.

Những con đường rất xanh...

.

Đôi khi giữa tiết trời ngày xuân của thành phố biển, thèm đi dưới những con đường có hàng cây đan nhau, để nhớ về những ngày rong ruổi xe đạp mỗi lần vào thăm Huế. Và ước con đường bên bờ sông Hàn bình yên có những cây sấu xanh mướt như ở Hà thành, những cây bằng lăng hoa tím ngát đầy nhớ nhung, những cây điệp rụng đầy hoa dưới gốc vẫn giữ màu vàng khát khao trong chiếc hộp giấy thời sinh viên. Lúc đó mới nhận ra rằng, người ta đi đâu xa, có quên điều gì, nhưng làm sao quên được những con đường có hàng cây gắn liền với bao kỷ niệm...

Hàng sấu xanh mướt trên đường Lê Lai.

Người mới đến Đà Nẵng, hay người ở lâu năm đều nhận xét là thành phố chưa có nhiều cây xanh, cũng ít cây đủ bóng để che bớt cái nắng oi nồng những ngày hè. Vì thế những con đường có hai hàng cây rợp bóng rất ít. Cây trên đường phố vì thế cũng không tạo nên một bản sắc để theo dấu chân ai...

Theo con số mới nhất từ Công ty Cây xanh Đà Nẵng, số lượng cây xanh đường phố hiện có hơn 44.000 cây và diện tích bình quân chưa đến 0,7m2/người. Có khá nhiều loại cây trên một tuyến đường, nhất là những đường cũ và số lượng nhiều nhất là lim xẹt với trên 26%, sao đen 13%; những cây có hoa như Muồng tím hay Bằng lăng chỉ chiếm số lượng thấp với 2,7% mỗi loại.

Từ năm 2004, lúc Công ty Cây xanh ra đời đến nay, nhiều con đường, nhiều khu dân cư đã trồng cây xanh theo đúng chủng loại được phê duyệt. Nhưng có một thực tế là đôi khi cây chết, người chủ ngôi nhà thay vì báo cho công ty đã tự trồng thay thế một cây khác chủng loại, khiến cho con đường có nhiều cây không đồng nhất.

Theo ông Đặng Đức Thứ, Phó Giám đốc Công ty Cây xanh, mặc dù Điều 44, Nghị định 23/2009/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt hành vi vi phạm các quy định về bảo vệ cây xanh, công viên và vườn hoa có hiệu lực từ nhiều tháng nay, nhưng lực lượng thanh tra của Sở Giao thông vận tải và Sở Xây dựng thành phố vẫn chưa thể xử phạt các trường hợp người dân nhổ cây đã trồng và trồng cây mới thay thế, do họ không bắt quả tang hành vi này.

Trong nhiều tuyến đường mới hình thành như đường Sơn Trà-Điện Ngọc, Công ty Cây xanh không được giao quản lý nên không thể can thiệp việc trên một tuyến đường có một hay nhiều chủng loại cây. Mới đây, UBND thành phố giao cho công ty chỉnh trang 24 tuyến đường, trước mắt là 10 tuyến đường chính như đường Bạch Đằng, Trần Hưng Đạo, Điện Biên Phủ, Cách mạng Tháng Tám, Lê Duẩn... theo các tiêu chí như cùng một loại cây, cây phải đạt chiều cao trên 3 mét và đường kính 60cm.
 
Trong thời gian trước mắt việc chỉnh trang này gặp khá nhiều khó khăn như các công ty cung cấp cây ở Đà Nẵng cũng như vườn ươm cây của công ty chưa có đủ số lượng cây theo yêu cầu (vườn ươm Hòa Ninh chính thức đi vào hoạt động từ năm 2007, cây ươm ở đây chưa đủ lớn để trồng theo yêu cầu tiêu chuẩn cây xanh đô thị). Một số tỉnh phía Nam như Đồng Nai, Bình Dương có đủ nguồn giống cây đáp ứng yêu cầu của công ty nhưng chi phí để trồng cây sẽ bị đội lên trong điều kiện mỗi năm thành phố đầu tư khoảng 1,5 tỷ đồng trong kế hoạch Chương trình cây xanh.

Cây xanh trên đường Bạch Đằng.

Đến nay vẫn chưa có một công trình nghiên cứu nào để kết luận loại cây phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của Đà Nẵng. Nhưng theo nhận xét của những cán bộ ở Công ty Cây xanh thành phố thì 2 loại cây muồng tím và xà cừ từ trước đến nay tăng trưởng khá nhanh, ít bị sâu bệnh, có thể phù hợp nhất. Bên cạnh đó, hiện nay nhiều loại cây được đưa vào trồng thử nghiệm như Osaka đỏ, muồng hoàng yến... có thể vừa tạo bóng mát, vừa mang lại một vẻ đẹp cho cây xanh đô thị.

Mỗi tuyến đường có 1 đến 2 loại cây, và những cây xanh không chỉ mang lại cho con người bóng mát, tạo ra vẻ đẹp từ hoa hay lá, mà còn có thể đi vào lòng người nhờ sự hữu ích, ấn tượng, thậm chí tạo nên một vẻ đẹp lãng mạn cho mỗi con đường, điều đó mới đi vào lòng người, mới khiến cho người ta khắc ghi dấu ấn về một vùng đất. Nhờ đó, cây xanh làm tăng vẻ đẹp kiến trúc cảnh quan đô thị. Và cây xanh ở mỗi đô thị tạo nên những sắc thái và đặc trưng riêng, thậm chí tạo nên bản sắc văn hóa, góp phần làm phong phú đời sống văn hoá tinh thần của người dân vùng đất đó.

Hiền Lương

 

;
.
.
.
.
.