.

Phan Thanh đã lĩnh hội một cách nhuần nhuyễn đường lối của Đảng

L.T.S: Tại Hội thảo khoa học kỷ niệm 70 năm Ngày mất nhà trí thức cách mạng Phan Thanh (1-5-1939 - 1-5-2009) vừa được tổ chức tại Đà Nẵng ngày 28-4-2009, đồng chí Phan Diễn, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thường trực Ban Bí thư đã có bài phát biểu quan trọng. Báo Đà Nẵng xin trích đăng những nội dung chính của bài phát biểu để bạn đọc hiểu hơn về thân thế và sự nghiệp của Phan Thanh, trong một giai đoạn đặc biệt của cách mạng Việt Nam.

Trước hết thay mặt cho gia đình ông Phan Thanh, tôi xin chân thành cảm ơn các đồng chí lãnh đạo thành phố Đà Nẵng và Ban Tuyên giáo Thành ủy đã tổ chức cuộc hội thảo trang trọng và rất có ý nghĩa này về ông Phan Thanh, nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày mất của ông. Tôi cũng xin gửi lời chào trân trọng và biết ơn đến tất cả các đồng chí và các bạn đã tham gia hội thảo, đặc biệt là các đồng chí đã có bài tham luận tại hội thảo này.
 
Chúng tôi thật sự cảm động về những nghiên cứu phân tích công phu, tâm huyết, những lời nói chí tình, chứa chan tình cảm yêu mến, quý trọng mà các đồng chí và các bạn đã dành cho ông Phan Thanh, người cha thân yêu của anh em chúng tôi, một trong những người con ­ưu tó của đại gia đình họ Phan, của quê hương Quảng nam-Đà nẵng, và của dân tộc.

Cách đây đúng 10 năm, theo sáng kiến của Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam một sinh hoạt tưởng niệm Phan Thanh đã được tổ chức tại Hà Nội nhân dịp kỷ niệm 60 năm ngày mất của ông. Tại cuộc gặp mặt lần ấy nhiều người hoạt động cùng thời với Phan Thanh, là đồng chí, đồng nghiệp hoặc học trò của ông trước đây nay là những nhà lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, những nhà khoa học, chuyên gia lớn đã đến dự và phát biểu.

Trong những người ấy có nguyên Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Đại  tướng Võ Nguyên Giáp, nguyên Chủ tịch Quốc hội Lê Quang Đạo và nhiều cán bộ lão thành khác. Do những nghiên cứu và sách báo của nước ta viết về giai đoạn Mặt trận Dân chủ Đông Dương 1936-1939 còn chưa nhiều, việc thu thập những tài liệu trực tiếp liên quan đến ông Phan Thanh càng ít hơn nên những bài phát biểu lúc đó phần lớn là dựa vào sự nhớ lại của các diễn giả, chưa cã được nhiều cứ liệu lịch sử sinh động và hệ thống làm chỗ dựa.

Tuy vậy, nội dung trao đổi lần ấy với việc nhắc lại đoạn lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc viết về đám tang Phan Thanh trong báo cáo gửi Quốc tế Cộng sản năm 1939; với lời nhận xét của nguyên Thủ tướng Phạm Văn Đồng về câu nói khảng khái của Phan Thanh tại Hội đồng thành phố Hà Nội năm 1938, đại ý là :

“Nếu coi việc bảo vệ quyền lợi cho dân chúng cần lao là làm chính trị thì chúng tôi không ngại gì thẳng thắn tuyên bố rằng chúng tôi sẽ kiên quyết làm chính trị” (đồng chí Phạm Văn Đồng nhận xét rằng với câu nói đó Phan Thanh đã thể hiện rõ khí phách của một chiến sĩ cách mạng kiên quyết đấu tranh cho quyền lợi của dân chúng) với bài phát biểu cô đọng, súc tích, nhưng mang tính bao quát vµ kh¸i qu¸t cao của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, hình ảnh  Phan Thanh, nhà trí thức cách mạng xuất sắc trong phong trào dân chủ những năm 1936-1939 dưới sự lãnh đạo của Đảng đã hiện lên ngày càng rõ nét như­ thúc giục chúng ta, trước hết là những nhà nghiên cứu lịch sử, đi sâu tìm hiểu nghiên cứu đầy đủ hơn nữa những con người và sự kiện trong giai đoạn ấy.

Ở cuộc Hội thảo lần này về Phan Thanh đã có nhiều bài nghiên cứu kỹ lưỡng hơn, sâu sắc hơn, hệ thống hơn và mang tính phân tích lý giải về nhiều khía cạnh hơn cuộc đời, thân thế, sự nghiệp của Phan Thanh; về những hoạt động không mệt mỏi của ông và các đồng chí của ông trong phong trào đấu tranh công khai sôi nổi của các tầng lớp nhân dân ta đòi quyền dân sinh, dân chủ, đòi chính quyền thực dân phải nới lỏng chính sách cai trị hà khắc về kinh tế, văn hoá, chính trị đối với dân ta lúc đó. Hội thảo đã giúp chúng ta hiểu rõ hơn về vai trò của phong trào dân chủ ở nước ta những năm 1936-1939 trong việc đưa phong trào cách mạng của nước ta vượt qua thoái trào để lại bước vào một giai đoạn cao trào mới, trong việc khơi dậy ý thức giác ngộ và tinh thần đấu tranh của nhân dân giành lấy những quyền chính đáng của mình; trong việc tập hợp quần chúng đứng lên chung quanh Đảng trong những cuộc đấu tranh ấy - những bước diễn tập lớn chuẩn bị thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 sau này. Hội thảo lần này đã cho chúng ta biết rõ thêm những hoạt động yêu nước, sôi nổi, đầy tinh thần trách nhiệm, rất dũng cảm và cũng vô cùng khôn khéo, sắc sảo của Phan Thanh vµ các đồng chí, đồng nghiệp của ông, dưới sự lãnh đạo của Đảng; sự hậu thuẫn, đồng tình và yêu mến mà các tầng lớp dân chúng dành cho họ. Tất cả đã khiến cho chúng ta cảm thấy những con người, những sự việc của hơn 70 năm về trước như hiển hiện ra sinh động trước mắt; làm cho chúng ta không khỏi cảm thấy thán phục, tự hào về lòng yêu nước, tinh thần đấu tranh quả cảm, kiên cường, tấm lòng sôi nổi, nhiệt huyết và sự thông minh tài giỏi của cả một thế hệ những người lớp trước trong thêi kú 1936-1939. Chúng ta càng thêm khâm phục, tự hào về sự sáng suốt của Đảng ta khi đó đã rất nhạy bén, kịp thời thay đổi sách lược cách mạng :
 
