(ĐNĐT) Triển khai đeo khẩu trang cho cán bộ làm việc tại bộ phận tiếp xúc trực tiếp với hành khách tại sân bay Quốc tế Đà Nẵng
Thịt lợn và các sản phẩm từ thịt lợn đã được xử lý theo quy định vệ sinh của Tổ chức Y tế thế giới, Uỷ ban dinh dưỡng Codex và Tổ chức sức khoẻ động vật thế giới không phải là nguồn gây bệnh cúm A / H1N1 như mọi người vẫn lo lắng.
Thịt lợn không phải là nguồn gây dịch cúm A/H1N1
Người tiêu dùng ít nhiều đang "né" món thịt heo khi dịch cúm đang lây lan nhanh chóng ở nước ngoài. Ảnh VD |
Tính đến ngày 1-5, theo báo cáo của WHO đã có 13 nước chính thức thông báo ghi nhận 257 trường hợp dương tính với cúm lợn A (H1N1). Tại Mỹ 109 trường hợp mắc, trong đó 1 trường hợp đã tử vong. Tại châu Á, ngày 1-5, lãnh đạo Hồng Kông (Trung Quốc) chính thức xác nhận một ca nhiễm cúm A/H1N1 đầu tiên. Đó là một du khách quá cảnh ở Mexico trên đường bay đến Thượng Hải.
Tăng cường giám sát trong cơ quan, xí nghiệp và trường học
Một chuyến bay Quốc tế hạ cánh xuống sân bay Quốc tế Đà Nẵng. Ảnh VD |
Các nhà khoa học đang tập trung mọi nỗ lực nhằm tạo ra thuốc chủng ngừa chống lại loại virut mới này, nhưng chính họ cũng thừa nhận phải cần từ 4 đến 6 tháng mới có thể chế tạo được vacxin. Điều đáng lưu ý là loại thuốc chủng ngừa loại cúm theo mùa có sẵn đang được sản xuất cho mùa cúm sắp tới không có hiệu quả đối với cúm A/H1N1. |
Theo tiến sĩ Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, vấn đề cấp bách hiện nay là cần tăng cường giám sát dịch cúm trong cộng đồng, đặc biệt tại trường học, cơ quan xí nghiệp. Theo ông Hiển, kinh nghiệm tại nước ngoài vừa qua cho thấy, có trường học hơn 2.000 học sinh đã phát hiện 200 ca dương tính cúm A/H1N1. Các trường hợp mắc cúm này có biểu hiện như cúm thông thường, vì vậy giám sát trong cộng đồng là kênh quan trọng giúp phát hiện sớm dịch cúm A H1N1.
Theo thông tin từ Trung tâm kiểm dịch Y tế quốc tế thành phố Đà Nẵng cho biết, chiều ngày 1-5 Trung tâm tiếp tục tiến hành giám sát hành khách từ nước ngoài đến sân bay Quốc tế Đà Nẵng thông qua máy đo thân nhiệt tự động. Tuy vậy, tất cả hành khách đều có sức khoẻ tốt, không có hiện tượng khả nghi. Trong khi đó, một nhân viên làm việc tại sân bay Quốc tế Đà Nẵng cho biết, mặc dù chưa được Bộ Y tế bổ sung loại khẩu trang chuyên chuyên dụng chống nhiễm khuẩn đường hô hấp (loại N95) nhưng kể từ hôm nay 2-5, các lực lượng làm việc trực tiếp với hành khách nước ngoài khi xuống sân bay Đà Nẵng đều được trang bị khẩu trang trong khi làm việc. |
Việt Dũng (Tổng hợp)