.

Nhớ thời “xẻ dọc Trường Sơn...”

.

50 năm trước, đường Trường Sơn nối liền hậu phương lớn với tiền tuyến lớn. Đến nay Trường Sơn vẫn thật sâu ngọt trong lòng những chiến sĩ năm xưa, những người từng cống hiến cả tuổi thanh xuân của mình cho con đường trong những năm chiến tranh...

Những người tiên phong mở đường

Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thăm đơn vị pháo cao xạ thuộc bộ đội Trường Sơn chốt giữ trọng điểm trên đường 20 Quyết thắng (đầu năm 1973).(Ảnh tư liệu)

Trong miền ký ức của ông Nguyễn Thành Long, một trong những người đầu tiên theo đoàn công tác của Thượng tá Võ Bẩm, nguyên Cục phó Cục Nông trường làm nhiệm vụ mở đường Trường Sơn chi viện cho chiến trường miền Nam, đường Trường Sơn lúc đó đôi chỗ có những lối mòn nhỏ, là đường đi của đồng bào dân tộc, giữa rừng già hoặc qua những trảng cỏ tranh.

Đoàn của ông Long có 59 người, thực hiện khẩu hiệu có tính chất mệnh lệnh “ở không nhà, đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng” với hành trang là vài bộ áo quần, 8 bánh lương khô, 3 cây súng và 50 viên đạn tiến dần về vùng đất Quảng Nam, nơi trước ngày ra Bắc năm 1958 ông có hơn 4 năm ở lại hoạt động bất hợp pháp sau Hiệp định Giơnevơ. Sang đến năm 1960, các ông đã đặt được 7 trạm liên lạc từ Quảng Nam vào đến Ba Tơ (Quảng Ngãi). Những năm này ông Long đổi tên thành Nguyễn Tấn Nhơn, thành anh Tư, đóng khố, cưa răng ở cùng đồng bào dân tộc. Ông Long nhớ lại: “Lúc thì đi khảo sát tuyến đường, lúc gùi hàng.

Lúc đó tôi chỉ có 48kg, chỉ với một cây gậy mà có thể gùi 1,2 tạ súng đạn, vượt từng cái dốc đứng”. Ông Nguyễn Đức Danh, làm công tác tuyên huấn trên tuyến đường Trường Sơn từ năm 1961 nhớ lại: Ban đầu toàn tuyến có 8 trạm, đi từ trạm này qua trạm khác khoảng 30km mất hết 1 ngày và 1 đêm. Sau hơn 18 tháng hình thành con đường, hàng chục tấn vũ khí, khí tài thiết yếu được chuyển giao cho lực lượng vũ trang khu 5 và Tây Nguyên. Ông Long, ông Danh cũng đã đi dọc hết tuyến đường để thực hiện nhiệm vụ.

Năm 1964, tuyến hành lang Đông Trường Sơn tiếp tục bị địch đánh phá, ngăn chặn. Chuyển hàng bằng gùi thồ và xe cơ giới trên cả hai tuyến Đông và Tây Trường Sơn không đáp ứng được yêu cầu của chiến trường, Bộ Tổng tham mưu chỉ thị cho Cục Công binh khảo sát chuẩn bị mở đường ô-tô. Ông Đoàn Văn Đạt lúc đó đang làm ở Đội Khảo sát thiết kế-Viện Thiết kế, Bộ Giao thông vận tải đã nhận được hai tờ quyết định đánh dấu bước chuyển công việc và cả lý tưởng của cuộc đời. Ông kể: “Ngày hôm trước tôi nhận được quyết định cử đi Liên Xô học tập. Ngày hôm sau lại có quyết định điều động tăng cường cho Đoàn 559.

Tôi đã chọn quyết định thứ 2, bởi mình là người miền Nam, miền Nam đang rất cần những người như chúng tôi”. Ông Đạt lên đường, vào tuyến đường Tây Trường Sơn, khảo sát thiết kế ở vùng Trung và Hạ Lào đến ngã ba La Hạp. Đoàn khảo sát đến đâu đường được mở ngay đến đó. Không đủ thước đo, các ông đã cắt dây mây nối lại từng đoạn khoảng 30-50m. 5 năm làm công tác khảo sát thiết kế trên cung đường dài 600-700km, ông Đạt cũng không nhớ mình đã nối bao nhiêu cây mây để làm thước đo trên con đường giữa đại ngàn.

“Ngày không giờ, tuần không thứ”

Cổng Trời đường 12 (huyện Minh Hóa, Quảng Bình) hiện nay.

