.

Những người truyền chữ ở Trường Sa

.

Họ là những thanh niên thế hệ 8X, tình nguyện ra Trường Sa để làm việc. Với họ, nghề dạy học không phải là lựa chọn đầu tiên khi xung phong ra đảo, nhưng theo lời tâm sự của thầy giáo Cao Văn Giáp “Nếu có cơ hội thứ hai, tôi vẫn chọn làm giáo viên”.

Tình nguyện phục vụ quê hương

Thầy giáo Cao Văn Giáp bên những học trò ở xã đảo Sinh Tồn.

Trên xã đảo Sinh Tồn, thuộc huyện đảo Trường Sa, chúng tôi đã gặp những thầy giáo còn rất trẻ, mới chỉ ở độ tuổi 8X. Điểm chung của những thầy giáo này là tất cả đều tình nguyện xung phong ra đảo làm việc và đặc biệt hơn khi cả 4 thầy giáo đều từng là thanh niên tình nguyện giúp dân ở các vùng núi tỉnh Khánh Hòa. Ở đảo, họ cũng không khác gì những người lính mà mặt trận chính là lớp học, nhiệm vụ cao cả là đưa con chữ đến với những trẻ em sinh sống nơi đây.

Cao Văn Giáp, 26 tuổi, tốt nghiệp Đại học Đà Lạt khoa Luật năm 2006, đã từng làm việc tại trường giáo dưỡng, rồi tiếp tục tình nguyện công tác tại miền núi tỉnh Khánh Hòa, sau đó, anh xung phong ra đảo. Cao Văn Giáp nhớ lại: “Lúc đầu tôi chưa hình dung được gì nhiều về đảo, chỉ quyết đi thì đi thôi. Trong suy nghĩ cũng lo lắng chưa biết công việc và cuộc sống thế nào, liệu có trụ lại lâu không vì nghĩ Trường Sa rất khó khăn. Tuy nhiên, ý nghĩ này bị “phá sản” ngay từ khi đứng ở boong tàu nhìn vào đảo và tôi đã thốt lên “Thế này mà là Trường Sa à?”. Giáp cho biết, anh đã rất bất ngờ, bỡ ngỡ vì điều kiện làm việc và sinh sống ở đảo rất tốt, trên cả sự mong đợi của anh.

Cũng như Cao Văn Giáp, các anh Mai Thành Tiến, Hồ Bảo Ân, Kim Thanh Hoa đều tình nguyện ra đảo để phục vụ. Những khó khăn, thiếu thốn, gian khổ và cả sự ngăn cản của gia đình, người thân không thể làm chùn bước và giảm đi ý chí quyết tâm ra đảo của các anh. Hiện tại, Kim Thanh Hoa và Cao Văn Giáp vừa đảm nhiệm vai trò giáo viên vừa giữ chức vụ Phó Chủ tịch xã Sinh Tồn, Mai Thành Tiến là kế toán kiêm Bí thư xã Đoàn và Hồ Bảo Ân là Chủ tịch Mặt trận xã. Tất cả đều ở độ tuổi 25, 26 và có một tâm huyết chung là được dạy học, được làm thầy giáo để truyền đạt kiến thức cho các em nhỏ trên đảo.

Tự hào là người truyền chữ

Mai Thành Tiến, hiện đang đảm nhiệm lớp 2, khẳng định: “Rất tự hào khi được làm thầy giáo”. Với anh, trẻ nhỏ nơi đây vừa hồn nhiên, ngây thơ vừa rất gắn bó và yêu thương thầy giáo. Cao Văn Giáp thì tâm sự: “Mang tiếng là đứng lớp nhưng thầy và trò không có khoảng cách, tình cảm thầy trò thân thiết như người anh, người chú trong gia đình vậy”. Hiện tại, lớp học của các anh được tổ chức 6 buổi một tuần, buổi sáng có lớp mẫu giáo, lớp 1, lớp 3, buổi chiều dành riêng cho lớp 2 và lớp 4. Hầu hết các em học sinh nơi đây đều tiếp nhận đầy đủ những kiến thức cần thiết theo đúng chương trình của ngành giáo dục-đào tạo.

