.

Nỗi đau ung thư

.

Trung bình một tháng, khoa Ung-bướu, Bệnh viện Đà Nẵng tiếp nhận từ 150 đến 200 lượt người tới chữa bệnh. Hiện tại, toàn khoa có 10 giường bệnh điều trị nội trú, nhưng số bệnh nhân trung bình trên thực tế lên đến 86 người/ngày.

Nỗi đau dai dẳng

Bệnh nhân ung thư ở Khoa Ung-bướu Bệnh viện Đà Nẵng.

Hơn 10 tháng nay, cuộc sống của vợ chồng ông Nguyễn Ba và bà Trần Thị Năm (60 tuổi) ở Đại Lộc-Quảng Nam gắn liền với khoa Ung-bướu, Bệnh viện Đà Nẵng. Ở xa, hoàn cảnh gia đình lại khó khăn, nhưng khi phát hiện vợ không may mắc phải căn bệnh ác nghiệt: ung thư tử cung (từ tháng 7-2008), ông Ba đã quyết tâm khăn gói dẫn bà ra Đà Nẵng chữa trị. Tận mắt chứng kiến cảnh vợ mình bị những cơn đau hành hạ đến tê dại cả người, ông Ba chỉ biết cắn răng, nuốt nước mắt vào trong để cùng vợ chịu đựng nỗi đau của căn bệnh.
 
Không có tiền, một tuần 4 ngày, ông lại lê đôi chân bị tật bẩm sinh đi xin cơm, cháo từ thiện ở các chùa. Thỉnh thoảng, thương cảm trước hoàn cảnh của vợ chồng ông, một vài bệnh nhân cùng phòng lại biếu 5, 10 nghìn đồng để ông mua thêm bịch sữa, gói bánh. Từ lúc phát bệnh đến giờ, bà Năm đã sụt mất 15 ký, trong giai đọan cuối, bà chỉ nằm trên giường, mọi sinh hoạt đều nhờ vào người chồng đầy tình nghĩa.

Hoàn cảnh của vợ chồng ông Ba không phải là trường hợp hiếm thấy ở khoa Ung-bướu, còn có nhiều hoàn cảnh thương tâm hơn nữa. Như trường hợp em Trần Ngọc Hải, 15 tuổi, học sinh Trường THCS Phạm Ngọc Thạch, quận Sơn Trà. Sinh ra trong gia đình nghèo, cha mẹ quanh năm tất bật với cơm áo gạo tiền nên Hải cũng như người thân không biết thế nào là bệnh ung thư.
 
Vậy nên, lúc mới nhập viện Hải rất lạc quan, thường kể chuyện cười cho những người trong phòng nghe. Chỉ đến khi biết được sự thật về căn bệnh ung thư xương mà mình mắc phải, cậu bé đã suy sụp đến mức không ăn uống hay trò chuyện với bất cứ ai. Tiếp chuyện với chúng tôi, chị Hoàng Thị Nên, mẹ Hải không giấu được nước mắt:
 
“Ban đầu thấy cháu cứ than đau ở bắp chân, đưa đi khám mới biết nó bị ung thư. Lâu ni tui có biết ung thư là bệnh chi mô. Răng mà ông trời ác rứa, nó chỉ là đứa con nít thôi mà. Sao không gọi tui đi”. Nhìn khuôn mặt hốc hác vì đau khổ, bất lực của người mẹ ấy, mới thấu hiểu nỗi đau mà họ phải đối mặt. 

 Từ lâu, ung thư được biết đến là căn bệnh nan y, chưa có thuốc đặc dụng trong chữa trị. Nhưng điều đáng sợ hơn cả, khi nó không chỉ gây ra cho người bệnh những cơn đau dai dẳng, liên tục mà còn khiến cả gia đình phải sống trong nỗi ám ảnh kinh hoàng khi hằng ngày, hằng giờ chứng kiến cảnh người thân mình chết dần chết mòn trong những cơn đau vật vã.

Có không ít người sau một thời gian dài cùng người thân chống chọi với căn bệnh đã bị stress, phải uống thuốc an thần, thuốc bổ để lấy sức. Việc không sớm phát hiện ra bệnh, không đủ khả năng để chữa trị cũng khiến cho nhiều gia đình luôn phải sống trong nỗi ân hận, giày vò khi người bệnh đã ra đi.  

Ánh sáng phía cuối đường hầm

Đối với nhiều người, ung thư là bản án tử thần với những ai mắc phải; tuy nhiên, theo bác sĩ Nguyễn Hồng Long, Trưởng khoa Ung-bướu, Bệnh viện Đà Nẵng, nếu được phát hiện sớm, nhiều căn bệnh ung thư như: ung thư tuyến giáp, ung thư vú, ung thư da… sẽ được chữa khỏi đến 90% và người bệnh có thể sống được từ 20 đến 30 năm. Hiện nay, y học thế giới đã xác định được 60% nguyên nhân gây ra bệnh ung thư là do tác động từ môi trường bên ngoài:
 
thuốc lá, thực phẩm, hóa chất… Trong quá trình tiếp xúc với nhiều bệnh nhân tại khoa Ung-bướu, nhiều người đã bày tỏ với chúng tôi sự nuối tiếc khi để vuột mất cơ hội “sống” của mình chỉ vì không được phát hiện sớm. Hơn 20 năm làm y tá (khoa Nhi) Bệnh viện Đà Nẵng, biết rõ các triệu chứng của bệnh ung thư, nhưng cô Trần Thị Kim Yến không thể ngờ rằng có ngày mình lại nằm trên giường bệnh để đồng nghiệp chăm sóc và chờ đợi cái chết đang đến gần. Đâu đó trong sâu thẳm tâm hồn cô lại vang lên 2 tiếng “Giá như…”.

Để điều trị ung thư, ngoài các phương pháp: phẫu thuật, hóa trị, xạ trị, điều trị sinh học (trong đó, xạ trị là phương pháp được sử dụng phổ biến nhất hiện nay) thì gia đình, người thân đóng vai trò rất lớn trong việc giúp người bệnh có thêm sức mạnh để chiến đấu với căn bệnh. Cô Trương Thị Mai, y tá trưởng khoa Ung-bướu cho biết:

“Sự yêu thương, chăm sóc tận tình của gia đình sẽ nâng cao chất lượng sống cho người bệnh, giúp họ có lòng tin để kéo dài sự sống. Tâm lý chung của bệnh nhân ung thư ở giai đoạn cuối là  muốn “đi” càng nhanh càng tốt, vừa để giải thoát mình khỏi những cơn đau kinh người, vừa trút đi gánh nặng cho gia đình”.

 

Anh Đ.Đ.P, 32 tuổi, giáo viên Trường THCS Lê Lợi phát hiện ung thư đường mật vào tháng 4-2008: “Vợ chồng tôi đã xác định:

Phải cố gắng tìm ra bệnh và dù bệnh gì đi nữa cũng phải chiến đấu với nó. Ngoài thời gian điều trị ở bệnh viện, những lúc không lên cơn đau, tôi vẫn tham gia giảng dạy ở trường.
 
Tôi chỉ cầu mong có thêm chút thời gian để sắp xếp phần nào cuộc sống cho vợ và con trai, thằng bé còn nhỏ quá, mới 4 tuổi thôi. Với tôi, ở đâu có sự sống, nơi ấy vẫn còn hy vọng”.

 


Bài và ảnh: HOÀNG LINH

;
.
.
.
.
.