.

Mấy ý kiến về cuốn sách “Đường phố Đà Nẵng”

.

Quý 1 năm 2008, Nhà Xuất bản Đà Nẵng ấn hành cuốn sách “Đường phố Đà Nẵng”. Cuốn sách thực sự là một cẩm nang quý cho những ai yêu mến thành phố Đà Nẵng. Trong giai đoạn phát triển đô thị hiện nay, nhiều đường phố mới mở, nhiều tên đường mới đặt mà không phải bất cứ một công dân nào của Đà Nẵng khi có du khách hỏi thăm đường là có thể trả lời ngay được, nếu như không xem bản đồ hoặc thường xuyên qua lại trên con đường ấy.

Tên đường trong cuốn sách và ghi trong bản đồ du lịch, ấn hành cùng thời điểm nhưng có những điểm không đồng nhất về cách gọi tên.

Hơn nữa, có khi sinh sống trên một con đường mang tên một danh nhân, một sự kiện lịch sử nhưng chưa hẳn ai cũng hiểu hết ý nghĩa, công trạng của nhân vật và sự kiện mà con đường đã vinh dự được mang tên.

Cuốn sách “Đường phố Đà Nẵng” đã đạt được những tiêu chí ấy, cung cấp cho bạn đọc những thông tin về lai lịch con đường, vị trí địa lý và lược sử tên đường. Cuốn sách đã được tái bản bổ sung lần thứ hai, và rồi đây sẽ còn tiếp tục chỉnh lý, bổ sung cho đầy đủ khi có những con đường mới mở và những tên đường mới đặt. Để tái bản lần sau được tốt hơn, xin có mấy ý kiến về một số chi tiết sai sót hoặc chưa đồng nhất trong cách gọi tên đường, giữa thực tế, bản đồ du lịch và trong cuốn sách.

Theo sách, đường có tên là Tông Đản nằm trên địa bàn quận Liên Chiểu, nhưng trên thực tế tên đường là Tôn Đản, nằm ở địa bàn phường Hòa An, quận Cẩm Lệ, tên đường trên thực tế đúng với tên đường ghi ở trong bản đồ du lịch. Như vậy, nếu gọi tên theo sách thì phải sửa tên đường ở trên bản đồ và trên thực tế. Cũng tương tự cách gọi chệch giữa sách và bản đồ du lịch còn có các tên đường khác như Phan Châu Trinh với Phan Chu Trinh, đường Yên Bái với đường Yên Báy.

Một vấn đề “tiền hậu bất nhất”, đó là tên đường Yên Báy, ai cũng biết cuộc khởi nghĩa Yên Bái gắn liền với tên tuổi của lãnh tụ Quốc Dân đảng là Nguyễn Thái Học và người yêu là Nguyễn Thị Giang (Cô Giang). Theo sách, ở phần Cô Giang được ghi: “... Nguyễn Thái Học cùng với một số đồng chí của ông bị Pháp xử tử tại Yên Báy (17-6-1930)...”, còn ở phần nội dung về Nguyễn Thái Học lại được ghi: “... Ngày 17-6-1930, ông cùng 12 chiến sĩ của Việt Nam Quốc Dân đảng đã lên đoạn đầu đài đền nợ nước tại tỉnh lỵ Yên Bái...”, đến phần đường Yên Báy, sách lại ghi: “... Yên Báy là tỉnh miền núi thuộc tây bắc Bắc bộ...”.

Như vậy tỉnh Yên Bái, cuộc khởi nghĩa Yên Bái với tên đường Yên Báy có gì khác nhau? Nếu không khác nhau thì tại sao lại không thống nhất trong cách gọi tên? Có nhiều sai sót dễ chấp nhận, nhưng có những lỗi sai mo-rát lại làm chệch nội dung như ở trang 165 viết về tên đường Mạc Thị Bưởi có đoạn ghi: “... Chúng tra tấn chị rất dã man, nhưng chị không khai một lời, kiên cường bất khuất, cuối cùng chị đưa Mạc Thị Bưởi về giết tại quê chị...”, chỉ sai một chữ “chúng” thành chữ “chị” nhưng đọc lên thật khó chấp nhận.

Bản đồ du lịch và cuốn sách “Đường phố Đà Nẵng” được xuất bản ở cùng một thời điểm, phần đầu cuốn sách in lại nguyên bản tấm bản đồ du lịch, thế nhưng giữa tên ghi trong sách và tên ghi trên bản đồ lại có những lỗi không đồng nhất. Mỗi tên đường là một trang sử, đọc sách “Đường phố Đà Nẵng” cũng như đọc một pho sử, mong sao lần tái bản sau, cuốn sách sẽ được chỉnh lý, bổ sung, đối chiếu cẩn trọng hơn để đáp ứng được lòng mong mỏi của bạn đọc, khi tìm đến với những con đường trên thành phố Đà Nẵng thân thương.    
                    
LÊ GIA THỤY

;
.
.
.
.
.