.

Sức trẻ miền Tây

.

Con đường Trường Sơn huyền thoại đưa chúng tôi về với nhiều bản làng vùng cao. Tháng 5 về, từng cụm cây ven đường dường như xanh hơn, thì thầm những hoài niệm một thời hào hùng của dân tộc. Từng mắt lá ánh lên vẻ mừng vui hòa vào sức trẻ giữa đại ngàn.

Những ánh mắt biết nói

Cô giáo Đinh Thị Hải đang giảng bài cho học sinh là người Cơtu tại Làng Thanh niên lập nghiệp A Sờ, xã Mà Cooil, huyện Đông Giang.

Từ Đà Nẵng, xe đưa chúng tôi đến trước cổng UBND xã Mà Cooil, huyện Đông Giang. Xung quanh trụ sở là những gia đình trẻ thuộc Làng thanh niên lập nghiệp (TNLN) A Sờ (nay là thôn A Bông). Làng ra đời theo chủ trương của Đảng và Nhà nước về việc xây dựng đường Hồ Chí Minh và định hướng phát triển kinh tế-xã hội miền Tây Tổ quốc. Cả làng có 118 hộ (50% số hộ là thanh niên đồng bào dân tộc thiểu số). Quá trình đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng (điện, đường, trường, trạm) đã mang lại cho bà con dân bản một bức tranh khác về cuộc sống. Những người trẻ từ khắp nơi dồn về đây xây dựng buôn làng.

Trưa nắng. Đường vắng. Những tán cây ven đường như xanh hơn, tỏa bóng mát hơn. Sau cánh cửa, người dân trong làng tò mò nhìn ra. Đâu đó vang lên tiếng ê a đọc bài của những em bé vùng cao. Thấy người lạ, các em cùng đứng dậy, vòng tay chào không chút e ngại, nụ cười thân thiện và thật đáng yêu giữa núi rừng. Ở tuổi 40, cô giáo Nguyễn Thị Bông (quê Hòa Vang) đã có 21 năm gắn bó với mảnh đất ven con đường Trường Sơn huyền thoại này. Nhà xa, mỗi ngày, từ thị trấn P’Rao, cô phải chạy xe máy hơn 20km để đến lớp.

Những vất vả ấy làm tăng thêm lòng yêu nghề và say mê cống hiến. Trong căn phòng mượn tạm của UBND xã, 34 cô trò cùng quây quần bên nhau trong những giờ giảng bài. Không như miền xuôi, ở đây các em từ 3 đến 5 tuổi phải học chung lớp ghép (lớp nhỡ và lớp lớn), do không đủ trường lớp cũng như thiếu giáo viên. Tâm sự với chúng tôi, cô giáo Bông không giấu được vẻ buồn trong ánh mắt: “Học sinh ở đây chỉ học vào buổi sáng, ra khỏi nhà từ tờ mờ sớm để kịp giờ lên lớp, có em đến trường khi cái bụng còn trống rỗng. Học xong lại mang cái đói lững thững men theo chân núi về nhà. Trẻ con cứ đầu trần chân đất mà đến lớp, chẳng ai đưa đón.

Cuộc sống tại đây khác xa với vùng đồng bằng và còn quá nhiều thiệt thòi cho trẻ nhỏ. Duy chỉ có ánh mắt là hiện rõ nỗi buồn và sự khát khao chinh phục núi rừng”. Nghe tâm sự ấy, chúng tôi hiểu rằng, chính điều này đã níu chân cô lại, lấy chồng, lập nghiệp ở vùng đất mới hơn 20 năm nay.

Không chỉ cô giáo Bông, chị Đoàn Thị Chín (quê Hiệp Đức) lên Đông Giang từ năm 2003. Chồng chị, anh Dương Tấn Giang đang là công nhân Nhà máy Thủy điện A Vương. Mối tình của hai người bắt đầu từ những ngày tháng làm công nhân trên công trình đường Hồ Chí Minh. Khi ấy anh là công nhân làm đường, còn chị là cấp dưỡng nấu ăn cho hàng trăm con người tại công trình. Những cuộc đi nhờ xe máy về xuôi thăm gia đình, bạn bè đã kéo hai người lại gần nhau. Kết quả của sự đồng cảm và chia sẻ ấy là một đám cưới được tổ chức giản dị tại làng TNLN A Sờ.

