.

Thắt chặt thêm ý Đảng - lòng dân

Sau gần hai năm thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, thôn Phong Nam xã Hòa Châu (huyện Hòa Vang) có sự chuyển biến rõ nét trên tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội. Theo ông Ngô Văn Nghĩa, Bí thư chi bộ thôn, sự khởi sắc ấy là nhờ dân tin Đảng và Đảng nỗ lực vì dân.

Nền tảng đồng thuận ấy xuất phát từ việc chi bộ có nhiều chủ trương phù hợp tâm tư nguyện vọng của nhân dân. Trong năm 2008, hiệu quả 4 chuyên đề quan trọng của chi bộ đã thắt chặt thêm ý Đảng và lòng dân. “Trong nhiều năm trước đây, thôn chúng tôi rộ lên các vụ trộm cắp gây hoang mang cho người dân. Vì vậy, để yên dân, chi bộ chú trọng công tác bảo đảm an sinh xã hội, giữ vững trật tự trị an, tập trung phối hợp ra quân trấn áp các loại tội phạm”, ông Nghĩa nhấn mạnh.

Từ quyết tâm này, chi bộ thôn phân công lực lượng dân quân, dân phòng, công an viên cùng các tổ chức Mặt trận, đoàn thể của thôn rà soát danh sách các thanh-thiếu niên địa phương chơi bời, lêu lổng hoặc có tiền án, tiền sự để có biện pháp giáo dục, vận động. Ngoài ra, thường xuyên tuần tra, theo dõi các đối tượng vãng lai có biểu hiện nghi vấn. Nhờ đó, thôn kịp thời phát hiện và bắt quả tang 3 vụ trộm cắp, thu hồi 1 chiếc mô-tô và nhiều tài sản có giá trị trả lại cho người bị ­­­hại.

Một yếu tố ảnh hưởng không nhỏ đến công tác bảo đảm TTATXH của thôn, đó là hệ thống điện chiếu sáng. Thôn Phong Nam vốn được xem là nét đẹp vùng quê hiếm hoi còn lại của thành phố Đà Nẵng. Những rặng tre uốn cong ôm gọn tuyến đường dân sinh vào lòng tạo cảm giác yên ả, thanh bình của làng quê xưa.

Tuy nhiên, do thôn có nhiều đường kiệt, hẻm quanh co, và những rặng tre này đã che khuất ánh sáng vào ban đêm nên thường xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông và là điều kiện thích hợp để đối tượng xấu thực hiện các hành vi phạm pháp. Từ thực tế trên, chi bộ chỉ đạo chi đoàn thanh niên tổ chức các hoạt động văn hóa-văn nghệ gây quỹ, đồng thời vận động các gia đình đóng góp xây dựng, lắp đặt hệ thống điện chiếu sáng. Hiện nay, toàn thôn có 35 kiệt, hẻm đã có điện chiếu sáng.

Trật tự trị an bảo đảm, chi bộ tiếp tục xây dựng chuyên đề bàn giải pháp phát triển kinh tế, trong đó xác định làm đường giao thông nông thôn là “cột sống” cho kinh tế nông nghiệp đi lên. Sau khi thống kê diện tích đất ruộng ven tuyến đường từ vườn Huề đến Tây An, chi bộ cùng Ban nhân dân thôn tổ chức họp dân và triển khai chủ trương làm đường bê-tông với mức đóng góp 30kg lúa/sào/năm (thu trong hai vụ), UBND huyện hỗ trợ xi-măng, HTX nông nghiệp 1 Hòa Châu hỗ trợ cát, sạn thì người dân đều đồng tình. Bởi những năm trước đây, khi vào mùa mưa tuyến đường này đầy bùn đất, trơn trượt gây khó khăn trong việc đi lại, nhất là vận chuyển phân bón, lúa thu hoạch…
 
Sau gần 3 tháng thi công, tuyến đường bê-tông dài 600m, bề ngang 2,5m chạy dài thẳng tắp làm ai cũng phấn khởi. Lý giải về những thành công trên, ông Nghĩa đúc kết: “Khi ý Đảng và lòng dân hòa quyện sẽ tạo “cú huých” xây dựng xã hội văn minh, hạnh phúc”.

Hạ Sơn

;
.
.
.
.
.