.
TẠI KỲ HỌP THỨ 5, QUỐC HỘI KHÓA XII, ĐOÀN ĐBQH THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG:

Cần xây dựng Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia

.

* Việc xóa án tích nên giao cho Tòa án cấp sơ thẩm thực hiện

(ĐNĐT) - Ngày 23-5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật lý lịch tư pháp. Đại biểu Quốc hội chuyên trách Nguyễn Thị Kim Thúy, Đoàn ĐBQH thành phố Đà Nẵng đã tham gia phát biểu ý kiến.

Đại biểu Quốc hội chuyên trách Nguyễn Thị Kim Thúy phát biểu ý kiến.

Theo ĐB Kim Thúy, nếu đưa vào lý lịch tư pháp cả những vấn đề về tiền sự, thì sẽ phát sinh hai mâu thuẫn cơ bản. Đó là pháp luật của ta chưa quy định hành vi nào chưa đến mức bị coi là phạm tội và bị kết án sẽ bị coi là tiền sự; việc xóa các tiền sự đó trong lý lịch tư pháp cá nhân sẽ thực hiện theo nguyên tắc nào, chẳng lẽ án tích thì được xóa, còn tiền sự thì không được xóa. Do đó, ĐB đề nghị cân nhắc thêm vấn đề này.

Về mô hình quản lý lý lịch tư pháp, ĐB Kim Thúy cho rằng, thông tin về lý lịch tư pháp bao gồm nhiều vấn đề và liên quan đến nhiều cơ quan khác nhau, nếu như giao cho một trong số các cơ quan là Công an, Tòa án, Viện kiểm sát hay Thi hành án thì cũng đều phải có sự tra cứu thông tin ở các cơ quan liên quan mà hiện nay chúng ta chưa có cơ sở dữ liệu quốc gia về lý lịch tư pháp. Vì vậy cần phải tạo cơ sở pháp lý để xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về lý lịch tư pháp để đáp ứng yêu cầu quản lý lý lịch tư pháp.

Về lâu dài, việc cấp lý lịch tư pháp sẽ nhanh chóng thuận lợi khi đã xây dựng được cơ sở dữ liệu dùng chung từ các ngành có liên quan, việc tìm kiếm lý lịch tư pháp được thực hiện trên phạm vi toàn quốc, thông qua việc khai thác nguồn dữ liệu chung đó, như vậy sẽ rút ngắn được thời hạn giải quyết hồ sơ. Nếu sử dụng cơ sở dữ liệu dùng chung thì cơ quan có thẩm quyền sẽ cấp lý lịch tư pháp cho mọi trường hợp, không phụ thuộc vào nơi thường trú và điều này sẽ tạo thuận lợi cho công dân trong việc chọn nơi cấp phiếu lý lịch tư pháp thuận lợi nhất với thời gian nhanh nhất. Do đó, ĐB đề nghị phải có Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia.

ĐB Kim Thúy đề nghị bỏ quy định phải kê khai cha, mẹ, vợ, chồng vào phiếu lý lịch tư pháp vì tại Điều 2, Khoản 1 giải thích từ ngữ cho thấy thông tin về lý lịch tư pháp không có nội dung về cha mẹ, vợ chồng; nguồn dữ liệu thông tin theo Điều 15 của dự thảo quy định cũng không đáp ứng nội dung này; hơn nữa việc ghi nội dung cha, mẹ, vợ, chồng sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến đời tư của người đó. Do đó, việc xác định một người dựa trên số chứng minh nhân dân, hộ chiếu của người đó là đủ. Bởi trên thực tế, chúng ta thấy cũng phát hiện nhiều trường hợp chứng minh nhân dân trùng với lý lịch, nhưng lại khác dấu vân tay.

ĐB đề nghị không giao cho cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu xóa án tích trong trường hợp đương nhiên xóa án tích vì không phù hợp với quy định tại Điều 270 của Bộ luật tố tụng hình sự. Hơn nữa, việc xóa án tích thuộc lĩnh vực tư pháp, còn cơ quan quản lý lý lịch tư pháp chỉ là cơ quan hành chính đơn thuần nên không có thẩm quyền xem xét xóa án tích, vì vấn đề này liên quan đến lĩnh vực tư pháp mà cụ thể ở đây là Tòa án.

Ngoài ra, khi xóa án tích đòi hỏi phải có bản án, giấy ra trại hoặc giấy đã chấp hành hình phạt do địa phương cấp đối với trường hợp án treo, hoặc cải tạo không giam giữ. Nhưng thực tế hiện nay công dân không giữ các loại giấy tờ này, do đó việc xem xét xóa án tích kể cả trường hợp đương nhiên xóa án tích cũng cần phải có những thủ tục nhất định để làm cơ sở xem xét. Chính vì vậy, ĐB đề nghị việc xóa án tích nên giao cho Tòa án cấp sơ thẩm thực hiện như hiện nay thì sẽ phù hợp hơn.

HỮU HOA

;
.
.
.
.
.