.

Những tấm lòng vì cộng đồng

.

Ở đâu người bị nạn cần máu, họ đến; ở đâu xảy ra thiên tai, địch họa, họ xuất hiện… Đó chính là những tình nguyện viên của Hội Chữ thập đỏ thành phố Đà Nẵng. Mặc dù nghề nghiệp, địa vị xã hội của mỗi người khác nhau, có người hành nghề xích lô, xe thồ, người là công nhân, cán bộ, công chức… Song, họ có chung một điểm giống nhau, đó là tấm lòng nhân đạo, sẵn sàng giúp đỡ, chia sẻ khó khăn với mọi người khi gặp hoạn nạn trong cuộc sống! 

Những ân nhân thầm lặng

Tình nguyện viên Hội Chữ thập đỏ thành phố khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho người dân thôn Phước Thuận, xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang sau thiên tai.

Đã hơn một năm trôi qua, nhưng cho đến lúc này, chị Lê Thị Lan, ở xã Hòa Bắc (Hòa Vang) vẫn còn nhớ như in hình ảnh của các tình nguyện viên Đội xe ôm an toàn phường Hòa Minh đã tận tình giúp đỡ chị trong một lần bị tai nạn giao thông trên đường Tôn Đức Thắng. Chị Lan bồi hồi kể lại: Vào một buổi tối đầu năm 2008, trên đường về nhà ở Hòa Bắc, chẳng may chị bị tai nạn giao thông ở địa bàn phường Hòa Minh.

Mặc dù lúc ấy, nhiều người đi đường nhìn thấy, nhưng họ vẫn bình thản chạy xe qua. Đôi chân bị trầy xước nặng, máu chảy, trong lúc cố gắng gượng dậy, chị được hai người đàn ông trung niên làm nghề xe ôm, mặc áo có hình chữ thập đỏ đến băng bó vết thương rồi chở đi bệnh viện cấp cứu. Xong việc, họ lặng lẽ ra về, chị chẳng kịp biết tên tuổi của họ. Mãi đến sau này, qua tìm hiểu chị mới biết, họ là những thành viên của Đội xe ôm an toàn phường Hòa Minh. 

Công việc của nghề xe ôm vất vả, phải liên tục chạy xe vòng vèo trên đường để tìm khách, nhưng mỗi khi nhìn thấy tai nạn trên đường, tình nguyện viên Trần Đình Nam, trú phường Chính Gián (quận Thanh Khê) liền xông xáo chạy vào sơ cứu vết thương, chuyển người bị nạn đi bệnh viện. Gặp trường hợp người bị nạn không có người thân, anh đích thân cho máu cứu giúp.
 
Tính đến nay, anh đã 4 lần cho máu để cứu những người bị tai nạn giao thông. Và cũng như những tình nguyện viên khác, sau khi cứu giúp người bị nạn xong, anh lặng lẽ ra về. Anh Nam tâm sự: “Thấy người ta bị nạn mà không có người thân bên cạnh, mình cảm thông nên giúp đỡ vậy thôi, chứ không mong được trả ơn, đền đáp”.

Cần lắm tình nguyện viên ơi!

Theo số liệu thống kê của Hội Chữ thập đỏ thành phố Đà Nẵng, toàn thành phố hiện có 2.280 tình nguyện viên hoạt động trong cộng đồng trên các lĩnh vực. Đến nay, hầu hết trên các địa bàn quận, huyện đã thành lập các đội tình nguyện viên để làm công tác sơ cấp cứu tai nạn giao thông, ứng cứu khẩn cấp giảm nhẹ hậu quả thiên tai, hiến máu khẩn cấp cứu người, giúp đỡ người khuyết tật phục hồi chức năng, tư vấn dinh dưỡng cho người nhiễm HIV/AIDS…

Trong đó, đối với công tác hiến máu nhân đạo cứu người trong  nguy kịch, Hội Chữ thập đỏ thành phố đã thành lập “Câu lạc bộ 25”, với 80 thành viên, nhằm tập hợp những người đã 25 lần hiến máu nhân đạo, sẵn sàng hiến máu cứu người khi cần bất cứ lúc nào. Nhờ đó, trong các vụ tai nạn giao thông thảm khốc, nguồn máu cho nạn nhân được tiếp ứng kịp thời. Điển hình như vụ lật tàu E1 ở Lăng Cô cách đây mấy năm, trong lúc 45 nạn nhân điều trị tại Bệnh viện Đà Nẵng bị thiếu máu, Hội Chữ thập đỏ đã vận động ngay 20 tình nguyện viên có mặt kịp thời để cho máu. Nhờ nguồn máu này, nhiều nạn nhân bị thương nặng đã được cứu sống.

Theo ông Nguyễn Văn Lưu, Trưởng ban Tuyên huấn Hội Chữ thập đỏ thành phố Đà Nẵng, muốn duy trì, phát triển mạnh lực lượng tình nguyện viên trong cộng đồng, các cấp hội cơ sở cần năng động trong công tác tổ chức, thu hút ngày càng nhiều các thành phần trong xã hội tham gia các hoạt động nhân đạo.

Qua đó, nhằm khơi dậy tinh thần nhân đạo, tương thân tương ái trong mỗi người. Ngoài ra, để nâng cao hiệu quả công việc của lực lượng tình nguyện viên, cần tiếp tục trang bị các kỹ năng sơ cấp cứu, kiến thức, phương tiện… để tình nguyện viên hoạt động hiệu quả hơn khi giải quyết những sự cố bất trắc xảy ra trong cộng đồng.

Bài và ảnh: NGỌC ĐOAN

;
.
.
.
.
.