Ông Doãn Mậu Hòe (ảnh) ở phường Mỹ An (quận Ngũ Hành Sơn) trong những năm tập kết ra miền Bắc đã vinh dự được gặp Bác Hồ ba lần, lần nào cũng có nhiều tình cảm thiêng liêng, cao đẹp. Đặc biệt, lần gặp Bác khi đang học ở Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã để lại trong lòng người CCB này những kỷ niệm hết sức sâu sắc.
Ông Hòe vẫn còn nhớ tường tận lần gặp ấy là vào tháng 9-1960, sau ngày khai giảng năm học mới. Sáng hôm đó, từ phía nhà bếp của trường có tiếng reo: “Bác Hồ! Bác Hồ! Bác Hồ đến!”. Lập tức, thầy cô, sinh viên ở các khoa, các lớp chạy ùa ra đón Bác trong sự ngạc nhiên và vui mừng khôn xiết. Bác ôn tồn nói với đồng chí Hiệu trưởng Phạm Huy Thông: Bác đến thăm nhưng không báo trước để các chú khỏi nhọc công chuẩn bị tiếp đón, ảnh hưởng đến việc giảng dạy. Sau đó, thầy Hiệu trưởng mời Bác đến hội trường lớn để nói chuyện với sinh viên toàn trường. Bác tươi cười vẫy tay chào mọi người và nói:
- Hôm nay, Bác đến thăm trường, Bác không gọi các cô, các chú là sinh viên mà gọi là học sinh để các cô, các chú không thấy mình to hơn người khác. Các cô, các chú có biết ở đời ai là người luôn được mang ơn và kính trọng hơn không? - Bác dừng lại giây lát rồi tiếp - Đó là ba hạng người: Một là, thầy giáo, cô giáo dạy chữ cho con mình học. Hai là, thầy thuốc chữa bệnh cho mình và gia đình mình. Ba là, người cho mình mượn tiền, gạo lúc khó khăn, túng thiếu. Cả ba hạng người này đều được mang ơn và kính trọng. Các cô, các chú thấy có vinh dự không?
Mọi người hồ hởi đáp to: “Có ạ!”. Bác cười và nói tiếp:
- Nay mai ra trường, nếu có thầy, cô giáo nào dạy không tốt, đối xử với học sinh không tốt thì chẳng những không được kính trọng mà còn bị coi thường, khinh rẻ. Các cô, các chú thấy có xấu hổ không?
Cả hội trường đồng thanh đáp:
- Thưa Bác! Xấu hổ lắm ạ!
Bác tươi cười bảo:
- Các cô, các chú thấy xấu hổ, có lòng tự trọng thì phải làm cho tốt để học sinh yêu quý. Hôm nay, các cô, các chú đang học ở trường, ngày mai các cô, các chú ra trường, trở thành thầy, cô giáo - kỹ sư tâm hồn, nhớ phải làm cho tốt nhiệm vụ “Vì sự nghiệp phát triển giáo dục, vì lợi ích trăm năm trồng người”. Thầy, cô giáo phải tiếp tục học tập, nâng cao trình độ chính trị, văn hóa và chuyên môn để trở thành người thầy giỏi.
Có thầy giỏi thì mới đào tạo được học trò giỏi. Nhiệm vụ của người thầy là vừa dạy chữ, vừa dạy người. Thầy giáo, cô giáo phải yêu nghề, yêu người, thật sự là tấm gương sáng để học sinh soi và làm theo. Đừng làm điều gì trái với đạo đức, lương tâm của người thầy để học sinh coi thường, cha mẹ học sinh và nhân dân chê trách. Bác chúc các cô, các chú học tốt, trở thành thầy giáo, cô giáo thật tốt.
