.
NGÀY LÀM VIỆC THỨ SÁU, KỲ HỌP THỨ NĂM, QUỐC HỘI KHÓA XII

Cần minh bạch, cụ thể hơn trong quá trình thực hiện gói kích cầu kinh tế của Chính phủ

.

Chiều 26-5, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, các đại biểu Quốc hội làm việc tại hội trường thảo luận về Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế-xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2008; tình hình thực hiện kế hoạch kinh tế-xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2009 trong những tháng đầu năm.

Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo phát biểu ý kiến. Ảnh: TTXVN


Các đại biểu Quốc hội phát biểu đều thống nhất ý kiến nhất trí về bản báo cáo Chính phủ tại kỳ họp thứ năm và đánh giá cao hoạt động điều hành năng động của Chính phủ đối phó với ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới. Các chính sách điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ đã góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh, duy trì được tốc độ phát triển kinh tế ở mức khá và  bảo đảm an sinh xã hội, giữ vững được quốc phòng, an ninh đất nước.

Các đại biểu biểu dương Chính phủ đã nhanh chóng đưa ra gói kích cầu chống suy giảm kinh tế, bảo đảm ổn định sản xuất kinh doanh. Những kết quả bước đầu từ việc thực hiện gói kích cầu kinh tế đã cho thấy những tác dụng tích cực đối với sự phát triển nền kinh tế và ổn định xã hội. Tuy nhiên, theo một số đại biểu, trong thời gian tới Chính phủ cần đẩy mạnh các biện pháp chỉ đạo và có chính sách thích hợp để đưa gói kích cầu tập trung vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp và khu vực nông thôn, bởi đây là một trong những khu vực kinh tế tập trung lực lượng sản xuất lớn nhất của đất nước, có tác động lớn đến nhân dân cả nước.

Đại biểu Nguyễn Văn Sơn (Tuyên Quang), Nguyễn Hữu Phước (Bến Tre) kiến nghị Chính phủ cần chọn trọng điểm cho gói kích cầu kinh tế và nên quan tâm đến đầu tư cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Theo đại biểu Sơn, việc hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng nông thôn, trước mắt là hệ thống giao thông sẽ góp phần đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, tạo công ăn việc làm cho người dân, tạo điều kiện cho hoạt động đầu tư tại các vùng nông thôn cũng như tạo cơ sở cho công cuộc thực hiện chiến lược công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông thôn mà Đảng và Nhà nước đã đề ra.

Đại biểu Danh Út (Kiên Giang) cũng có ý kiến tương tự đại biểu Nguyễn Văn Sơn khi cho rằng Chính phủ cần quan tâm hơn đến lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, cần có chính sách cụ thể và phù hợp để thúc đẩy hoạt động sản xuất nông nghiệp và thu mua, xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp. Theo ông Danh Út, thực tế hiện nay cho thấy người nông dân đang rất khó khăn trong việc tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi nằm trong gói kích cầu của Chính phủ.

Đại biểu Nguyễn Thế Thảo (Hà Nội) quan tâm đến tính minh bạch, rõ ràng của quá trình thực hiện và triển khai gói kích cầu của Chính phủ. Theo ông Thảo, Chính phủ cần công bố rõ ràng, đầy đủ các chương trình thực hiện gói kích cầu để tạo điều kiện cho người dân góp ý kiến và tham gia vào hoạt động giám sát kiểm tra quá trình thực hiện gói kích cầu đúng đối tượng, đúng mục tiêu. Bên cạnh đó, Chính phủ cần đề quan tâm đến sự cân đối giữa mục tiêu ngắn hạn và dài hạn trong việc thực hiện gói kích cầu kinh tế để đảm bảo đưa nền kinh tế vượt qua được những khó khăn trước mắt nhưng vẫn bảo đảm tiền đề và cơ sở cho sự phát triển nền kinh tế vĩ mô trong thời gian sau này.

Đại biểu Trần Văn Hổ (Hà Nam), Nguyễn Hữu Phước (Bến Tre), Nguyễn Thị Nương (Cao Bằng) nhất trí với đề nghị của Chính phủ về việc điều chỉnh lại chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế và tăng mức bội chi ngân sách để phù hợp với thực tiễn điều hành trong tình hình hiện tại. Tuy nhiên, các đại biểu cho rằng, Chính phủ cần xác định mức tăng bội chi ngân sách phù hợp, bảo đảm an ninh tài chính quốc gia và chỉ luôn coi đó là biện pháp tạm thời để giải quyết những khó khăn trước mắt của tình hình.

Cùng chung ý kiến liên quan đến lĩnh vực bảo vệ rừng, đại biểu Nguyễn Lân Dũng (Đak Lak), Hoàng Hữu Năng (Kon Tum), Nguyễn Đình Xuân (Tây Ninh) cho rằng thời gian qua, công tác bảo vệ rừng đang gặp rất nhiều khó khăn và còn nhiều bất cập. Lực lượng kiểm lâm còn thiếu, yếu và chưa nhận được sự hậu thuẫn đủ mạnh của chính quyền địa phương trong công tác chống lâm tặc.

Các đại biểu cho rằng, bên cạnh việc quan tâm đến việc tăng cường năng lực, sức mạnh của lực lượng kiểm lâm, Chính phủ cần có chính sách đãi ngộ phù hợp với các hộ dân được nhận khoán giao trồng, bảo vệ rừng, cũng như có sự phân cấp rõ ràng giữa các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương trong công tác bảo vệ rừng.

(Theo TTXVN)

 

;
.
.
.
.
.