.

Lừng lẫy đường 20 Quyết thắng

.

“Đường 20 Quyết thắng là một kỳ công, kỳ tích, kỳ quan, do ý chí vì độc lập tự do của chiến sĩ và Thanh niên xung phong làm nên”. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã khẳng định như vậy khi nói về tuyến đường lừng lẫy này. Còn các cựu chiến binh đường Trường Sơn thì cho rằng: Nói đến đường Trường Sơn là phải nói đến đường 20 Quyết thắng!

Thanh niên xung phong sửa chữa, khắc phục đường sau một trận bom của địch.

Từ đầu năm 1965, Đoàn 559 bắt đầu vận chuyển bằng cơ giới, nhưng các con đường đã mở thường bị ngập nước vào mùa mưa. Để kịp thời đáp ứng nhu cầu chiến trường, Quân ủy Trung ương quyết định mở tuyến đường từ Phong Nha (Quảng Bình) đến ngã ba Lùm Bùm (Nam Lào). Tuyến đường dài 125km (có hơn 40km là núi đá), nhưng phải làm xong trong vòng 105 ngày và được đặt tên là Đường 20 Quyết thắng. Công trình do 8 nghìn bộ đội và Thanh niên xung phong (TNXP), hầu hết chưa quá tuổi 20 đảm nhận thi công, và đây là tuyến đường biểu thị quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Nhưng để giữ bí mật, ta gọi đó là “Công trường 20”.

Với yêu cầu chỉ phá đất, đá và cây nhỏ, còn cây có đường kính hơn 20cm phải giữ lại để ngụy trang, ta chọn phương pháp thi công bằng cách đánh bộc phá nhỏ liên tục và đã sử dụng 270 tấn thuốc nổ TNT, phá hơn 1 triệu m3 đá. Đặc biệt, ở km 16, vách núi dựng đứng, công binh phải dùng 3 chiếc thang tre nối với nhau để trèo lên đục lỗ, đặt mìn và phải dùng đến 9 tấn thuốc nổ mới phá thông, và từ đó, dốc núi này được đặt tên là dốc Ba Thang.

Đúng 17 giờ ngày 30 Tết Bính Ngọ năm 1966, Phó Tư lệnh Đoàn 559 Nguyễn Tường Lân ra lệnh nổ đợt bộc phá đầu tiên, mở màn Chiến dịch “Chọc thủng Trường Sơn, mở đường thắng lợi”. Sáng mồng một Tết, cán bộ, chiến sĩ toàn công trường lao ra mặt đường, thi đua lao động với tinh thần khẩn trương nhất, bền bỉ nhất và hiệu quả nhất. Ta tổ chức thành 2 hướng thi công, một hướng từ Việt Nam sang Lào, một hướng ngược lại và hướng nào cũng làm liên tục suốt ngày đêm. Mở đường đến đâu, dùng cây lá ngụy trang đến đó.

Ở những đoạn núi cao, rừng rậm thì kéo buộc những ngọn cây cao hai bên đường lại với nhau, ở những chỗ trống trải thì căng dây làm giàn rồi phủ lan rừng lên trên. Bên dưới giàn, các lực lượng thi công không phút nghỉ ngơi, mặc cho trên trời máy bay địch quần đảo, soi mói liên tục nhưng vẫn không phát hiện được.

Sau 77 ngày đêm không nghỉ, hai hướng thi công đã gặp nhau tại km 65 trên biên giới Việt-Lào và đến ngày 5-5-1966, con đường đã hoàn thành. Lập tức, hàng đoàn xe từ hậu phương lớn nối nhau chở hàng chi viện cho các chiến trường. Được tiếp tế dồi dào, khắp các mặt trận quân ta đồng loạt đẩy mạnh các hoạt động tấn công địch và đỉnh cao là cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968.

