.

Thả nổi quản lý nhóm trẻ gia đình

.

(ĐNĐT) Sáng ngày 9-5, các đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy, Nguyễn Thị Mỹ Hương có buổi tiếp xúc cử tri với gần 200 cán bộ quản lý, giáo viên bậc học mầm non của thành phố về tình hình thực hiện Luật Giáo dục.



Đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri là cán bộ giáo viên bậc học mầm non
Cử tri Nguyễn Đắc Xứng của quận Sơn Trà phản ánh: Chủ trương xã hội hóa giáo dục đã thúc đẩy phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục của bậc học mầm non, làm giảm gánh nặng về ngân sách của Nhà nước đầu tư cho bậc học này. Tuy nhiên công tác quản lý trường MN tư thục, nhóm trẻ gia đình còn rất nhiều bất cập. Phòng Giáo dục-Đào tạo quận chỉ có 1 biên chế cán bộ quản lý bậc học MN nói chung thì không thể quản lý tới nhóm trẻ gia đình. Các trường MN công lập được giao nhiệm vụ quản lý nhóm trẻ gia đình nhưng cũng chỉ kiêm nhiệm, không có chế độ phụ cấp gì nên không hiệu quả. Mặt khác loại hình nhóm trẻ gia đình đang phát triển rất mạnh và chiếm đại đa số trong loại hình trường MN ngoài công lập. Ông Xứng nếu ví dụ: Trường MN Rạng Đông được giao nhiệm vụ bất khả thi là quản lý đến 31 nhóm trẻ gia đình. Hầu như nhóm trẻ gia đình đều không đáp ứng các tiêu chuẩn qui định. Do nhận thức của người mở nhóm trẻ gia đình nên phần lớn chỉ chú trọng giữ trẻ chứ không dạy trẻ. Do đó các em gửi ở đây không đủ điều kiện để vào lớp 1 như các em gửi ở trường công lập.

Cử tri Huỳnh Sự của quận Liên Chiểu cho biết: Chính quyền phường cấp giấy phép để mở nhóm trẻ gia đình nhưng không kiểm tra, không giám sát. Thậm chí cấp phép mà không cần ý kiến của Phòng Giáo dục-Đào tạo quận.

Nhiều ý kiến khác phản ánh về bất cập ở bậc học này. Qui định 1 cô giáo chăm sóc 8 cháu nhưng qui định thu học phí chỉ có 40 ngàn đồng/tháng/cháu. Có nơi như ở phường Hòa Hiệp Nam, Hòa Hiệp Bắc chỉ cho phép thu 15 ngàn đồng vậy làm sao trả đủ lương cho giáo viên. Hầu hết các trường MN công lập nói chung đều tăng số lượng học sinh mới đủ để trả lương. Giáo viên MN thực tế làm việc trên 10 tiếng mỗi ngày nhưng thực tế chỉ được trả lương 8 tiếng. Nhiều năm nay thành phố không cho chỉ tiêu tuyển biên chế giáo viên MN công lập trong khi một số giáo viên lớn tuổi nghỉ hưu ngày càng nhiều. Các trường MN công lập muốn bổ nhiệm cán bộ quản lý nhưng không được vì giáo viên không trong diện biên chế. Một số cử tri phản ánh chủ trương của Nhà nước khuyến khích xã hội hóa giáo dục nhưng thực tế không thể tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi. Trong khi đó một số địa phương như ở Hải Châu, Thanh Khê đã đánh thuế các trường MN tư thục với các mức không thống nhất.

Tin và ảnh: S.Trung

;
.
.
.
.
.