.

Những bông hoa giữa đại ngàn

.

Không có con số thống kê đã có bao nhiêu nữ thanh niên tham gia làm đường, vận chuyển, giao liên, cứu thương... trên tuyến đường Trường Sơn những năm chống Mỹ trong số hơn 1 vạn thanh niên xung phong (TNXP) và nhiều lực lượng khác. Nhưng các cô, các chị xứng đáng là những bông hoa đẹp nhất của thời đại, khi hiến dâng cả tuổi thanh xuân của mình để chiến đấu giữ vững trận địa cầu đường với khí thế “sống bám đường, chết kiên cường dũng cảm”.

Cô Minh Duyên trong chiếc áo đã bạc màu của những năm tháng trên đường Trường Sơn, cuốn nhật ký và bộ cặp-lồng vẫn được cô giữ gìn cẩn thận.

Năm 1965, khi đang làm ở Đoàn Thanh niên xã của huyện Lý Nhân, Hà Nam, cô gái Đỗ Thị Minh Duyên làm đơn xin gia nhập lực lượng TNXP. Làm Tiểu đội trưởng tiểu đội nữ, ở giữa cái tuổi 17 “bẻ gãy sừng trâu”, cô cùng đồng đội hành quân từ Hà Nam vào đến Quảng Bình tháng 9-1965, mất 3 tháng. Phải “đi không dấu”, đến cái kẹp tóc 3 lá làm bằng thép cũng phải lấy chỉ đen quấn vào, tránh sự phát hiện của địch khi có pháo sáng. Đóng quân tại đường 20 Quyết thắng, các cô tự chặt cây làm lán, làm giát giường. Ngày lên núi phá đá, đêm chuyển đá xuống lát đường.
 
Với những cây to, các cô phải chặt sát gốc, rồi đặt mìn vào phá cho cây đổ xuống vực. Công việc mở đường cứ ngày qua ngày như thế, tiểu đội của cô Minh Duyên đã mở đường từ km 0 đến km 35 của đường 20. Năm 1967, cô chuyển sang lực lượng bộ đội, đóng ở Binh trạm 14, làm đội trưởng một phân kho. Mỗi đêm làm công tác bốc vác hàng lên hoặc xuống xe. Cô kể: “Lúc đó chỉ được khoảng 46-47kg mà sao khỏe thế không biết, bao gạo 50kg cắp vào nách để chuyển từ xe vào kho, đến quả đạn DKB nặng 97kg cũng vác trên vai đi phăm phăm...”.

Đêm vận chuyển hàng, ngày các cô phải vào sâu trong rừng chặt cành cây tươi về ngụy trang kho. Khi các chuyến xe đi rồi, lại phải xóa dấu vết cho thật kỹ. Ở những đoạn đường lầy lội, cả tiểu đội phải chặt cây làm sàn hoặc dốc sức đẩy xe qua. Năm đó, tiểu đội của cô được tặng danh hiệu “Dũng sĩ vận tải”. Cô nhớ lại: “Lúc đó chỉ ước nửa tiếng đồng hồ đừng nghe tiếng máy bay. Còn những gian khổ, những hy sinh của đồng đội được chứng kiến hằng ngày, thậm chí hằng giờ vẫn không làm ai nản chí. Ngày làm cực khổ, nhưng đêm đến chị em vẫn ca hát, vẫn lạc quan yêu đời”.

Những người phụ nữ chân yếu tay mềm, nhưng đến lúc vào chiến trường thì gan dạ không hề kém nam giới. Lịch sử đã không cho họ lựa chọn một con đường thứ hai. Nhớ lại những kỷ niệm xưa, cô Tạ Thị Quế, y tá thuộc đội TNXP N44, E509 kể rằng, có ngày cô tiêm cả trăm mũi thuốc sốt rét vào mông người bệnh. Còn cô Nguyễn Thị Dành vẫn không hiểu sao mình thoát được những trận bom triền miên ở phà Long Đại trên đất Quảng Bình quê hương và cả trên tuyến đường Trường Sơn, để cô ở lại phục vụ cho đến ngày đất nước giải phóng. Năm 1966, lúc đó mới 16 tuổi, cô Dành tham gia cứu thương, đưa thương binh từ miền Nam ra qua phà Long Đại, nơi được xem là túi bom ở miền Bắc. Hai năm làm việc ở đây, cô vừa tải thương, vừa cứu thương, vừa vận chuyển những thùng đạn nặng 65-80kg, gấp đôi con người bé nhỏ.

Phà chỉ cách nhà hơn cây số nhưng cô đi biền biệt, chẳng mấy khi về nhà. Đến tháng 6-1968, cô Dành xung phong vào TNXP, sau này chuyển về đóng quân ở đoạn sông Sê-pôn, giáp giữa đường 9 và Tây Trường Sơn, là một trọng điểm trên tuyến đường. Ở đây cô làm giao liên, đón bộ đội ở Bắc vào, thương binh ở Nam ra, làm đường hay thông đường cho xe qua. Cô kể: “Lúc nghỉ chỉ chui vào hầm, cũng không nghĩ ngợi gì vì sự sống tính từng giây, từng phút.

Phút nào mình còn sống là phút ấy còn làm việc. Nhiều lần, sau mỗi trận bom, đi cứu thương binh hoặc bẻ lá cây che cho những đồng đội đã mãi mãi nằm xuống. Mình sống và làm việc là làm cả phần việc của đồng đội không còn”. Rất nhiều lần cô bị những cơn sốt rét quật ngã, nhưng nằm trạm xá vài tháng, thấy khỏe là cô trở về đơn vị, bám đường cho đến phút cuối.

Ở chiến trường, những cô gái coi nhau như chị em một nhà. Cô Duyên kể khi được nhận vải mới, cô thường cắt áo, quần nhỏ cho chị em. Những lúc thiếu xà phòng, các cô dùng quả găng hoặc bột than cây nứa giặt áo quần. Rồi dùng mây đan thành những cái rổ, lót tấm ni-lông vào là làm được cái chậu. Về mùa khô thiếu nước, đôi khi phải dùng thứ nước trong đó đầy con bọ gậy. Một năm có 1 đến 2 lần có các đoàn văn công của Tổng cục Chính trị đến biểu diễn, hoặc được xem phim. Các cô đều khẳng định là dù cuộc sống rất gian khổ, nhưng tràn đầy tình cảm và mặt trận Trường Sơn này đã có phong trào “Tiếng hát át tiếng bom”.

Giữa đại ngàn Trường Sơn, những nữ TNXP đã vượt qua bao khó khăn gian khổ, đối diện với những cơn sốt rét và sau đó là những đợt rụng tóc đến trọc đầu. Có nhiều người mất khả năng làm mẹ; có người sống một mình bởi khi trở về đã hết tuổi xuân... Những hy sinh, cống hiến đó của các cô, các chị có giấy bút nào nói hết. Thời gian rồi sẽ lùi xa về quá khứ, những người còn sống hôm nay đang sống cho một phần ký ức. Cô Duyên, cô Dành và bao nhiêu người còn sống trên mảnh đất Đà Nẵng này mong ước một ngày được trở lại Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn, thắp cho các chị em đồng đội một nén nhang, ôn lại kỷ niệm một thời chưa xa với những người đã khuất...

HIỀN LƯƠNG

 

 

;
.
.
.
.
.