.

Làng chài ở xứ Cồn Dầu

.

Phía nam sông Cẩm Lệ có một làng chài khuất chìm sau lũy tre xanh. Ở đó dù đã được gọi là phường nhưng vẫn thấp thoáng hình bóng câu thơ của Tế Hanh: “Kẻ sớm khuya chài lưới ven sông / Kẻ cuốc cày mưa nắng ngoài đồng…”.

Sinh hoạt tắm, giặt bên mép phía nam sông Cẩm Lệ.

Phường Hòa Xuân ở hướng đông nam quận Cẩm Lệ, là một khu cư dân thuần nông, sát bờ sông có gần 200 hộ gia đình bao đời theo nghề chài lưới. Thuyền bé thì vượt sông Hàn ra tận cửa biển buông câu, ghe nhỏ thì ngược xuôi khúc sông trước làng giăng lưới. Mùa cá, mùa tôm đánh bắt được ngày nào thì ăn ngày đó, cuộc sống bấp bênh cùng phận nghèo như nghiệp đời tối ngày vá lưới.
 
Muốn có một đêm lênh đênh sông nước, nhưng người bạn ở tổ 24 phường Hòa Xuân là Nguyễn Đức Dưỡng đã tỏ lời mời thiện chí: “Thôi để mấy hôm nữa, tôi bỏ luôn buổi lưới, mời các bác xuống ghe dạo mát một vòng, nhẩn nha ngắm cảnh, chứ theo vợ chồng tôi đi thả lưới đêm thì cực lắm. Ghe nhỏ, hai người đã khó xoay xở, lại để các bác thức trắng đêm ở trên sông thì chịu sao thấu”. Nói xong, Dưỡng ôm lưới, người vợ xách đèn xuống ghe rời bến.

Nói là bến chứ thực ra chỉ có mấy cái ghe bé tẹo, neo buộc bên những chiếc cầu gỗ vẹo xiêu. Dưới bóng tre rũ ngọn, vài đứa trẻ thơ thẩn trên bờ ngó người lớn giặt đồ bên mép nước, cạnh bên là bầy vịt nuôi rúc trong bóng râm tránh nắng. Dưới một con thuyền nhỏ, anh Nguyễn Văn Thành, 47 tuổi ở tổ 25 vừa lúi húi sửa ván ở mũi thuyền, vừa trò chuyện:

Nói là nghề sông nước, chứ thực ra không ruộng, không vườn, chỉ có mấy trăm mét vuông đất làm nhà ở nên đành dùng mấy cái ghe chạy lụt để kiếm sống trên sông nước. Trước đây, một đêm thả lưới cũng kiếm được vài ba trăm ngàn từ mớ tôm, mớ cá, từ ngày cát sông bị hút đến cạn kiệt, bờ sông sạt lở cả một vùng, lại thêm nước sông bị ô nhiễm, nên tôm cá chẳng còn nơi để sinh sản.

Nguồn thủy sản không được tái sinh nên thu nhập cũng từ đó mất dần, đổ công nhiều mà thu nhập chẳng bao nhiêu, thậm chí có hôm còn ôm lưới trở về không. Khó vậy, nhưng chẳng còn lối thoát nào hơn là tiếp tục lênh đênh trên sóng nước.

Chỉ vào mấy chiếc thuyền chở khách du lịch neo ở bên cạnh, anh Thành nói tiếp: Có vốn mà đóng thuyền lớn để làm ăn như thuyền của nhà ông Sáu Hòa may ra còn gọi là nghề, mà ở cái xóm này cũng chỉ có mỗi gia đình ông ấy mới làm được. Ông Sáu Hòa mà anh Thành giới thiệu là ông Đặng Văn Hòa ở cùng tổ.

Ông bận việc, đi vắng. Người con dâu trưởng dẫn khách xuống thuyền tham quan và giới thiệu: Nhà có 2 chiếc thuyền lớn, trang bị đầy đủ áo và phao cứu sinh cho du khách, mỗi thuyền có thể chở được 30 đến 40 người. Nếu đoàn nào đi đông thì kéo theo thuyền nhỏ, thuyền có thể chở khách ngược lên Hòn Kẽm Đá Dừng, đi trong ngày hoặc xuôi ra Bãi Bụt trong một buổi, bình thường thì chở khách ra Miếu Bà trong những dịp phóng sinh.

Đứng trên con tàu du lịch của nhà ông Hòa nhìn sang bờ bắc là khu Trung tâm Hội chợ-Triển lãm Quốc tế và Siêu thị Metro cùng những dãy phố hiện đại. Màu sắc từ những con tàu du lịch của nhà ông Hòa neo đậu ở bờ nam như một điểm nhấn tươi mới ở xóm chài bên rẻo sông này. Cứ theo như lời anh Thành thì cây cầu Hòa Xuân trong tương lai sẽ là dịp đổi đời cho cái làng chài ở xứ Cồn Dầu này, và ai lại chẳng muốn thoát khỏi cái cảnh “cốc, cò lần mò mặt nước kiếm ăn” mà suốt đời vẫn không thoát nổi cái nghèo quanh năm đến ngày chạy lụt. Rồi anh nói vui: Nhưng khi được lên ở bờ thì cái ghe này chẳng biết để ở đâu?

Rồi đây, cây cầu Hòa Xuân sẽ là nhịp nối cho vùng đô thị phía nam sánh cùng cư dân phố thị phía bắc của sông Cẩm Lệ, người dân làng chài ở xứ Cồn Dầu cũng đang mong muốn chuyển mình, dứt khỏi nghiệp đời lênh đênh trên sóng nước.

LÊ GIA THỤY

 

;
.
.
.
.
.