Bác dứt lời, tiếng vỗ tay vang lên như sấm và kéo dài, đồng thời có nhiều tiếng hô lớn nối tiếp nhau: “Hồ Chủ tịch muôn năm!”. Bác khoát tay ra hiệu dừng lại và nhìn xuống chỗ anh em mặc quân phục, ôn tồn bảo:
- Chú nào phụ trách đoàn bộ đội đang học tại trường đây hãy đưa Bác đi xem chỗ ăn ở của các chú.
Tôi và đồng chí Hồng liền đưa Bác đi thăm một số phòng ở của bộ đội thuộc dãy nhà khoa Hóa và khoa Văn. Đến một phòng, thấy ba lô, chăn màn sắp xếp không gọn gàng, Bác dừng lại và nói:
- Ở mặt trận, các chú chiến đấu dũng cảm; ở đơn vị, các chú học tập, lao động, công tác tốt, chấp hành điều lệnh kỷ luật nghiêm, nhưng đi học ở đây các chú lại thực hiện không tốt, làm sao các em học sinh noi gương anh bộ đội được? - Đoạn, Bác quay lại nói với tôi và đồng chí Hồng - Hai chú là cán bộ chỉ huy thì không phải chỉ làm tốt cho bản thân mình mà còn phải lo quản lý, giáo dục, kiểm tra, chỉ dẫn cho cấp dưới làm. Cán bộ có nghiêm khắc với mình thì cấp dưới mới phục, mới học tập theo mình, mới tự giác chấp hành mệnh lệnh của mình.
Đồng chí Hồng đứng nghiêm báo cáo với Bác:
- Thưa Bác! Hai cháu xin nhận khuyết điểm và hứa sẽ sửa chữa.
Tôi cũng tiếp lời:
Thưa Bác! Chúng cháu thấy rõ là bản thân chưa làm tròn trách nhiệm, xin Bác tha thứ cho! Chúng cháu xin hứa từ nay trở đi sẽ ra sức khắc phục.
Bác vỗ vai chúng tôi một cách độ lượng, hiền từ, rồi tươi cười bảo:
- Cán bộ tự nhận thấy khuyết điểm để sửa chữa cầu tiến, thế là tốt, Bác khen.
Nói xong, Bác đi ra, vẫy chào mọi người, rồi nhanh nhẹn bước ra phía cổng trường...
Đã gần 50 năm trôi qua, nhưng hình ảnh Bác, tiếng nói của Bác và những lời dạy bảo của Bác về nhân cách, lương tâm, trách nhiệm của người thầy giáo vẫn còn nguyên vẹn trong lòng tôi, hằng ngày hằng giờ vẫn đang soi rọi, dẫn dắt tôi trong mọi suy nghĩ và việc làm.
... Tốt nghiệp đại học, ông Hòe lần lượt công tác và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ ở Tổng cục Chính trị, Quân khu Tả Ngạn, Trường Văn hóa Quân khu 5, Trường Quân sự Quân khu 5. Về hưu, ông hăng hái công tác và tham gia tích cực vào sự nghiệp trồng người ở địa phương. Hơn 10 năm làm Chủ tịch Hội Khuyến học quận Ngũ Hành Sơn (1998-2008), ông đã xây dựng thành công mô hình “Gia đình hiếu học, Dòng họ khuyến học”, thành lập được “Quỹ khuyến học Lê Văn Hiến”, phát triển tổ chức Hội khắp các cơ quan, đơn vị, tổ dân phố, nhà chùa, xứ đạo trên địa bàn quận và tự nguyện trích lương hưu bảo trợ dài hạn cho hai học sinh mồ côi nghèo. Ông vừa được bầu làm Phó Chủ tịch Hội Khuyến học TP. Đà Nẵng và đã được Hội Cựu giáo chức thành phố đề nghị cấp trên xét phong tặng danh hiệu “Nhà giáo ưu tú”.
Bài và ảnh: LÊ VĂN THƠM
.
.
Luôn nhớ lời Bác dạy
Thứ Năm, 07/05/2009, 08:39 [GMT+7]
.
.
;
.
.
Các tin khác
.
.
.