.

Sinh ra đã mồ côi

.

Hậu quả của những mối tình chóng ván, của một số người cha, người mẹ thiếu trách nhiệm khiến trẻ em vừa sinh ra đã bị bỏ rơi ngày càng nhiều. Những đứa trẻ tội nghiệp chưa biết số phận hẩm hiu của mình, ngước đôi mắt trong veo nhìn mọi người, cất tiếng khóc oe oe đòi bầu sữa nóng. Bắt gặp cảnh ấy, nhiều người đã không nỡ lòng quay đi vì nhiều lẽ…

Những cái tên không họ

Những đứa trẻ xinh xắn này đã bị chính cha mẹ chúng bỏ rơi bên đường khi vừa cất tiếng khóc chào đời.

Hơn hai mươi đứa trẻ ở Trung tâm (TT) nuôi trẻ mồ côi, 55 Thủ Khoa Huân, Đà Nẵng đều có tuổi đời dưới 4 tuổi. Những đứa bé mang khuôn mặt sáng sủa và bụ bẫm. Ít ai nghĩ rằng số phận của các em lại gắn liền với hai chữ bất hạnh từ khi mới chào đời. Bị mẹ bỏ rơi khi vừa có mặt trên đời 1 ngày tuổi tại Bệnh viện Sơn Trà, bé Long (tên được TT đặt) đã được các “mẹ” ở TT bao bọc và nuôi dưỡng. Thấy người lạ, bé lững chững bước lại gần, cười thật tươi rồi với lấy hộp đồ chơi, kéo tay khách ngồi xuống nền nhà, tỏ ý muốn được chơi cùng.

Những cử chỉ thân thiện của Long khiến mọi người trong phòng không thể cầm lòng. “Mẹ” Phạm Thị Ngọc Thúy, Giám đốc TT cho hay, bình thường thì các bé chơi đùa, ít quấy khóc nhưng khi một bé bị ốm là hầu hết các bé khác cũng bị ốm theo dù đã được cách ly. Khi ấy, việc chăm sóc bé cũng cực hơn rất nhiều, vì bé chán ăn lại hay khóc đêm. Mỗi lần như vậy, người “mẹ” phải có sức khỏe thật tốt mới có sức mà chăm bé. Nỗi cực nhọc này có lẽ ai nhìn vào cũng có thể thấy được.

Bé Tèo cũng được nhận vào TT theo một cách riêng. Theo lời “mẹ” Huệ, vào một đêm đầu tháng 2, khi đang thiu thiu ngủ thì các “mẹ” nghe thấy tiếng xe máy dừng lại trước cổng TT. Tưởng có khách đến tìm, “mẹ” Huệ đứng dậy ra mở cửa thì bóng xe máy vội lao đi, để lại một cháu bé còn đỏ hỏn được bọc sơ sài trong lớp tã giấy. Các “mẹ” phân nhau người chạy đi pha sữa, người chườm khăn ấm khắp người vệ sinh cho bé. Cả TT lại một đêm không ngủ vì sự quấy khóc của đứa trẻ bất hạnh khi chưa quen hơi người lạ.

Một lần rồi hai lần, cứ thế các “mẹ” lại có nhiều đêm mất ngủ theo những phận đời hẩm hiu của trẻ mồ côi. Vào TT, không tên, không tuổi, không dòng địa chỉ, các bé được các “mẹ” thay nhau chăm sóc, làm thủ tục khai sinh, đưa đi khám sức khỏe ban đầu và tiêm vắc-xin phòng bệnh. Khi được hỏi về những cái tên, “mẹ” Hoàng Thị Pha nói vui, các “mẹ” thích tên gì là gọi tên đó, riết rồi quen.

Đứa nào hay nghịch thì gọi Tèo, đứa hiền hiền gọi là Cún, đứa dễ thương đặt là Hoa, đứa lanh lợi như chuột thì gọi là Tý… Những cái tên hay như Thành Long, Như Nguyệt, Ngọc Nga… chỉ sử dụng khi khai sinh và không mang họ. Trong chặng đường dài phía trước, con đường đi tìm hạnh phúc càng trở nên xa vời khi các em sinh ra đã mang kiếp mồ côi.

Ăm ắp tình người

Mười tám tháng tuổi, bé Long tỏ ra nhanh nhẹn và luôn cười khi có người đến chơi với bé.

