.

Rạc chân... kiếm sống

.

Bắt đầu từ mờ sáng cho đến gần nửa đêm, những người mưu sinh bằng nghề bán vé số dạo với chiếc túi xách bên mình và xấp vé số trên tay, họ rong ruổi khắp các đường ngang, ngõ tắt của thành phố Đà Nẵng để rao bán “niềm hy vọng” cho mọi người...

Thiện luôn vui vẻ với đôi nạng gỗ và xấp vé số trên tay.

Tôi đã có nhiều lần theo chân họ, những người bán vé số dạo để tận mắt chứng kiến biết bao nhiêu câu chuyện buồn, vui của cuộc đời xung quanh những chiếc vé số… Người bán vé số dạo đầu tiên mà tôi gặp ở quán cà phê nằm trước Khách sạn Công đoàn Đà Nẵng là chị Lê Thị Kim Phượng (42 tuổi), trú xã Tiên Thọ, huyện Tiên Phước (Quảng Nam).
 
Chị Phượng kể: Gia cảnh chị ở quê thuộc vào diện khó khăn của xã. Hai vợ chồng làm nông, quanh năm suốt tháng bám vào ruộng vườn vẫn không đủ tiền để nuôi 5 đứa con ăn học. Đứa con lớn của chị học đến lớp 10 thì phải nghỉ học để theo bạn vào tận Tây Nguyên làm rẫy cà phê thuê cho chủ vườn; hai đứa tiếp theo học đến lớp 7, lớp 8 rồi cũng nghỉ học ở nhà lao động để phụ thêm với gia đình sinh sống; hai đứa út sinh đôi hiện đang học lớp 1. Những ngày nông nhàn này, chị theo chân những người quen cùng quê ra Đà Nẵng bán vé số dạo.

Nhờ vào sự quen biết của những người đồng hương tốt bụng, chị Phượng được giới thiệu đến lấy vé số từ đại lý cấp 1 của bà Dung ở đường Trần Cao Vân. Sáng 6 giờ cầm vé đi bán, chiều trước khi xổ số thì đưa vé về trả cho đại lý, rồi lấy vé ngày hôm sau đi bán tiếp cho đến 9-10 giờ đêm mới nghỉ ngơi. Những bữa ăn sáng, trưa, tối đối với những người bán vé số dạo như chị Phượng đều ở ngoài đường, đói đâu thì ăn ở đó, chỉ có ban đêm là về ngủ ở nhà trọ do chủ đại lý vé số bố trí miễn phí.
 
Nơi chị nghỉ trọ cũng có đến hơn 20 người, đa số là đồng hương với nhau, đồng cảnh ngộ khó nghèo, nên cũng nhận được từ nhau những cảm thông, chia sẻ. Mỗi ngày lang thang bán vé số dạo khắp thành phố như chị Phượng cũng kiếm được trên 50.000 đồng tiền hoa hồng. Tháng nào bán thường xuyên lắm, sau khi trừ chi phí ăn uống rồi cũng còn chừng 1 triệu đồng để gửi về quê. Chị Phượng cho biết, bản thân chị thì 2 tuần về nhà một lần, vì các con chị còn nhỏ, với lại chưa quen với cuộc sống xa nhà như thế nên chị rất nhớ con. Có người thì cả tháng mới về nhà, nhưng cũng có người do con nhỏ, gia cảnh neo đơn nên vài ngày phải về nhà một lần…

Một người bán vé số khác mà tôi đã gặp ở một quán bún trên đường Nguyễn Chí Thanh là bà Mai. Năm nay bà bước sang tuổi 92, tóc đã bạc, mắt đã mờ và chân đi không còn vững nữa. Tôi mua cho bà mấy tờ vé số để cầu may, rồi hỏi chuyện về gia cảnh của bà… Bà Mai kể: Năm 1968 bà phiêu dạt từ thành cổ Quảng Trị vào kiếm kế sinh nhai rồi ở luôn tại Đà Nẵng cho đến bây giờ. Bà Mai có 2 người con gái, cô lớn đã lấy chồng nhưng hoàn cảnh kinh tế rất khó khăn; cô thứ hai bị bệnh tâm thần nên bà phải cưu mang.

Nay sức cùng lực tận, tài sản cũng tứ tán theo bệnh tình của con gái bà, vì thế, hiện nay bà Mai cùng cô con gái bị bệnh tâm thần phải dắt díu nhau vào ở nhờ trong Chùa Chiêu Ứng nằm trên đường Lý Thái Tổ. Kể chuyện với tôi, bà Mai thở dài than vãn: “Không biết bà còn sống được bao lâu nữa để đi bán vé số nuôi thân mình và nuôi đứa con bệnh tật thường lên cơn là bỏ nơi ở đi lang thang khắp phố…”. Cẩn thận cất những đồng tiền bán vé số vào túi áo của mình, bà Mai cúi người chào khách hàng, rồi khập khiễng bước đi trong màn mưa lất phất của một ngày đầu hè oi ả…

Bà Mai với những bước đi chậm chạp của tuổi 92.

21 giờ, ở một quán nhậu nằm trên đường Phạm Văn Đồng, tôi vẫn còn thấy Thiện – cậu thanh niên bị liệt hai chân, khó nhọc lê đôi nạng gỗ đến từng bàn nhậu để mời những chiếc vé số ngày mai cho khách. Thiện nói, em vào nghề bán vé số dạo đã gần được 2 năm. Nhà Thiện ở trên đường Điện Biên Phủ, hằng ngày, với đôi nạng gỗ, Thiện lê la khắp nơi trong thành phố để bán vé số. Thiện khôi hài bảo, “bán vé số vừa ích nước, lợi nhà, vừa mang nhiều niềm vui và hy vọng đến với bà con cô bác gần xa…”.

Hiện tại, với thu nhập khoảng vài chục nghìn mỗi ngày, Thiện tạm đủ để trang trải áo cơm cho bản thân mình, nhưng khi nói chuyện với tôi, Thiện lo lắng khi mùa hè sắp đến sẽ có thêm nhiều học sinh con nhà nghèo ở các địa phương lân cận đổ về Đà Nẵng bán vé số dạo mưu sinh. Chắc chắn lúc đó thu nhập mỗi ngày của những người bán vé số dạo sẽ ít đi so với lúc bình thường…

Viết nên những dòng này, tôi mong muốn chính quyền các cấp ở những địa phương có nhiều công dân ra thị thành bán vé số dạo nên xem xét, có kế hoạch giúp đỡ những người sẵn có ý thức lao động chân chính này trong việc vay vốn để xóa đói giảm nghèo theo định hướng của địa phương mình. Đồng thời mở rộng việc hướng nghiệp, dạy nghề để giữ chân nguồn lao động phổ thông sẵn có. Hy vọng lúc đó, đời sống của những người dân lao động sẽ dần ổn định hơn, con cái họ sẽ vững vàng hơn trong giấc mơ được cắp sách đến trường cùng bạn bè trang lứa.

Bài và ảnh: BẢO THY

;
.
.
.
.
.