Ở thành phố, việc xây nhà thường rất khó khăn do thiếu mặt bằng để tập kết vật liệu, không có chỗ ở cho thợ, đó là chưa nói đến việc ảnh hưởng tới những người sống xung quanh.
Vừa tốn lại vừa lo
Thiếu mặt bằng để tập kết vật liệu là một trong những vấn đề nan giải đối với người dân khi xây nhà ở phố. |
Thiếu mặt bằng để phục vụ cho quá trình xây nhà đang là tình trạng chung ở thành phố. Để giải quyết khó khăn này, nhiều người đã chọn giải pháp tằn tiện từng tấc đất một. Như vợ chồng anh M, thay vì đi thuê nhà cho đội thợ, họ phải chia khoảng sân nhà chỉ rộng 3 mét vuông làm 2, một bên để xi-măng, một bên lợp tạm cho thợ ở, lúc nào có nhu cầu đi vệ sinh thì đành vào trong nhà đào cái hố dùng tạm. Anh chia sẻ: “Biết làm vậy là tội anh em, nhưng chẳng còn cách nào khác nữa”. Có người lại năn nỉ hàng xóm cho thuê tạm một khoảng sân trước nhà làm nơi cất giữ vật liệu...
Tuy nhiên, những ai xây nhà trong hẻm mới thực sự nan giải. Nhìn những con hẻm dài ngoằng nhưng bề ngang chỉ 1m, để xây được cái nhà, chủ nhà phải trả thêm tiền công cho thợ vận chuyển vật liệu từ ngoài đường vào. Đó là trường hợp của chị N.T.M, ở đường Núi Thành. Chắt chiu hơn hai chục năm, bây giờ chị mới đủ tiền để xây nhà. Chưa hết mừng vì giá vật liệu không nhảy vọt như trước, vợ chồng chị lại gặp phải trở ngại khác khi chủ thầu tăng giá công thợ chỉ vì họ phải vận chuyển vật liệu một đoạn đường khá xa từ ngoài đường lớn vào.
Xây một, dọn mười
Ở thành phố, do nhà ở liền kề nên khi xây dựng một ngôi nhà mới lại ảnh hưởng không nhỏ đến những người xung quanh bởi tiếng ồn, bụi bặm. 2 tháng nay, kể từ lúc khởi móng xây nhà, hằng ngày, cứ sau giờ làm việc, anh B.H.N lại lo về phụ dọn dẹp vệ sinh. Nhiều lúc anh phải thức khuya dọn dẹp để sáng ra không bị hàng xóm phàn nàn. Anh cho biết: “Làm đến đâu phải dọn đến đó. Mình không dọn dẹp sạch sẽ bị hàng xóm góp ý ngay.
Đó là chưa nói đến những người khó tính, họ không nói với mình nhưng lại báo với cơ quan chức năng đến phạt”. Cũng như anh N, chị M cũng nhiều lúc dở khóc dở cười mỗi khi tưới nước bảo quản. Nhà ở trong hẻm chật chội nên cứ mỗi lần tưới nhà mình là nhà hàng xóm bị vạ lây, lại phải chạy qua thông cảm rồi lau dọn cho họ.
Trong quá trình xây nhà, mối quan hệ giữa chủ nhà với hàng xóm khá nhạy cảm, không phải ai cũng giải quyết được vẹn toàn. Đã có không ít người xích mích, đánh nhau, thậm chí dẫn đến thù hằn chỉ vì cái “nhà mới”. Chị M lắc đầu bảo: “Xây nhà ở đây như loay hoay trong cái chuồng ấy, quay phía nào cũng đụng người ta. Mình phải chủ động “dĩ hòa vi quý” thôi”.
Tuy nhiên, trên thực tế không phải ai cũng có ý thức trong việc giữ gìn vệ sinh chung như anh N, chị M. Vẫn còn không ít gia chủ khiến người xung quanh phải khó chịu chỉ vì sự “vô tư” của mình. “Thực ra không ai muốn làm khó ai cả, chỉ cần họ chú ý một chút là được. Làm nhà thì cũng phải có giờ giấc, chứ 21, 22 giờ rồi mà còn đục đẽo ầm ầm thì ai mà chịu cho được”, bác Long ở đường Núi Thành góp ý. Có tiền xây nhà là mong ước của mỗi người, nhưng ở thành phố đất đai chật hẹp nên mỗi lần xây nhà mới là mỗi lần lo đủ thứ chuyện, trong đó ái ngại nhất là quan hệ với hàng xóm.
Bài và ảnh: KHÁNH HÒA