.

Nan giải hạ tầng giao thông ở Liên Chiểu

.

Các ý kiến mà Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố nhận được trong đợt tiếp xúc cử tri vừa qua ở quận Liên Chiểu đều tập trung vào một nội dung chính, đó là tình trạng hạ tầng giao thông xuống cấp trầm trọng, gây rất nhiều khó khăn cho sinh hoạt và sản xuất của nhân dân. Điều đó cho thấy thực trạng hạ tầng giao thông ở Liên Chiểu hiện nay rất bức xúc và giải quyết vấn đề này thực sự nan giải, vượt ra ngoài khả năng nội tại của quận.

Đường Phạm Như Xương chỉ sau một cơn mưa nhẹ.

Ngày 14-5-2009, khi chúng tôi đến Liên Chiểu lấy tư liệu cho bài viết này, vừa bước vào Văn phòng UBND quận, gặp một cơn mưa rào nhẹ, kéo dài chừng 5 phút. Lượng mưa tuy không lớn (khoảng 7-8mm) nhưng đã làm lộ ra bức tranh toàn cảnh về thực trạng giao thông ở quận Liên Chiểu hiện nay.
 
Trên mọi tuyến đường (trừ các tuyến đường ở các khu dân cư mới và quốc lộ 1A – đường Tôn Đức Thắng, Nguyễn Lương Bằng), chúng tôi đều bắt gặp những hố nước nằm rải rác, xen kẽ nhau phủ gần kín mặt đường. Người đi đường phải lạng lách để tránh các vũng nước, khá nguy hiểm. Ở một số đoạn trên đường Phạm Như Xương, Văn Cao… người đi đường không có cách nào khác là phải đi băng qua cả vũng nước vì cả đoạn đường đã bị ngập.

Nhiều đoạn nước tràn vào cả nhà dân vì  mặt đường hầu hết cao hơn nền nhà. Thấy chúng tôi dừng xe để chụp ảnh, hàng chục người dân ở 2 bên đường đến than khổ vì họ nghĩ chúng tôi là cán bộ của ngành giao thông xuống kiểm tra để sửa đường. Nhiều người rất bức xúc và gay gắt phản ánh những nỗi khổ bao năm qua mà họ phải chịu đựng mỗi khi mùa mưa đến.
 
Tại hầu hết các tuyến đường chính ở quận như Văn Cao, Phan Văn Định, Nguyễn Huy Tưởng…, những phố buôn bán sầm uất và nhiều hàng quán thì các biển hiệu quảng cáo, hàng hóa… tràn hết ra cả lòng đường, thậm chí người ta rửa bát đĩa và đổ nước thải ra ngay lòng đường. Trả lời câu hỏi của chúng tôi vì sao lại dùng lòng đường làm nơi rửa chén và đổ nước, rác thải, một người dân trên đường Phan Văn Định đang rửa chén nói: “Đường không có cống thoát nước nên đổ đâu cũng thế, vả lại đổ nước ra đường còn có cái lợi là chống bụi”.
 
Anh Nguyễn Văn Bình, chuyên viên Phòng Quản lý đô thị quận cho biết: Hiện cả quận đã có 50 tuyến đường có tên (chưa kể các tuyến đường trong khu dân cư mới), chỉ có tuyến quốc lộ 1A bao gồm đường Tôn Đức Thắng và đường Nguyễn Lương Bằng là có vỉa hè, có mương thoát nước, còn lại các tuyến đường khác không có. Đây cũng là một đặc điểm đáng lưu ý của hệ thống giao thông ở quận Liên Chiểu hiện nay.

Một đoạn trên đường Nguyễn Chánh

Ngoài ra, hầu hết các tuyến đường trong quận đều là đường giao thông nông thôn chưa được cải tạo, nâng cấp. Tình trạng kỹ thuật chung của hệ thống giao thông trên toàn quận là thâm nhập nhựa và đường bê-tông. Do không có mương thoát nước nên mỗi khi trời mưa, lòng đường trở thành mương thoát nước bất đắc dĩ, vì các hộ dân đã xây các con lươn chắn nước không cho vào nhà và làm đường ống dẫn nước mưa trong nhà đổ ra đường.

Thêm vào đó, trên địa bàn quận là cả công trường xây dựng với rất nhiều dự án dở dang. Mỗi ngày hệ thống giao thông phải oằn mình chịu đựng hàng trăm lượt xe tải nặng chở vật liệu xây dựng, chở đất san nền cho các công trình làm cho các tuyến đường đã hư hỏng, càng thêm hư hỏng. Nguồn kinh phí ít ỏi (hơn 1 tỷ đồng mỗi năm) chỉ đủ để phủ một lớp đất lên các ổ gà phục vụ cho một mục đích duy nhất là làm đẹp cho các tuyến đường được vài ngày vào các dịp lễ, Tết trong năm mà thôi.
 
Và chỉ sau mỗi trận mưa vài ngày với mật độ giao thông dày và các xe quá tải như vậy, toàn bộ đất đá sau khi vá đường lại bị cày xới và bóc đi hết, các ổ gà vừa được vá lại rộng thêm ra, làm cho mặt đường càng xuống cấp. Do vậy, hệ thống giao thông trên địa bàn quận cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ về TNGT, mặc dù các cơ quan chức năng của quận đã có nhiều cố gắng trong việc kiềm chế TNGT. Đặc biệt là các điểm giao giữa đường bộ với đường sắt và các điểm giao giữa các đường ngang dân sinh với đường sắt, trong đó có những điểm không thể khắc phục vì liên quan đến nhiều cấp và cả ngành đường sắt như điểm giao giữa đường Ngô Sỹ Liên với đường sắt, năm nào cũng xảy ra tai nạn chết người.

Sử dụng lòng đường làm nơi rửa bát, giặt quần áo.

Việc nâng cấp, làm mới các tuyến đường đã được cử tri, các ban, ngành của quận đề xuất, phản ánh rất nhiều, nhưng với nhiều lý do khác nhau mà những nguyện vọng chính đáng trên chưa được đáp ứng. Tốc độ sửa chữa, xây dựng, nâng cấp các tuyến đường cho tương xứng với tầm vóc của đường đô thị chưa được thực hiện. Ông Trần Văn Minh, tổ 29, khối phố Chơn Tâm, phường Hòa Khánh Nam, cho biết:

Hầu hết nhân dân ở đây đồng ý làm mới lại đường Phạm Như Xương cũng như nhiều tuyến đường khác theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” theo phương án 50/50. Theo ông Minh, nếu làm đường thì người dân sẽ chịu 50% giá trị đất phải giải tỏa và 50% giá trị vật kiến trúc cũng như hoa màu trên phần đất bị thu hồi, còn lại là Nhà nước (quận và thành phố). Rất mong UBND thành phố và các ban, ngành, nhất là ngành Giao thông vận tải sớm có giải pháp hiệu quả để cải thiện điều kiện giao thông trên địa bàn quận Liên Chiểu.

Bài và ảnh: Đức Thịnh

;
.
.
.
.
.