửa An Hòa của kinh thành Huế. Đó là ngày hai nhà cách mạng của dân tộc vĩnh viễn ra đi bởi lưỡi đao oan nghiệt của kẻ thù.

Buổi hành hình diễn ra vào lúc rạng sáng, dưới sự canh phòng cẩn mật khắp pháp trường của lính Lê dương do sĩ quan Pháp chỉ huy. Rất đông dân chúng kéo đến chứng kiến sự hy sinh của các chí sĩ cách mạng. Nhiều người hết sức thương tâm, nhưng không dám khóc vì sợ bị kẻ thù quy kết, bắt bớ.

Sau khi bị xử tử, thi hài các nhà ái quốc được chôn tại một bãi đất gần Cống Chém, có lính canh gác để chặn bắt những người tới thăm viếng, hay đào trộm thi thể. Trong số những người chứng kiến cuộc hành quyết, một phụ nữ tên là Trương Thị Dương đã âm thầm theo dõi hai ngôi mộ của Thái Phiên và Trần Cao Vân, nhằm vạch kế hoạch trộm hài cốt hai cụ để cải táng chỗ khác tử tế hơn và được tự do hương khói.

Trương Thị Dương là hội viên Việt Nam Quang Phục Hội, là người tin cậy của hai chí sĩ Thái Phiên và Trần Cao Vân. Do lấy chồng tên Mang, làm thị vệ trong cung, hàm bát phẩm, nên người đương thời gọi chồng bà là ông Bát Mang, gọi bà là bà Bát Mang. Chồng bà thường theo dõi và nghi ngờ bà tham gia cách mạng, nên bà đã xin ly dị chồng để được tự do hoạt động. Thực dân Pháp và Nam triều phái người canh gác cẩn mật khu mộ quốc phạm, không cho di dời. Năm 1922, con cháu cụ Thái Phiên từng xin phép bốc cốt cha về quê cải táng nhưng không được chính quyền thực dân đồng ý. Tuy vậy, hài cốt hai thị vệ Nguyễn Quang Siêu, Tôn Thất Đề cũng được thân nhân lén chuyển đi cải táng nơi khác.

Theo lời kể của ông Võ Như Nguyện (nguyên Giám đốc Viện Hán học Huế giai đoạn 1962-1963, con của cụ Võ Bá Hạp là hội viên Việt Nam Quang Phục Hội), bà Trương Thị Dương đã nuôi ý định dời mộ hai chí sĩ từ đầu; nhưng phải đến 9 năm sau, vào 3 giờ sáng ngày 6 tháng 5 Ất Sửu (26-6-1925) bà Dương cùng một người cháu trai tên Đặng Khánh Di và viên thủ từ chùa Đại Trung (ở huyện Quảng Điền, phủ Thừa Thiên) tên là Nguyễn Hữu Cảnh mới tiếp cận được khu mộ ở An Hòa.

Bà Dương “đút lót” cho người coi giữ khu mộ ấy là viên thủ tỵ (thủ quản) 6 đồng (tiền Đông Dương), con trai của viên thủ tỵ (đang mắc bệnh phung) 3 đồng, và thuê thủ tỵ cùng 5 người nữa dời mộ, hết 24 đồng, nói trớ là mộ của các ông chú của bà. Khi hốt cốt lên, bà Dương lấy giấy tinh lót vào hai thúng và chất cốt, rồi qua trước cửa Chánh Tây của kinh thành Huế ngồi đợi nhóm bốc cốt gánh sang.

Nhận hài cốt xong, bà Dương thuê hai chiếc xe kéo chở hài cốt qua ngả bờ nam sông Hương, lên phía Đàn Nam Giao và đi thẳng tới khu tháp Hòa thượng Kiết Mao gần chùa Châu Lâm, thuộc làng Dương Xuân Thượng, huyện Hương Thủy, phủ Thừa Thiên. Khi trời sáng, bà Dương thuê ông Trùm Ngữ quản lý khu mộ, mua hai tiểu sành cùng giấy tờ tẩm liệm, lại thuê gánh nước để chùi rửa sạch sẽ hài cốt hai cụ, liệm vào hai tiểu sành. Sau 9 năm dưới đất, cốt cụ Thái Phiên (lúc lâm hình mặc chiếc áo lương, vải dính sát vào cốt) vẫn vàng rực, phải lấy bớt giấy lót ra mới bỏ vừa tiểu sành; còn cốt cụ Trần Cao Vân (lúc lâm hình mặc áo vải dù, cũng dính sát vào cốt) phân hủy nhiều hơn. Tiền bà Dương thuê người đào huyệt và đắp nấm hết 4 đồng.

Vị hòa thượng tu ở chùa Châu Lâm là một hội viên trẻ của Việt Nam Quang Phục Hội, sau vụ mưu khởi nghĩa thất bại, đã tìm đến nương thân nơi cửa Phật. Có lẽ đó là lý do khiến bà Dương đưa hài cốt đến cải táng ở khu đất gần chùa, để hòa thượng lãnh phần chăm sóc mộ của hai chí sĩ Thái Phiên và Trần Cao Vân.