“Chỉ có làm việc và làm việc, không nghĩ ngợi, không suy tính, không run sợ...” là những điều mà những cựu chiến binh, những người lính, người thợ anh hùng trên tuyến đường Trường Sơn năm xưa khẳng định. Ông Cầm Bá Trùng, Anh hùng LLVT nhớ lại: Năm 1968, người bạn thân ở cùng làng đi bộ đội mới hơn một năm đã hy sinh, ông lúc đó mới 16 tuổi đã khai tăng thêm 2 tuổi để được ra mặt trận. Lúc mới đi, phải xắn chiếc quần bộ đội lên 4 lớp mới vừa người. Ông được bổ sung vào Binh trạm 12 (Quảng Bình), một địa điểm bị địch đánh phá ác liệt.
 
“Khoảng 15 phút lại có một đợt dội bom B52. Hết đợt bom là chúng tôi lao ra mặt đường cứu xe hàng để giải phóng đường, rồi lấp đường cho xe tiếp tục qua. Hầu như rất ít khi được nghỉ vì đường 12 là trọng điểm đánh phá. Lúc đó chẳng ai nghĩ mình làm để sau này được phong là anh hùng, vì có thể anh em mới ngồi với nhau lúc này đây, một lúc sau đã mất nhau mãi mãi”. Sự sống và cái chết chỉ ở trong gang tấc nhưng chẳng ai nghĩ đến. Năm 1978, ông được tuyên dương Anh hùng vì thành tích nhiều lần cứu xe hàng vận chuyển, giải phóng cho cả đoàn xe và hàng trăm chiến sĩ đang trên đường ra mặt trận.

Năm 1970, ông Phạm Văn Khoa đang là thợ hàn bậc 2/7 thuộc một nhà máy của Bộ Giao thông vận tải đã được chi viện cho lực lượng công binh Đoàn 559. Vào đến đường Tây Trường Sơn ở đường 24 (Khăm Muộn, Lào), ông trở thành một thợ cơ khí “đa tài” khi làm cả thợ hàn, rèn, gò, nguội và đảm nhận việc lái xe vận chuyển hàng giữa các binh trạm. Ông Khoa trải qua các binh trạm 16A, 16C, đường 14, đường Tà Cơn, đường 9.

Ông kể “Mỗi tháng được nghỉ 1 ngày nhưng anh em chẳng ai muốn nghỉ bởi công việc rất nhiều, không vận chuyển thì sửa đường. Chúng tôi có mặt hầu như cả ngày đêm trên mặt đường”. Lúc đó không có phong trào thi đua nhưng những tiểu đội nữ thanh niên xung phong (TNXP) đã là tấm gương về sự hy sinh quên mình cho nhiệm vụ. Ông nhớ lại: “Năm 1971-1972, Trung đoàn Công binh của chúng tôi có đến 2.000 nữ, là lực lượng 2 giỏi của tỉnh Quảng Bình, là dân công hỏa tuyến, TNXP ngày đêm bám trụ mặt đường sửa đường cho xe qua. Có những đơn vị yêu cầu 4 giờ sáng bắt đầu làm việc, nhưng nhiều tiểu đội nữ 2 giờ sáng đã bắt đầu âm thầm đi làm. Các chị em tranh thủ thời gian làm được nhiều việc càng tốt”.

Tháng 3-1969, tuyến đường ống dẫn xăng dầu từ cổng Trời theo đường 12 vượt Trường Sơn vào đến tuyến 559. Ông Ngô Trí Hòa, Trưởng ban Quân lực, năm 17 tuổi đã viết lá đơn bằng máu để xin vào chiến trường, tham gia lắp đặt đường ống dẫn xăng dầu kể: “Một ống phi dài 100m của Liên Xô nặng 36kg, của Trung Quốc nặng 45kg, còn của Việt Nam nặng 72kg nhưng anh em vác đi phăm phăm. Có người vác một lúc 4 ống”.

Và tiểu đội xe không kính

Nhắc đến Trường Sơn không thể không nhắc đến những tiểu đội xe không kính. Ông Nguyễn Văn Bình, lái xe thuộc đơn vị C14, Cục Vận tải tăng cường cho đường 559 kể, thời gian huấn luyện lái xe chỉ được 30 ngày. Khi đã cầm lái, không kể đó là loại xe gì đều có thể lái được và phải lái xe trong điều kiện hết sức ngặt nghèo: những đoạn nào rừng rậm, tranh thủ đi ban ngày, khi không có máy bay đánh phá là đi; còn hầu hết phải đi ban đêm, chỉ được bật đèn gầm. Chỉ lái một tay, nửa người còn lại nhoài đầu ra ngoài cửa để nhìn đường.

Những đợt dội bom khiến các xe vỡ hết kính. Mỗi trung đội xe có khoảng 10-12 chiếc, có 1 thợ sửa chữa, 1 y tá đi theo đoàn và 2-3 xe mới có một lái xe dự phòng. Với những đoạn đường vừa bị dội bom, trong khoảng 10-15 phút phải giải phóng xong mặt đường để xe qua, nếu không sẽ bị ách tắc. Ông Phạm Văn Khoa kể rằng ông đã nhiều lần cùng anh em đưa gạo trên xe xuống lót đường ở những đoạn đường lầy lội để xe đi. Giành giật với địch từng thước đường, từng giờ thông đường...

