.

Tăng cường phòng, chống dịch tiêu chảy cấp

Trước tình trạng dịch tiêu chảy cấp đang lây lan nhanh tại 8 tỉnh, thành phía Bắc, ngày 18-5, Sở Y tế thành phố đã có văn bản yêu cầu các đơn vị trực thuộc khẩn trương thực hiện các biện pháp phòng ngừa dịch tiêu chảy cấp như giám sát chặt chẽ bệnh nhân tiêu chảy tại các bệnh viện, phòng khám, khoa phòng điều trị tại các bệnh viện trên địa bàn thành phố; tiến hành lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm khi phát hiện có trường hợp nghi mắc, xử lý môi trường, khoanh vùng không để dịch lây lan và bùng phát trên diện rộng; các cơ sở thu dung điều trị chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc, giường bệnh, dịch truyền, vật tư chống dịch, bảo đảm không để xảy ra tử vong cho người bệnh.

Thanh tra Sở Y tế đẩy mạnh các hoạt động kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm trong mùa nắng nóng; chỉ đạo các quận, huyện kiểm tra các loại hình thức ăn đường phố, cơ sở sản xuất nước đá, đặc biệt các loại thực phẩm có nguy cơ gây bệnh tả cao như thịt chó, mắm tôm, rau sống; các đội Y tế dự phòng thành lập các đội cơ động phòng chống dịch tại tuyến quận, huyện và xã, phường.

Bệnh tiêu chảy cấp do phẩy khuẩn tả là bệnh truyền nhiễm có khả năng lây truyền rất nhanh và có thể gây tử vong; nếu người dân không thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch chủ động, đến các cơ sở điều trị sớm khi có dấu hiệu bệnh thì nguy cơ dịch sẽ tiếp tục lây lan là rất lớn.
 
Do vậy, để chủ động phòng, chống dịch tiêu chảy cấp do phẩy khuẩn tả, Cục Y tế dự phòng và Môi trường, Bộ Y tế khuyến cáo người dân trong vùng có dịch, các gia đình không nên tổ chức ăn uống đông người; thực hiện “ăn chín, uống sôi”; không sử dụng các thực phẩm như: thịt chó, rau sống, thức ăn tươi sống không rõ nguồn gốc, không bảo đảm vệ sinh.

V.DŨNG

;
.
.
.
.
.