Trước khi chính thức đứng trên bục giảng, 4 thầy giáo của xã đảo Sinh Tồn đã tham gia một lớp tập huấn ngắn hạn về nghiệp vụ sư phạm và nhận được sự động viên của các cán bộ, giáo viên Sở Giáo dục - Đào tạo tỉnh Khánh Hòa. Nhờ vậy, các anh không bỡ ngỡ lắm khi trở thành những người thầy trên đảo. Tuy nhiên, để làm tròn vai trò, trách nhiệm của mình, những người thầy “không chuyên” này cũng đã phải tự phấn đấu rất nhiều.

Hồ Bảo Ân, hiện đang đảm nhiệm lớp 1 và 3 em đang chuẩn bị vào lớp 1, cho biết: “Lúc đầu, khi được phân công làm giáo viên thì không dám đảm đương nhưng qua tập huấn và đọc thêm sách vở thì thấy tự tin hơn”. Thiếu kỹ năng sư phạm và thiếu kinh nghiệm dạy học là điều mà các anh phải khắc phục dần qua thời gian.

Điều thuận lợi cho các thầy giáo nơi đảo xa là sự ủng hộ, tin tưởng của phụ huynh, sự quan tâm chu đáo của chính quyền địa phương. Hiện tại, các lớp học không thiếu thiết bị dạy học và đồ chơi cho trẻ, thậm chí còn dư. Những thầy giáo trẻ luôn cố gắng truyền đạt đầy đủ những kiến thức cần thiết cho các em và vì lớp có ít học sinh nên thầy giáo có thể hiểu, nắm bắt được tâm tư, tình cảm của trẻ. Cách dạy cũng tùy theo sự tiếp thu của từng em mà có nội dung và phương pháp khác nhau.

Nhiều khi thầy còn đến tận nhà để kèm cặp thêm cho trò. Không ít học sinh khi ở trong đất liền vì lớp học đông, không có điều kiện gần gũi thầy cô nên không hiểu cũng chẳng dám hỏi, có lúc cô dạy nhanh quá không kịp tiếp thu. Còn ở đây, thầy dạy ít học trò nên giáo viên có thời gian kèm cặp kỹ cho các em. Cũng nhờ vậy mà học lực của một số học sinh tiến triển hơn hẳn lúc ở trong đất liền. Hồ Bảo Ân tâm sự: “Ra đảo mình thực sự là người thầy giáo, phụ huynh tin tưởng thì mình càng phải cố gắng”.

Tình yêu của người thầy nơi đảo xa

Là người nhỏ tuổi nhất trong 4 “chàng lính ngự lâm” nhưng Kim Thanh Hoa lại là người có gia đình trước nhất. Hoa mới cưới vợ từ đầu năm và câu chuyện tình của người thầy trẻ cũng hấp dẫn và lạ kỳ chẳng khác nào trong phim. Chỉ một lần tình cờ gọi nhầm số điện thoại mà Hoa đã làm quen với cô gái quê ở tận mãi ngoài Bắc. Trời đất se duyên nên hai bạn trẻ đã đến được với nhau dù chỉ tìm hiểu qua thư, qua điện thoại và thậm chí cô gái còn chưa từng nhìn thấy mặt Hoa cho đến hôm Hoa được về phép và ra Bắc thăm bạn gái, rồi tổ chức cưới luôn. Từ lúc bắt đầu quen đến lúc cưới chỉ khoảng 7, 8 tháng nhưng theo Hoa thì hai vợ chồng rất tâm đầu ý hợp.

Hồ Bảo Ân cũng có người yêu từng là thanh niên tình nguyện và hiện đang ở Khánh Hòa. Ân tâm sự: “Sau khi ở đảo về, nếu còn yêu nhau thì sẽ cưới, quan trọng là người ta có nhớ mình không. Nếu cưới được vợ thì sẽ đưa vợ ra đảo”. Tương lai chưa dám chắc nhưng hiện tại tình yêu của người thầy trẻ đang tràn đầy trong ánh mắt khi anh nói về bạn gái của mình.

Với những người thầy nơi hải đảo xa xôi, nỗi nhớ nhà, nhớ người thân, nhớ đất liền lúc nào cũng thường trực. Nhưng trong tim, trong tâm trí họ, tình yêu lớn nhất vẫn dành cho quê hương, cho đất nước. Những gì họ cống hiến hôm nay đã góp phần quan trọng trong việc tạo dựng một cuộc sống bình yên, hạnh phúc cho những người dân trên quần đảo Trường Sa thiêng liêng của Tổ quốc.

Ghi chép của MỸ HẠNH

;
.
.
.
.
.