Chị Chín chia sẻ, khi mới đặt chân lên đây, những tưởng mình sẽ không thể sống nổi giữa khung cảnh núi rừng vắng lặng và âm u này. Đôi khi thèm được đi dạo nơi phố xá đông người, thèm được uống ly café ở phố, nhất là khi trời mưa, nỗi nhớ nhà cứ chực trào ra. Rồi cũng quen, nhất là khi mình được tiếp xúc với những con người từ miền xuôi lên gắn bó gần 30 năm thì cái tôi của mình biến mất. Chỉ còn sự chia sẻ và cảm thông”. Giờ đây, khi bộ mặt xóm làng đã được tô điểm bên con đường Hồ Chí Minh khang trang, vợ chồng chị Chín cũng đã có một gia đình hạnh phúc bên đứa con đầu lòng tại làng TNLN A Sờ.

Lịch sử thì xa, cuộc sống thì gần

Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Tây Giang trở thành căn cứ miền núi vững chắc của Quảng Nam, Quân khu 5 và vùng Hạ Lào, đường mòn Hồ Chí Minh, nơi tuyến đường tập kết ra Bắc vào Nam, vận chuyển hàng hóa, vũ khí và cũng là nơi bí mật che giấu cán bộ, bộ đội. Có đi dọc đường Hồ Chí Minh mới thấy hết sự hùng vĩ và những hy sinh, gian khổ của bộ đội ta trong những năm kháng chiến. Mới thấm thía những gì ác liệt nhất của cuộc chiến giữa đại ngàn. Mới cảm nhận đủ đầy cái tình của những người lên đây và ở lại, khi Trường Sơn còn hoang sơ và ít người đặt chân đến.

Tiếp nối truyền thống ấy, Tây Giang đã nỗ lực vươn lên với sức trẻ và tầm nhìn của hơn 2/3 cán bộ tuổi đời dưới 40. Họ chấp nhận về vùng sâu, vùng xa, khó khăn hơn khi chia tách từ huyện Hiên để xây dựng huyện mới. Ông Nguyễn Văn Ngọc, Chánh Văn phòng UBND huyện Tây Giang quê Điện Ngọc, huyện Điện Bàn đã đặt chân lên vùng núi Tây Giang từ 27 năm về trước. Ký ức sâu sắc nhất của ông về lần đầu tiên đặt chân đến Tây Giang là những ngày dài đi bộ, băng rừng lội suối đến những xã vùng cao, là những thiếu thốn về nước sinh hoạt và thông tin khi vùng này chưa có điện, đài…, hay những cơn sốt rét rừng như chực nuốt người cán bộ vùng xuôi vào lòng núi.
 
Khó khăn chồng chất nhưng với tình yêu núi rừng và những bài học lịch sử trong chiến tranh đã giữ chân ông ở lại. Từng con đường, bờ suối gắn với một thời đấu tranh anh dũng của bộ đội Cụ Hồ trên đường mòn Hồ Chí Minh đã tiếp thêm sức mạnh cho những người thanh niên chấp nhận xa gia đình, xa người yêu để đến với Trường Sơn.

Sau khi tốt nghiệp Khoa Lịch sử Trường Đại học Sư phạm Quy Nhơn năm 2007, ở tuổi 23, Nguyễn Công Tươi lên nhận công tác tại Trường THPT Tây Giang với mức lương và phụ cấp khoảng 4 triệu đồng/tháng. Những tháng ngày gắn bó với núi rừng đã giúp người giáo viên trẻ có sự trải nghiệm sâu sắc về cuộc sống, kiểm chứng được những bài học lịch sử trên giảng đường đại học. Anh bộc bạch: “Lên đây thì phải hy sinh nhiều lắm vì thanh niên thường thích những nơi xô bồ, quán xá. Con người đôi khi không thể một lúc làm tốt được hai việc, mình cần những người hiểu và cảm thông cho sự lựa chọn của mình hơn là những người chỉ biết sống cho riêng mình, vì mình”.

Trong cuộc hành trình, chúng tôi còn tiếp xúc với nhiều thế hệ thanh niên rời xa nơi phồn hoa đô thị, quyết định cống hiến tuổi trẻ và gắn bó với vùng cao, nơi có con đường huyền thoại mang tên Bác. Có lẽ ai cũng thấy rằng, với họ, sức trẻ và niềm đam mê thôi chưa đủ, mà họ còn có niềm tin vào cuộc sống, vào những đổi thay trên mảnh đất gắn liền với một quá khứ hào hùng của dân tộc, của những người đã ngã xuống để ươm màu xanh tươi cho cây trái nơi này.

TGhi chép của TIỂU YẾN

 

 

;
.
.
.
.
.