điều chỉnh mục tiêu và khẩu hiệu đấu tranh trước mắt; xác định lại đối tượng chính của cách mạng; mở rộng tối đa có thể được hàng ngũ cách mạng; thay đổi phương pháp, hình thức và tổ chức đấu tranh phù hợp với những biến đổi của tình hình, tận dụng điều kiện mới, thời cơ mới của cách mạng vừa mới xuất hiện.

Có lẽ một nhân tố quan trọng đã góp phần đem lại những bước tiến nói trên của cuộc Hội thảo lần này về ông Phan Thanh đó là sự ra mắt của cuốn sách Phan Thanh Anh là ai ? của tác giả Phan Vịnh. Cuộc thảo luận 10 năm về trước đã gợi ý và thúc giục anh tìm hiểu, nghiên cứu để viết một cuốn sách phản ảnh tương đối đầy đủ cuộc đời của ông Phan Thanh.
 
Anh đã dành nhiều năm trời để ấp ủ, tìm tòi tài liệu từ nhiều nguồn khác nhau, trao đổi tham khảo ý kiến của nhiều người, thậm chí đã nhờ một vài người thử viết hàng trăm trang bản thảo đầu tiên và cuối cùng đã tự mình bố cục và viết lại toàn bộ cuốn sách. Cuốn sách đã cung cấp cho chúng ta một khối lượng thông tin tư liệu lÞch sö phong phú và nhất là hết sức chân thực, được sắp xếp và trình bày một cách khá hợp lý, giúp cho người đọc cảm nhận được một cách sống động, chân thực cuộc đời hoạt động cách mạng sôi nổi, đầy nhiệt huyết của ông Phan Thanh.

Tác giả luôn giới thiệu những hoạt động của Phan Thanh gắn liền với các đồng chí, đồng nghiệp của ông, không bao giờ mô tả những hoạt động của ông tách rời dân chúng. Không những thế, anh đã cố gắng tìm tòi để nhắc đến đầy đủ tối đa có thể được những người đã cùng ông Phan Thanh sát cánh đóng góp dù ít, dù nhiều vào cuộc đấu tranh chung, cố gắng không bỏ sót một ai, bất kể là người ấy sau này trong phần tiếp theo của cuộc đời họ cống hiến được nhiều hay ít cho sự nghiệp cách mạng của nhân dân. Đọc cuốn sách ta cảm nhận rõ được sự lãnh đạo của Đảng, dù ẩn dù hiện, chính là nhân tố quyết định của những thành công trong phong trào dân chủ, đấu tranh với chính quyền thực dân dưới những hình thức công khai lúc bấy giờ.
 
Víi nh÷ng hoạt động của mình, Phan Thanh đã tỏ rõ lĩnh hội một cách rất nhuần nhuyễn đường lối của Đảng, đã góp phần thực hiện một cách xuất sắc, đầy sáng tạo và hiệu quả những chủ trương của Đảng lúc đó, thể hiện rõ những phẩm chất tốt đẹp, bản lĩnh và tài năng của một nhà trí thức cách mạng chân chính của nhân dân. Đặc biệt, cuốn sách đã phản ảnh một cách cảm động tình cảm quý trọng, tin yêu mà đồng chí, bạn bè, người thân và bà con lao động ở quê hương ông, cũng như trên cả 3 miền đất nước dành cho ông.

Ôn lại cuộc đời cao đẹp và sự nghiệp của ông Phan Thanh cũng như những trang sử hào hùng của nhân dân ta trong cuộc đấu tranh giành độc lập, chúng ta càng nhận rõ hạnh phúc to lớn của các thế hệ hôm nay được sống trong đất nước độc lập, tự do, với rất nhiều điều kiện và cơ hội thuận lợi để mỗi người chúng ta mang tài trí đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thân yêu, điều mà các thế hệ đi trước hằng mong ước.
 
Và mặc dù rất tự hào về những tiến bộ và đổi thay của quê hương đất nước, hôm nay khi nhắc lại những con người và sự kiện lịch sử của dân tộc 70 năm về trước, mỗi người chúng ta đều vẫn ý thức sâu sắc rằng mình còn phải tích cực đóng góp tốt hơn nữa, nhiều hơn nữa vào sự nghiệp chung để xứng đáng với lớp người đi trước; để đất nước ta phát triển nhanh và bền vững hơn, xã hội tiến bộ và lành mạnh hơn, nhân dân ta có cuộc sống ấm no, hạnh phúc hơn; và nước Việt Nam ta có vị thế ngày càng cao hơn, xứng đáng hơn trên trường quốc tế.

 

;
.
.
.
.
.