.

Những bất cập trong hệ thống giao thông

.

Hiện nay, trong hệ thống giao thông ở Đà Nẵng, tại các giao lộ được xây dựng những bùng binh, trang trí mảng cỏ và cây xanh rất đẹp. Hình ảnh những con đường trong đô thị được đổi khác cũng một phần nhờ vào sự sinh động từ những bùng binh này. Thế nhưng, xét trên khía cạnh giao thông thì tại những bùng binh này vẫn còn nhiều điều cần bàn.

Bùng binh đầu cầu Sông Hàn có đường kính quá lớn.

Những người thường xuyên lưu thông trên đường Ngô Quyền, Ngũ Hành Sơn cho rằng, những bùng binh trên tuyến đường này đã được thiết kế và xây dựng chưa phù hợp với thực tế (đường kính bùng binh là 75m, trong khi lòng đường chưa đến 20m). Ai cũng biết, nơi đặt bùng binh là điểm giao cắt giữa các dòng phương tiện, là đầu mối giao thông, vì vậy mật độ phương tiện qua lại lớn gấp nhiều lần so với những nơi bình thường khác và thường xuyên xảy ra những va chạm giữa các phương tiện giao thông với nhau…Vì vậy, tại những điểm này đòi hỏi phải thiết kế lòng đường lớn và phải bố trí một cách hợp lý các tổ chức giao thông như dải phân cách, làn đường, phần đường, đặc biệt là bùng binh.

Hiện nay, các bùng binh ở đầu cầu Tuyên Sơn, đầu cầu Nguyễn Văn Trỗi và đầu cầu Sông Hàn đều có đường kính quá lớn so với lòng đường. Để lưu thông qua các bùng binh này, người đi đường phải điều khiển phương tiện ôm một vòng cua quá lớn; mặt khác, độ dốc tại các bùng binh trên cũng không được khảo sát một cách cẩn trọng, nên đã có nhiều vụ tai nạn xảy ra khi các loại phương tiện qua cua với tốc độ hơi lớn.

Một nguyên nhân khác dẫn đến các vụ tai nạn tại các bùng binh là việc chấp hành luật lệ giao thông của người điều khiển phương tiện còn quá kém. Vì bùng binh quá lớn, nên có nhiều người khi lưu thông qua đây đã ngang nhiên cắt cua, cho phương tiện đi vào đường ngược chiều để nhanh chóng vượt qua bùng binh. Qua quan sát thực tế, chúng tôi thấy có rất nhiều người đi từ hướng Hải Châu sang Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn đều đi tắt một đoạn đường ngược chiều để nhanh chóng nhập vào đường Ngũ Hành Sơn và Ngô Quyền…

Cuối dải phân cách được thiết kế theo hình loa kèn.

Không riêng gì những bùng binh đã được nêu trên, trên tuyến đường Nguyễn Hữu Thọ, Cách mạng Tháng Tám… cũng đang tồn tại những bùng binh có đường kính quá lớn, và đó cũng là nguyên nhân dẫn đến nhiều vụ tai nạn giao thông trong thời gian qua.

Bên cạnh những bùng binh quá cỡ, hệ thống dải phân cách trên các tuyến đường cũng còn nhiều bất cập. Chẳng hiểu các nhà thiết kế đã dựa trên cơ sở kỹ thuật nào để cứ mỗi đoạn cuối của dải phân cách, nơi tiếp giáp với những bùng binh đều được thi công theo kiểu loa kèn.
 
Những phương tiện giao thông khi lưu thông ở làn đường sát với dải phân cách theo quy định là được đi với tốc độ cao nhất so với các làn đường còn lại, nhưng khi đến những điểm cuối của dải phân cách này đều phải giảm tốc độ để lách sang phần đường khác, hoặc phải nhường để các phương tiện đang đi ở làn đường cho phép đi với tốc độ chậm hơn vượt lên.

Theo chúng tôi, các đơn vị hữu trách nên xem xét lại việc bóp nhỏ đường kính của những bùng binh quá lớn và cần thiết sẽ phá bỏ những dải phân cách được thiết kế và thi công một cách bất cập như đã nêu trên.

Bài và ảnh: BẢO THY

;
.
.
.
.
.