.
TẠI KỲ HỌP THỨ 5, QUỐC HỘI KHÓA XII, ĐOÀN ĐBQH THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG:

Đề nghị cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài được mua một ngôi nhà để ở

.

* Đề nghị không giao cho các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nhập khẩu phim

(ĐNĐT) - Chiều 22-5, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật điện ảnh và dự án Luật sửa đổi, bổ sung điều 126 Luật nhà ở và điều 121 Luật đất đai. Đoàn ĐBQH thành phố Đà Nẵng tham gia thảo luận cùng với các Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh, Đắc Nông, Hòa Bình.

Đại biểu (ĐB) Nguyễn Bá Thanh, Trưởng đoàn ĐBQH thành phố Đà Nẵng, chủ trì thảo luận.



Tham gia thảo luận, ĐB Huỳnh Nghĩa, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH thành phố Đà Nẵng cho rằng, việc hoàn thiện về mặt pháp lý các quy định của Nhà nước về quyền sở hữu nhà ở của người Việt Nam định cư ở nước ngoài là một trong những vấn đề rất quan trọng và thực sự cần thiết nhằm tiếp tục cụ thể hoá chính sách của Nhà nước Việt Nam đối với kiều bào ở nước ngoài, qua đó khuyến khích, động viên người Việt Nam định cư ở nước ngoài tham gia đóng góp vào sự phát triển của đất nước.

Theo ĐB Huỳnh Nghĩa, dự án Luật SĐBS Điều 126 của Luật Nhà ở vẫn còn rất nhiều nội dung chưa được làm rõ cả về mặt lý luận, thực tiễn. Chẳng hạn như quy định bổ sung đối tượng người Việt Nam định cư ở nước ngoài được quyền sở hữu nhà ở tại Việt Nam cũng như mở rộng hơn về số lượng và điều kiện được sở hữu nhà ở của các đối tượng này so với Nghị quyết số 19/2008/NQ-QH 12 ngày 3/6/2008 của Quốc hội “Về việc thí điểm cho tổ chức, cá nhân người nước ngoài được mua và sở hữu nhà tại Việt Nam”, trong khi chúng ta còn rất thiếu kinh nghiệm thực tiễn về vấn đề này.

ĐB dẫn chứng: theo Báo cáo kết quả việc thực hiện Điều 126 Luật nhà ở năm 2005 của Chính phủ, số lượng người Việt Nam định cư ở nước ngoài được mua nhà tại Việt Nam thời gian qua là rất ít, chỉ có 140 trường hợp, trong khi đó, Nghị quyết số 19 của Quốc hội chỉ mới bắt đầu có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2009.

Về việc quy định người gốc Việt Nam nhưng không thuộc diện đặc biệt như quy định tại điểm b khoản 1 Điều 126 thì cũng được quyền sở hữu một nhà hoặc một căn hộ, nếu có giấy miễn thị thực và được phép cư trú tại Việt Nam từ 3 tháng trở lên theo quy định tại khoản 2 Điều 126 dự thảo Luật, ĐB Huỳnh Nghĩa cho rằng, quy định này là quá đơn giản và chưa phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của nước ta hiện nay. Vì trong thực tế, số lượng các đối tượng thuộc diện này rất nhiều, đồng thời việc có giấy xác nhận cư trú tại Việt Nam từ 3 tháng trở lên cũng không phải là vấn đề quá khó.

Với quy định này, sẽ không mấy khó khăn để nhận thấy, các đối tượng thuộc diện nói trên có thể thoả mãn về điều kiện được cấp giấy miễn thị thực để có quyền sở hữu một nhà ở hoặc một căn hộ. Như vậy, khi cấp xong thì đối tượng sang Việt Nam mua nhà, mua xong rồi căn cứ vào điểm b khoản 2 Điều 121 của Luật Đất đai là được cho thuê trong thời gian tạm thời không ở.

Theo ĐB, khi dự thảo Luật này được thông qua sẽ ảnh hưởng nhất định đến thị trường bất động sản trong nước, và trong trường hợp giá nhà đất lên cao, thì liệu người dân có thu nhập thấp có khả năng mua nhà được nữa hay không cũng là vấn đề cần được quan tâm, xem xét. Ngoài ra, ĐB Huỳnh Nghĩa cũng đề nghị cần làm rõ khái niệm “người gốc Việt Nam” như thế nào, tránh hiểu quá rộng.

ĐB Nguyễn Bá Thanh và một số đại biểu khác cho rằng, nếu chỉ vì nhu cầu mua nhà để ở thì chỉ cần cho phép người Việt Nam định cư ở nước ngoài mua một ngôi nhà là đủ. Còn nếu kinh doanh bất động sản thì phải thông qua kênh đầu tư chính thức như thành lập công ty kinh doanh bất động sản... 

Góp ý dự án Luật SĐBS một số điều của Luật điện ảnh, ĐB Nguyễn Thị Kim Thuý (Đà Nẵng) đề nghị phải tăng cường hơn nữa việc quản lý nội dung đối với phim phát sóng trên truyền hình. Cần quy định rõ hơn, phân công trách nhiệm quản lý nội dung đối với phim phát sóng trên truyền hình, nhất là truyền hình cáp. Theo ĐB, khi nhập khẩu phim cần kiểm duyệt kỹ nội dung và đây là khâu rất quan trọng, nhất là trong tình hình hiện nay, khi mà chúng ta chưa kiểm soát triệt để băng đĩa lậu, là vấn đề bức xúc của xã hội.

ĐB Bùi Thị Bình (Hoà Bình) cho rằng, nhiều cử tri phản ảnh lượng phim chiếu trên truyền hình hiện nay của chúng ta phần lớn là phim nước ngoài nhiều hơn phim Việt Nam. Chất lượng phim Việt Nam chưa cao, chủ yếu nói về thành phố, ít nói về nông thôn. Phim về đồng bào dân tộc thiểu số thì không được đầu tư nên chất lượng rất hạn chế, việc đưa hình ảnh, lồng tiếng đồng bào dân tộc vào phim chưa sát. Việc thẩm định, kiểm duyệt cần nêu cao tinh thần trách nhiệm của Hội đồng thẩm định phim, vì có nhiều phim tính giáo dục còn ít.

ĐB Nguyễn Bá Thanh  và các ĐB khác đều thống nhất đề nghị không giao cho các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nhập khẩu phim vì như vậy rất khó kiểm soát, mà cần phải tập trung quản lý chặt chẽ, thống nhất việc nhập khẩu phim từ trên trung ương.

HỮU HOA

;
.
.
.
.
.