.

Rối rắm tên đường, số nhà...

.

Nếu ai đã chứng kiến cảnh tìm đường của một người cha từ Đắk Nông xuống thăm con đang học tại Trường Đại học Kinh tế Đà Nẵng, hẳn sẽ đặt dấu hỏi về cách đặt tên và bảng chỉ dẫn tên đường của thành phố.

Bảng chỉ dẫn tên đường trên đường
Ngũ Hành Sơn - Ngô Quyền lộn xộn.

Trong thư gửi về nhà trước đây, đứa con ghi: “Con đang trọ tại khu nhà trọ sinh viên nằm ở cuối đường Yersin”, vậy mà khi xuống xe, chìa mảnh giấy ghi địa chỉ trên, bác xe ôm chở ông vòng qua, vòng lại mãi cũng không tìm thấy đường Yersin, người cha mới nhờ gọi điện thoại cho cậu con trai. Hóa ra con đường này nằm ở phường Khuê Mỹ- Ngũ Hành Sơn và có tên viết đúng theo Nghị quyết về đặt tên một số đường của thành phố tại kỳ họp thứ 6, HĐND thành phố khóa VI, nhiệm kỳ 1999-2006 là Alexandre Yersin, với chiều dài 320 mét từ đường Hồ Xuân Hương đến khách sạn Furama.

Tuy nhiên hiện nay, do việc mở đường Sơn Trà-Điện Ngọc nên trên thực tế, đường Alexandre Yersin đã không còn nữa mà là một phần của đường Sơn Trà-Điện Ngọc. Tương tự, tuyến đường Tôn Thất Đạm, từ ngã tư Trần Cao Vân – Lê Độ ra đến giao lộ Nguyễn Tất Thành, chúng tôi tìm mỏi cả mắt cũng chẳng thấy một số nhà nào ghi tên đường Tôn Thất Đạm, mà toàn là lô 1A, 1B... Lê Độ, rồi 37, 39… Lê Độ kéo dài.
 
Cho dù phía trong đó, cách khoảng vài trăm mét đã có số nhà 37, 39 Lê Độ rõ ràng. Chưa kể, cầm trên tay cuốn sách “Đường phố Đà Nẵng” xuất bản năm 2008 của Nhà Xuất bản Đà Nẵng, chúng tôi thấy ghi đường Tông Đản nằm trên địa bàn quận Liên Chiểu, nhưng trên thực tế tên đường là Tôn Đản, lại nằm ở địa bàn phường Hòa An, quận Cẩm Lệ…

Thực tế việc đặt tên, bảng chỉ dẫn tên đường (nhất là các bảng chỉ dẫn tên đường) lộn xộn, không theo quy chuẩn nào đã tồn tại từ rất lâu trên địa bàn thành phố. Ví dụ, trên tuyến đường Ngô Quyền – Ngũ Hành Sơn, bên phía Đông, đang sử dụng bảng chỉ dẫn tên đường có 2 mặt bằng nhau, còn bên phía Tây sử dụng bảng chỉ dẫn tên đường lệch nhau.

Thậm chí trên đường Hoàng Diệu, nơi thì bảng chỉ dẫn 2 mặt bằng nhau, nơi thì bảng chỉ dẫn 2 mặt lệch nhau. Không chỉ những con đường cũ, mà cả những con đường mới làm như 30-4, Nguyễn Hữu Thọ…, bảng chỉ dẫn cũng được đặt tùy tiện. Cá biệt như đường Lê Thanh Nghị được đặt các bảng chỉ dẫn lệch nhau, phía đầu đường thì bảng tên đường Lê Thanh Nghị được đặt phía trên bảng tên đường Phan Đăng Lưu, nhưng cách một con đường thì bảng tên đường Lê Thanh Nghị được đặt phía dưới, và thêm một đoạn nữa lại được đặt phía trên…

Theo giải thích của ông Tô Đình Trung, Trưởng phòng Quản lý đô thị, Sở Giao thông Vận tải, việc cắm bảng chỉ dẫn tên đường do Công ty Quản lý, sửa chữa công trình giao thông và thoát nước thành phố đảm nhận. Việc đặt đổi tên đường do Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch lập quỹ tên đường rồi trình Hội đồng đặt tên đường thành phố, và do HĐND thành phố phê duyệt. Tuy nhiên hiện nay, còn rất nhiều con đường ở các khu dân cư vẫn chưa có tên đường, thậm chí cùng nằm trong một khu dân cư như khu vực đường Lê Thanh Nghị, một số con đường vẫn chưa được gắn tên, còn để bảng trắng.

Đường Nguyễn Hữu Thọ có 2 số nhà vừa là Nguyễn Hữu Thọ, vừa là Nguyễn Tri Phương ND.

Được biết, sắp đến một số tuyến đường tại khu vực Mỹ An - Ngũ Hành Sơn sẽ được đặt tên đường là Mỹ An 1, Mỹ An 2, Mỹ An 3. Trước đó, có một số tên đường như An Hải 1, An Hải 2, An Hải 3 hay Hòa Mỹ 1, Hòa Mỹ 2, Hòa Mỹ 3, An Thượng 1 đến An Thượng 19, Mỹ Thị 1 đến Mỹ Thị 21... Điều này có hợp lý không, trong khi chúng ta không thiếu tên các danh nhân, nhà văn hóa, anh hùng cách mạng..., vấn đề là đặt thế nào cho hợp lý.

Ngoài ra, nhiều ý kiến cho rằng, việc đặt tên đường nên tuân theo một nguyên tắc chung, đó là: Tên danh nhân lớn đặt cho đường lớn, đường chính, tên các danh nhân hoặc địa danh nhỏ hơn thì đặt cho các đường nhỏ hơn, đường xương cá. Ví dụ, đường Hùng Vương là đường phố chính thì có một loạt đường khác nối vào, hoặc cắt ngang cũng mang tên lớn như Lý Thái Tổ, Phan Châu Trinh, Trần Phú, Bạch Đằng, Ông Ích Khiêm…
 
Tránh trường hợp như đường Trần Hưng Đạo, một danh tướng lớn nhưng lại ít có đường nào cắt ngang, hoặc nối vào xứng tầm. Mặt khác, khi đặt tên đường cũng cần xét trên phương diện sử học, chẳng hạn đường Ngô Quyền thì nên nối với những danh nhân, tướng lĩnh thời đó, như đường Lê Lai nối vào đường Lê Lợi, còn Ngô Quyền nối với Ngũ Hành Sơn rồi nối tiếp Lê Văn Hiến có hợp lý không? Đó cũng chính là câu hỏi đặt ra cho Hội đồng đặt tên đường của thành phố, mà cơ quan tham mưu là Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch.

Bài và ảnh: Phương Uyên

 

;
.
.
.
.
.