Những người lính, được phong và không được phong Anh hùng, đều là những Anh hùng của dân tộc, khi đã cống hiến tuổi thanh xuân, sự sống cho Tổ quốc. Họ có lý tưởng và niềm tin sắt đá vào ngày hòa bình, độc lập, thống nhất Nam-Bắc. Phải 16 năm sau con đường huyền thoại Trường Sơn hình thành, những niềm mong mỏi đó mới thành sự thật. Nhưng đã có hàng ngàn chiến sĩ ngã xuống trên tuyến đường này.

Trong lần trở lại Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn, nơi yên nghỉ hơn 10.300 liệt sĩ hy sinh trên tuyến đường Trường Sơn đầu tháng 3 mới đây, chúng tôi nhận thấy ở hàng mộ “những liệt sĩ chưa biết tên”, có nhiều bia mộ đã có tên tuổi, ghi đè lên dòng chữ “liệt sĩ chưa biết tên”. Chúng tôi, những thế hệ ra đời sau khi đất nước đã hòa bình, cảm thấy rưng rưng xúc động. 50 năm đã trôi qua, hy vọng rằng bia mộ của những liệt sĩ đã hy sinh trên tuyến đường này sẽ được xác định tên tuổi. Để những đồng đội, người thân sẽ không còn đau đáu với nỗi đau chưa đưa các anh về đây, trả lại tên tuổi cho các anh, các chị, như lời tâm sự trong nước mắt của ông Cầm Bá Trùng “thương những anh em còn nằm đâu đó dưới đất. Không biết mục nhắn tìm đồng đội đến bao giờ mới hết?...”.

Đường Trường Sơn là mạng lưới giao thông quân sự chiến lược, cung cấp binh lực, lương thực và vũ khí, khí tài để chi viện cho chiến trường miền Nam từ năm 1959 – 1975.

* Tính đến ngày giải phóng miền Nam, đường Trường Sơn đã tồn tại gần 6.000 ngày đêm. Các lực lượng công binh, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến Trường Sơn gồm khoảng 120.000 người làm nên mạng đường liên hoàn, vững chắc với 5 hệ thống đường trục dọc, 21 đường trục ngang, nối Đông với Tây Trường Sơn. Xây dựng gần 2 vạn km đường ô-tô, 1.400km đường ống dẫn xăng dầu, 3.140km “đường kín” cho xe chạy ban ngày và hàng ngàn cầu, cống, ngầm.

* Trong 16 năm, hệ thống hậu cần đường Trường Sơn đã chuyển được hơn 1 triệu tấn hàng, vũ khí cho các chiến trường; bảo đảm chỉ huy hành quân cho hơn 2 triệu lượt người vào chiến trường hoặc từ chiến trường ra Bắc; vận chuyển cơ động 10 lượt sư đoàn, 3 quân đoàn, hộ tống 90 đơn vị binh chủng kỹ thuật vào chiến trường.

* Trong các chiến dịch đánh phá từ năm 1965 - 1972, Mỹ đã huy động khoảng 733.000 chuyến máy bay, đánh phá khoảng 152.000 trận; ném xuống các tuyến đường Trường Sơn gần 4 triệu tấn bom đạn. Hơn 20.000 bộ đội, thanh niên xung phong, công nhân giao thông đã hy sinh; hơn 30.000 người bị thương; khoảng 14.500 xe - máy các loại, hơn 700 khẩu súng pháo bị hư hỏng; hơn 90.000 tấn hàng hóa bị đánh cháy...

* Trong 16 năm, chúng ta đào đắp, san lấp khoảng 29 triệu m3 đất đá, san lấp 78.000 hố bom; phá 12.600 quả bom từ trường, 8.000 bom nổ chậm, 85.100 mìn các loại; đánh 2.500 trận bộ binh, loại khỏi vòng chiến đấu gần 20.000 tên địch, thu, phá hủy hơn 100 xe quân sự, hàng ngàn súng các loại; bắn rơi hơn 2.450 máy bay các loại.

* Năm 2000, con đường mòn năm xưa nay đã trở thành đại lộ mang tên Hồ Chí Minh được đầu tư nâng cấp thành tuyến giao thông huyết mạch quốc gia thứ 2 (sau quốc lộ 1A) kéo dài từ Cao Bằng đến Cà Mau với tổng chiều dài 3.167km (trong đó tuyến chính dài 2.667km, tuyến nhánh phía Tây dài 500km), chạy qua địa phận 30 tỉnh, thành phố.

H.N (tổng hợp)


Ký -
Hoàng Nhung

;
.
.
.
.
.