Khi trẻ được sinh ra trong một gia đình êm ấm, chiều đến có ba mẹ đón về, các em được chăm sóc bởi bàn tay dịu dàng của mẹ, cái nhìn yêu thương của ba. Hạnh phúc giản đơn ấy không phải đứa trẻ nào sinh ra cũng may mắn có được. “Mẹ” Phạm Thị Loan không khỏi bùi ngùi khi kể, hầu hết trẻ sơ sinh lớn lên ở TT chỉ được dạo chơi quanh quẩn ngoài sân, ít được ra ngoài vì TT không có điều kiện cho các bé đi xa. Thiếu thốn tình cảm, thiếu thốn tình người sẽ làm tăng tính rụt rè, sợ sệt của bé. Việc chăm trẻ không phải ai cũng làm được, nhất là với một đứa trẻ mồ côi, tấm lòng ấy phải càng bao dung, tình người ấy càng phải được trân trọng.

Mỗi lần thấy các “mẹ” dắt xe ra đến cổng về nhà là y như rằng các con khóc ré lên. Bé nào đã biết đi thì chạy ra níu lấy áo. Cầm lòng không được, có “mẹ” phải dựng lại xe, vào nựng các con một lúc rồi mới “trốn” đi. Hay mỗi lần chia quà, chia đồ chơi là phải công bằng; bế đứa này, đứa khác chạy lại mè nheo…
 
Trong các bé, Tèo tỏ ra lanh lợi nhất nhà. Những điều ấy trở thành niềm vui, nỗi buồn và những kỷ niệm với các “mẹ”. Vui vì sự quấn quýt hồn nhiên ấy, buồn vì thương cho phận mồ côi của các con. Lâu dần thành quen, ngày nào không đến TT lại thấy thiếu vắng, nhớ tiếng trẻ khóc, nhớ ánh mắt ngây thơ trong sáng như thiên thần của các bé, lại chạnh lòng với những phận đời bất hạnh.

Khác với trẻ sơ sinh bị bỏ rơi ngay khi mới lọt lòng, các em chưa nhận biết gì thì một đứa trẻ bị ruồng bỏ, bị xa lánh khi đã có nhận thức về cuộc sống, về hạnh phúc gia đình, phản ứng đầu tiên của các em thường tiêu cực nếu không được uốn nắn kịp thời và đúng cách.

Ở tuổi 53, “mẹ” Huỳnh Thị Thảo, công tác tại TT Bảo trợ trẻ em đường phố Đà Nẵng có gần 20 năm trong vai trò chăm sóc, giáo dục và uốn nắn trẻ em đường phố. Để có đủ thời gian dành cho công việc ở TT, từ một cô giáo dạy văn đam mê phong trào Đoàn, “mẹ” Thảo xin được chuyển công tác đến TT Giáo dục thường xuyên quận Hải Châu. Cả ngày làm việc tại TT, tối đến “mẹ” Thảo lại đứng trên bục giảng để làm nhiệm vụ của người thầy.

Niềm vui được cống hiến, được chia sẻ, được làm việc của các “mẹ” như tăng lên khi các con được nuôi dưỡng ở TT trở nên ngoan và biết nghe lời, có một cái nghề để có thể tự lo cho cuộc sống. Đó là niềm vui lớn nhất vì theo “mẹ” Thảo, phần lớn tính cách của các em khi mới vào TT rất phức tạp, nếu không muốn nói là tỏ ra ương ngạnh, bất cần đời.
 
Bằng phương pháp “mưa lâu thấm đất”, công việc “tái chế nhân phẩm”, thay đổi nhận thức cho trẻ của các mẹ, các cô, thầy tại TT đã thu được kết quả tốt. Đến nay, TT đã có khoảng 5, 6 em theo học đại học, gần 20 em đang theo học cao đẳng, trung cấp trong tổng số 150 em được nuôi dạy ở TT. Đặc biệt, em Lê Thị Hiệp, sinh viên năm 2 ĐH Ngoại ngữ Đà Nẵng đã nhận được một suất học bổng ở Pháp. Số khác được học nghề miễn phí và được TT tìm kiếm việc làm để tự nuôi sống bản thân và trở thành người có ích cho xã hội.

Tình người ấy còn dành cho những người thân của các “mẹ”, họ có thể là chồng, là con. Sự chia sẻ và cảm thông đó trở thành động lực để các “mẹ” dồn hết tâm sức cho công việc. Ranh giới mong manh giữa thiện và ác, giữa được và mất, giữa hạnh phúc và khổ đau…, nếu không được điều chỉnh kịp thời, không biết rồi tương lai của những đứa trẻ ấy ra sao? Tiễn chúng tôi ra về, “mẹ” Thúy nói theo, TT dù có tốt đến đâu thì cũng không thể bù đắp nổi những mất mát quá lớn của bé về tình mẫu tử. Mong rằng, các bé sẽ không phải sống trong nỗi trăn trở “Cha ơi, cha là ai? Mẹ ơi, mẹ là ai?”, và ao ước một lần trong đời được ôm ấp trong vòng tay yêu thương của cha mẹ.

TIỂU YẾN

 

;
.
.
.
.
.