.
KỶ NIỆM VỀ NHỮNG LẦN ĐƯỢC GẶP BÁC HỒ

Tiết kiệm qua từng bữa ăn

Ông Phan Tấn Châu ở tổ 52, phường Mỹ An (quận Ngũ Hành Sơn) trong thời quân ngũ đã nhiều lần được gặp Bác Hồ với biết bao kỷ niệm không thể phai mờ. Đặc biệt, lần gặp Người tại Sư đoàn 335 đã để lại trong lòng ông những ấn tượng hết sức sâu sắc, mà đến nay dù đã hơn nửa thế kỷ, ông vẫn còn nhớ như in.

Sau Hiệp định Giơnevơ, Sư đoàn 335 từ Lào về đứng chân tại cao nguyên Mộc Châu (Sơn La), trực thuộc Bộ Tư lệnh Quân khu Tây Bắc, có nhiệm vụ huấn luyện, sản xuất và làm đường giao thông. Bấy giờ, ông Châu là trợ lý tổ chức sư đoàn, thường xuyên giúp Ban Chỉ huy sư đoàn trong công tác lãnh đạo, điều hành.

Một ngày của năm 1956, sư đoàn nhận được điện của Chính ủy Quân khu Chu Huy Mân là chuẩn bị đón Bác Hồ và Đoàn cán bộ cao cấp đến thăm và kiểm tra tình hình đơn vị. Lúc này, sư đoàn đã sản xuất được rất nhiều rau đậu, bầu bí và có đến hàng ngàn bò, lợn, gà, vịt, nên chuẩn bị cỗ bàn tiếp đãi hết sức tươm tất.

Cả sư đoàn náo nức mong ngóng, vì được gặp Bác là điều mà ai cũng hằng ao ước.
Hôm ấy, theo kế hoạch, Đoàn sẽ đến lúc 10 giờ, nhưng do trên đường đi Bác  dừng lại thăm một nông trường chè, cùng với đường sá trắc trở, nên mãi đến gần 2 giờ chiều Đoàn mới đến. Bác Hồ nhanh nhẹn bước xuống ô-tô, đi thẳng vào phòng khách, giơ tay chào và hỏi ngay:

- Các chú đói bụng lắm phải không?
Chính ủy Sư đoàn Hoàng Minh Thi liền thưa với Bác:
- Dạ, mời Bác rửa tay, nghỉ ngơi một tí rồi vào ăn cơm!
Bác tươi cười bảo:
- Thôi, không nghỉ nữa! Các chú chờ lâu đã đói bụng, ta vào ăn cơm luôn thôi!
Sư đoàn trưởng Lê Thùy ngập ngừng hỏi Bác:
- Chúng cháu được lệnh chuẩn bị đón đến 40 người, nhưng bây giờ chỉ thấy chưa đến 10 người...
Bác Hồ vui vẻ đáp ngay:
- Đúng! Bác bảo đơn vị chuẩn bị tiếp 40 người ấy là để mời cán bộ bốn cơ quan sư đoàn, các chú mau gọi hết anh em đến cùng ăn cơm với Bác!
Chỉ mấy phút sau, cả sư đoàn bộ đã tập trung đông đủ ở nhà ăn, ai cũng khôn xiết vui mừng vì được tận mắt nhìn thấy Bác Hồ. Khi anh em đã ngồi tề chỉnh, Bác đứng dậy, khoát tay ra hiệu và bảo:

- Bác thấy cỗ bàn hôm nay thật nhiều và để ăn cho ngon miệng hơn, Bác xin kể các chú nghe một câu chuyện ngắn. Hồi còn hoạt động ở nước ngoài, trong một chuyến đi xa, Bác làm một con vịt, băm thật nhỏ, kho mặn, trộn với nhiều riềng, sả, tiêu, ớt, đổ vào đầy hai ống nứa. Đi đường xa, đói, mệt, thèm ăn lắm, nhưng mỗi bữa Bác chỉ dám ăn vài miếng để giữ cho đủ thức ăn trên hành trình bí mật từ Thái Lan đến Trung Quốc.

Còn bây giờ, Bộ Chính trị định tiêu chuẩn ăn cho Bác khá cao, nhưng già rồi, răng đau, ăn không được bao nhiêu. Đến bữa, thấy thức ăn dư thừa, Bác tiếc lắm! Đơn vị các chú chăn nuôi, sản xuất giỏi, làm được nhiều sản phẩm, Bác biểu dương, nhưng cần phải tiết kiệm. Cỗ bàn nhiều thế này, ắt là không thể ăn hết, nên Bác đề nghị chúng ta ăn một nửa, để lại một nửa chiều ăn.

Ý kiến Bác được thực hiện ngay và dù đã để lại một nửa, mà anh em ăn vẫn còn dư! Chiều hôm đó, Bác làm việc với Ban Chỉ huy Sư đoàn. Sáng hôm sau, Người nói chuyện với toàn thể đơn vị và một số đại biểu nữ công nhân của Nông trường Mộc Châu. Bác nói chuyện chưa đến một tiếng đồng hồ nhưng đã để lại biết bao ấn tượng và tình cảm sâu sắc trong tâm khảm của từng người. Cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 335 ngay sau đó đã dấy lên phong trào học tập đức tính tiết kiệm của Bác Hồ, thi đua phấn đấu, xây dựng đơn vị chuyển biến mạnh mẽ và toàn diện...

LÊ VĂN THƠM

;
.
.
.
.
.