.

Nhớ những năm tháng ở Trường Sơn

.

Bà Lê Thị Bạch Vân, ở tổ 35 phường Hòa Khánh Bắc (quận Liên Chiểu), nguyên là y tá của Công ty Cầu 4 làm nhiệm vụ trên đường Trường Sơn năm xưa. Những ngày tháng 5 lịch sử này, bà nhớ lại…

Bà Lê Thị Bạch Vân.

...Hồi ấy, Công ty Cầu 4 là lực lượng nòng cốt làm cầu và sửa chữa cầu trên đường 12 chạy từ Khe Ve đến đèo Mụ Dạ. Tuyến đường này chỉ dài 45km nhưng có đến hơn 10 cây cầu lớn nhỏ. Cầu thường làm theo kiểu di động, tức là làm sẵn các trụ ở hai bên bờ sông, cứ đến chạng vạng tối là công nhân, bộ đội, thanh niên xung phong khẩn trương căng dây cáp qua sông (mỗi cầu thường căng 4 dây), rồi bắc gỗ, siết bu lông chặt lại là xong.

Lái xe qua cầu phải giỏi và thật bình tĩnh. Xe đi qua, cầu  lắc qua lắc lại và đã có trường hợp bị trượt rơi xuống sông. Đến rạng sáng hôm sau là phải nhanh chóng tháo dỡ cầu đem cất giấu để giữ bí mật, ban ngày máy bay địch không phát hiện được vị trí cầu. Ta còn làm nhiều cây cầu giả để đánh lừa máy bay địch trút bom xuống chỗ không người.

Bà Vân vừa điều trị công nhân bị đau ốm của đơn vị mình, vừa tham gia cứu chữa thương binh của Đại đội pháo phòng không Nguyễn Viết Xuân. Đơn vị này xây dựng trận địa trên các điểm cao khống chế để bắn máy bay địch, bảo vệ cầu đường. Hằng ngày, bà Vân vừa điều trị bệnh cho công nhân đau ốm, vừa sẵn sàng lao nhanh tới trận địa pháo, tham gia băng bó, cấp cứu thương binh khi nghe 3 tiếng súng báo động chiến đấu.

Hằng tháng, bà Vân về tuyến sau một lần để lấy thuốc. Đường về trạm dược xa gần 20 cây số và qua nhiều đèo dốc, bà phải đi mất nửa ngày mới đến nơi, nhận thuốc xong, lại hối hả trở về đơn vị. Có thời gian địch đánh phá ác liệt, thuốc đã hết mà không đi nhận được, bà Vân phải đi tìm lá cây cỏ về sắc lấy nước điều trị bệnh nhân. Chẳng hạn, cây nhọ nồi điều trị bệnh sốt xuất huyết, lá đồng tiền, rễ tranh chữa các bệnh về đường tiết niệu, lá “hỗn hợp” nấu xông cho người bị cảm cúm.

Bà Vân có nhiều kỷ niệm ở Trường Sơn, chứng kiến nhiều cảnh tượng hết sức oai hùng mà cảm động, như kỹ sư Bùi Văn Nhuận thản nhiên đến ngồi lên quả bom nổ chậm, giúp anh em vững tâm khắc phục đường; những mối tình nảy nở từ trong lửa đạn bây giờ họ vẫn còn đó, sống rất hạnh phúc. Bà Vân là thành viên đội xung kích của công ty, ngoài công tác chuyên môn, còn hăng hái tham gia làm đường, đào hầm, vận chuyển nhu yếu phẩm... Trong một trận chiến đấu của Đại đội Nguyễn Viết Xuân, thấy pháo thủ thiếu đạn, bà đã xông ra tham gia tiếp đạn cho một khẩu đội 37 ly..
.  
Nhớ lại những ngày hào hùng ấy, bà Vân hết sức tự hào và càng thêm hăng say tham gia công tác địa phương. Bà là “con chim đầu đàn” trong phong trào văn nghệ-thể dục dưỡng sinh người cao tuổi ở phường Hòa Khánh Bắc và đã từng đạt giải nhất tại Hội thi “Cụ ông, cụ bà đẹp lão” toàn quận Liên Chiểu.
               
Bài và ảnh: LÊ VĂN THƠM

;
.
.
.
.
.