.

Thế giới trìu mến gọi tên Người...

Bác Hồ kính yêu không những để lại trong lòng mỗi một con dân đất Việt những tình cảm, những tên gọi trìu mến, trân trọng, tràn đầy tình yêu thương mà chính cuộc đời hoạt động cách mạng phong phú, nhân cách đáng quý trọng của Người đã có ảnh hưởng sâu sắc đến đông đảo các tầng lớp nhân dân lao động, bạn bè, đồng chí, các nhà văn hóa, nhà văn, nhà thơ... trên khắp thế giới. Và xin hãy lắng nghe họ gọi tên Người, họ nói về Người bằng tất cả tấm lòng kính yêu, chân thành như thế nào.

Nhà thơ Campuchia Nhiên Vi Chất tự đáy lòng mình đã từng thốt lên: “Nhân dân Campuchia từ làng đồng bằng đến bản núi non/ Cũng gọi Người bằng cái tên trìu mến: /Bác Hồ của chúng con...”. Nhà báo Pet-ghi Đap-phơ của Báo Diễn đàn nước Anh, sau khi nghe tin Bác Hồ từ trần, ông đã viết một bài báo dài ngợi ca công đức Chủ tịch Hồ Chí Minh, bài đăng trên Báo Diễn đàn ngày 12-9-1969, trong đó ông đã gọi Người là: “Hồ Chí Minh, một người vừa là G.Oasinhtơn, vừa là A.Linhcôn của đất nước mình”.

Báo chí phương Tây lúc bấy giờ cũng ít khi đề cập một cách có thiện ý với những người cộng sản, nhưng khi Bác mất, nhiều báo đã đồng loạt lên tiếng ngợi ca. Báo Thế giới hằng ngày của Mỹ ra ngày 5-9-1969 viết: “Cụ Hồ Chí Minh, một người cộng sản chân chính”. Rồi thì: “Hồ Chí Minh, người đem lại ánh sáng” (Báo Nhân đạo, Pháp, 21-9-1969), “Người cách mạng cộng sản vĩ đại, nhà lý luận vĩ đại” (Báo Sao Mai, Anh, ngày 5-9-1969). Và nhà báo Anh Eeoan Máccơn thì lại gọi Người bằng cái tên: “Hồ Chí Minh - Ông già thuyền trưởng”.

Nguyên Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Mỹ, ông Gớt Hôn trong một bài nói chuyện với nhân dân Mỹ thì tôn vinh Người là: “Một lãnh tụ ở bước ngoặt lịch sử”. Nhà báo người Mỹ Pitơ Xigơ lại không ngần ngại gọi: “Bác Hồ, người thầy của chúng ta”. Đặc biệt, sau ngày Bác mất, một phong trào ủng hộ cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam chống đế quốc Mỹ xâm lược đã được phát động ở khắp nơi trên thế giới. Ở Angiêri, nhân dân giăng đầy những biểu ngữ với dòng chữ:
 
“Hồ Chí Minh - Hiện thân ý chí bất khuất của cả dân tộc”, “Hồ Chí Minh! Tên Người đồng nghĩa với danh từ chống chủ nghĩa đế quốc”. Ở Hy Lạp thì nêu tên gọi: “Hồ Chí Minh, người tượng trưng cho tự do”. Nguyên Tổng Bí thư Đảng Cộng sản U-ru-goay Arixmenđi cũng có bài đăng trên tạp chí Êxtuđiôt, trong đó có đoạn gọi tên Bác kính yêu của chúng ta là: “Ngôi sao trên bầu trời của Cách mạng xã hội chủ nghĩa, của các dân tộc thuộc địa và phụ thuộc”.

Điện văn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Nhật Bản gửi Ban Chấp hành Trung ương Đảng ta thì khẳng định Bác Hồ là “người chiến sĩ lỗi lạc của phong trào cộng sản quốc tế”. Và ông Miyamôtô, nguyên Tổng Bí thư Đảng CS Nhật Bản có bài viết dài đăng trên báo Acahata, ngày 10-9-1969, một lần nữa nhấn mạnh:
 
“Đồng chí Hồ Chí Minh không những là nhà lãnh tụ lỗi lạc của nhân dân Việt Nam mà còn là một chiến sĩ lỗi lạc, một nhà hoạt động tài năng của phong trào cộng sản quốc tế”. Trước đó, ngày 5-9-1969, báo Asahi,  Nhật Bản cũng lên tiếng: “Cụ Hồ Chí Minh là sự kết hợp phong trào độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội”. Tuần báo Ánh điện của Ấn Độ thì gọi Người là “Nhân vật lỗi lạc nhất trong lịch sử Nam Á, Cụ nổi bật lên như ngọn núi cao chót vót”...

Vâng, đối với nhân dân Việt Nam và nhân dân yêu chuộng hòa bình, tự do, công lý trên toàn thế giới thì Hồ Chí Minh, tên Người mãi mãi “là cả một niềm thơ” như cách gọi trìu mến của nhà thơ Cu Ba Phêlich Pita Rôđơrighêt...

NGUYỄN VIẾT CHÍNH

Tài liệu tham khảo; Một giờ với đồng chí Hồ Chí Minh (NXB Thanh Niên-1975); Tạp chí Tuyên truyền của Ban Tư tưởng-Văn hóa Trung ương, 1990, số Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Bác.

;
.
.
.
.
.