Nhưng 11 ngày sau, quan phủ Thừa Thiên biết tin, liền cho cho lính đến canh gác để rình bắt người cùng đảng. Nhờ có người báo tin gấp, nên bà Dương thừa đêm khuya thuê 4 người, hết 1 đồng 6, dời mộ đem chôn ở một vị trí khác cũng tại đồi thông làng Dương Xuân Thượng, nằm giữa chùa Châu Lâm và chùa Từ Hiếu (nay thuộc xã Thủy Xuân, thành phố Huế). Lần cải táng này bà Dương quyết định chôn chung hai cụ trong một nấm, để tránh sự nghi ngờ của địch. Còn khu mộ nơi đã dời đi, bà Dương cho đắp lại hai nấm “mộ gió” tử tế để ngụy trang.

Từ đó, bà Dương vẫn thỉnh thoảng vào Huế chăm sóc, hương khói cho ngôi mộ hai cụ Thái Phiên và Trần Cao Vân. Mãi sau Hiệp định Genève, Pháp rút quân về nước, đến năm 1956 bà Dương mới kể lại cho con cháu biết, rồi dựng tấm bia nhỏ bằng xi-măng khắc hai hàng chữ Hán "Trần Cao quý công, Thái Duy quý công” để định danh vị công khai cho ngôi mộ hai cụ.

Một năm sau, ngày 27 tháng 6 năm Đinh Dậu (24-7-1957), bà Dương trút hơi thở cuối cùng; nhưng chắc hẳn đó là sự ra đi thanh thản, bởi tâm nguyện của bà cuối cùng đã được thực hiện. Từ đó, người dân xứ Huế và nhiều nơi khác bắt đầu lui tới thăm viếng, dâng hương tưởng niệm hai vị anh hùng dân tộc. Khu mộ đã không còn “hương tàn, bàn lạnh” như trước, và vong linh hai cụ dưới suối vàng có lẽ cũng được vỗ về, an ủi đôi phần. Và còn hơn thế nữa, ngày 14-7-1990, gần tròn 33 năm kỷ niệm ngày mất của bà Trương Thị Dương, ngôi mộ chung của hai chí sĩ được Nhà nước Việt Nam công nhận là Di tích lịch sử.

Khu mộ giờ đây đã được tu bổ, tôn tạo khang trang hơn trước. Toàn khu mộ có chiều ngang hơn 5m, dài 6m. Tấm bia dựng trước mộ ghi dòng chữ Hán “Phụng vị Trần Cao quý công, Thái Duy quý công chi mộ” như nội dung bia bà Trương Thị Dương đã lập. Sau nấm mộ là ngọn tháp. Trên thành mộ có hai bảng khắc chữ Việt.

Bảng khắc bên trái ghi: “Thái Phiên (1882-1916), quê làng Nghi An, xã Hòa Phát, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng. Trần Cao Vân (1866-1916), quê làng Tư Phú, xã Đa Hoàng, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Hai nhà yêu nước đã có công lớn khởi xướng, lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Duy Tân chống thực dân Pháp năm 1916. Cơ mưu bị lộ, hai ông bị bắt và tử hình tại Cống Chém, An Hòa, thành phố Huế ngày 17 tháng 5 năm 1916”.

Bảng khắc bên phải ghi: “Sau khi bị tử hình, thi hài Thái Phiên và Trần Cao Vân nằm tại Cống Chém, An Hòa, thành phố Huế. Năm 1925, bà Trương Thị Dương người làng Hà Đồ, xã Quảng Phước, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế là đồng chí của hai nhà yêu nước đã bí mật đưa về chôn chung ở đây. Di tích đã được Nhà nước công nhận ngày 14 tháng 7 năm 1990. Bảo tàng Lịch sử và Cách mạng Thừa Thiên - Huế, tháng 7-2007”.

Có lẽ ngày xưa khi khởi sự, hai cụ Thái Phiên và Trần Cao Vân đã từng nguyện thề cùng nhau, tuy không sinh cùng ngày cùng tháng cùng năm, nhưng nguyện đồng sinh đồng tử, nếu có chết cũng xin được chết cùng năm cùng tháng cùng ngày. Không rõ hai cụ có lập ra lời nguyện thề ấy hay không, nhưng tinh thần cách mạng của các cụ hiển linh đến mức, sau khi thụ hình, chính sự kiểm soát gắt gao của kẻ thù đã đưa đẩy xác thân hai vị hòa quyện cùng nhau; để rồi qua bàn tay người nữ đồng chí của mình, hai cụ được nằm chung trong một ngôi mộ.

Đó có thể không chỉ là lời nguyện thề đồng sinh đồng tử thông thường, bởi từ năm 1925 trở đi, hai cụ Thái Phiên và Trần Cao Vân đã chung một nấm mồ, vĩnh viễn không chia lìa nhau, dù đó là cõi chết.

Nhưng ngay cả khi không có lời nguyện thề đồng sinh đồng tử, tinh thần yêu nước và hình tượng ngôi mộ chung của hai chí sĩ vẫn trở thành bất tử trong lòng người dân Việt.

NGUYỄN QUANG TRUNG TIẾN

;
.
.
.
.
.