Nhưng chỉ một thời gian ngắn thì địch đã phát hiện ra tuyến đường lợi hại này. Chúng điên cuồng đánh phá, ngăn chặn và cuộc chiến đấu bảo đảm giao thông trên tuyến đường này đã diễn ra cực kỳ khốc liệt. Tại km 12, địch dùng bom, tên lửa bắn vào vách đá dựng đứng để núi sập xuống lấp đường. Chúng dùng bom dây, bom từ trường, “cây nhiệt đới”… rải dọc tuyến đường nhằm làm tổn hại lực lượng và các loại phương tiện vận tải của ta.

Kẻ thù dùng không quân bắn phá, kết hợp máy bay và pháo binh ở ngoài khơi bắn vào, từ “ngăn chặn trọng điểm cố định” đến “săn, đuổi, bẫy, đánh đội hình di động”..., nhưng mọi hoạt động của chúng đều bị thất bại trước lòng quả cảm và sự mưu trí của quân ta. Súng 12,7 ly và các trận địa phòng không của ta đặt bí mật trên những điểm cao khống chế, giăng thành lưới lửa dày đặc, hạn chế hoạt động của máy bay địch.
 

Ngầm Ta Lê trên đường 20 Quyết thắng, một trọng điểm bắn phá của máy bay địch.

Quân ta quấn bẹ chuối quanh người để chống bom bi, dùng xe kích nổ để phá bom từ trường, mở nhiều luồng, nhiều tuyến để nghi binh lừa địch, tổ chức thu gom, phá hủy “cây nhiệt đới”. Nhiều chiến sĩ sẵn sàng chạy qua khu vực có bom nổ chậm làm cho bom phát nổ để sau đó cả đoàn xe tiếp vận nhanh chóng vượt trọng điểm trong khoảng cách giữa hai trận bom. Pháo cao xạ bố trí phân tán, sẵn sàng cơ động ứng cứu khi xe bị máy bay địch phát hiện, đuổi theo... Hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ đã anh dũng hy sinh để giữ vững mạch máu giao thông trên đường 20 Quyết thắng đến các chiến trường 3 nước Việt Nam-Lào-Campuchia.

Đến năm 1972, đường 20 Quyết thắng đã trở thành “trận địa bát quái xuyên rừng rậm”, chiều ngang đường từ 4 mét được mở rộng ra 6-7 mét và có nhiều đường vòng tránh trọng điểm.  Bộ đội, dân công, TNXP chiến đấu, công tác trên đường 20 Quyết thắng đã góp phần quan trọng làm nên Mùa xuân Đại thắng 1975. Và, đúng như tên gọi của con đường này, chúng ta đã đánh thắng hoàn toàn đế quốc Mỹ xâm lược và bè lũ tay sai.
               

Trải qua 16 năm (1959-1975), Bộ đội Trường Sơn đã mở 5 tuyến đường dọc, 21 tuyến ngang và rất nhiều đường vòng tránh, kết thành mạng lưới giao thông liên hoàn với tổng số 216 con đường, dài tổng cộng gần 20.000km, lắp đặt 1.400km đường ống xăng dầu, quân số lúc cao nhất hơn 100.000 người.

Toàn tuyến được chia thành 5 khu vực (470, 471, 472, 473 và 571) với tổng số 9 sư đoàn vận tải, công binh, cao xạ, tên lửa và gần 30 binh trạm. 16 năm đó, Bộ đội Trường Sơn đã chiến đấu, tiêu diệt hơn 18.000 tên địch, bắn rơi 2.455 máy bay, đưa hàng triệu lượt người, vận chuyển hàng triệu tấn hàng quân sự vào tiếp tế cho cả ba chiến trường: miền Nam, Lào và Campuchia.
 
Bộ đội Trường Sơn đã được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND, Huân chương Sao Vàng, Huân chương Hồ Chí Minh và nhiều phần thưởng cao quý khác, trong đó có 78 đơn vị, 47 cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND.


LÊ VĂN THƠM (
Nguồn: Từ lời kể của một số CCB Trường Sơn, các tài liệu về đường Trường Sơn và Ban Xây dựng 67)

;
.
.
.
.
.