“Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo”, đó là cuộc vận động luôn gắn kết với “Cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” được các tổ chức, cá nhân, đơn vị ở thành phố Đà Nẵng hưởng ứng mạnh mẽ trong thời gian qua với nhiều nghĩa cử cảm động, thấm đượm tình người.
Người người, nhà nhà làm việc thiện
Hỗ trợ cho những gia đình có người khuyết tật là việc làm thường xuyên ở quận Hải Châu. |
Riêng đối với những doanh nghiệp, mặc dù bị ảnh hưởng không nhỏ của suy giảm kinh tế toàn cầu, nhưng công tác đền ơn đáp nghĩa, từ thiện luôn được nhiều doanh nghiệp thường xuyên thực hiện. Đảng ủy khối Doanh nghiệp thành phố, từ đầu năm đến nay đã đăng ký hỗ trợ cho 127 địa chỉ khó khăn với nguồn kinh phí lên đến 422 triệu đồng.
Trong đó, Công ty Điện lực 3 đã hỗ trợ cho 34 đối tượng khó khăn, Công ty Thép ngoài việc hỗ trợ cho các trẻ em mồ côi, khó khăn không nơi nương tựa còn tham gia xây dựng 20 ngôi nhà tình nghĩa, giúp các gia đình khó khăn ổn định chỗ ở lâu dài. Ở quận Liên Chiểu, nhiều năm nay, công tác vận động đóng góp xây dựng nhà tình thương cho người nghèo, hỗ trợ gạo cho gia đình khó khăn luôn được hội viên Hội Chữ thập đỏ, đoàn viên thanh niên và các cơ quan đoàn thể, các cá nhân, doanh nghiệp tư nhân cùng tham gia hưởng ứng cuộc vận động.
Ông Ngô Văn Những, Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ quận Liên Chiểu cho biết, theo biên bản ký kết, trong giai đoạn 2008-2010, toàn quận vận động gần 150 triệu đồng cho các địa chỉ nhân đạo, nhưng mới đến cuối tháng 4-2009, các tổ chức, cá nhân hảo tâm đã ủng hộ 228 triệu đồng để giúp đỡ người khó khăn. Tấm lòng nhân ái này sẽ góp phần giảm bớt khó khăn, giúp nhiều gia đình vượt qua những nỗi đau về bệnh tật, trẻ em nghèo được đến trường. Ở huyện Hòa Vang, hiện có 31 trường hợp khó khăn được một nhóm bà con Việt kiều định cư tại Mỹ cam kết hỗ trợ một tháng 30 kg gạo/người cho đến suốt đời.
Xin hãy cởi tấm lòng
Cuộc vận động “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân là một địa chỉ nhân đạo” được triển khai theo phương châm: tổ chức, cá nhân hỗ trợ cụ thể; đối tượng cụ thể; trợ giúp theo hướng phát triển bền vững. Phương pháp trợ giúp theo nhiều cách, giúp về vật chất, vốn sản xuất, ngày công lao động, hỗ trợ chữa trị, phục hồi chức năng, nâng cao sức khỏe.
Tổ chức các hoạt động tư vấn tâm lý, tinh thần; trợ giúp pháp lý đối với các đối tượng nghiện ma túy, những người nhiễm HIV và giảm thiểu kỳ thị, phân biệt đối xử trong gia đình. Tổ chức các hoạt động khám chữa bệnh nhân đạo, bếp ăn tình thương, phổ biến nhân dân phòng ngừa, ứng phó thảm họa thiên tai, lũ lụt, phòng chống tai nạn thương tích, phòng chống các dịch bệnh... cũng là việc làm rất thiết thực.
Nhân cuộc vận động này, thiết nghĩ các cấp, các ngành đã và đang làm tốt công tác từ thiện, hãy tiếp tục phát huy trách nhiệm, tổ chức tốt hơn nữa các hoạt động chia sẻ để người nghèo vươn lên trong cuộc sống. Mỗi cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể, đơn vị xác định nhiệm vụ cụ thể, ủng hộ chủ trương và chỉ đạo tại địa phương, đơn vị mình.
Việc triển khai cần vận dụng sáng tạo, linh hoạt và chủ động thực hiện theo đặc thù của từng ngành, từng địa phương, đơn vị. Tổ chức tuyên truyền cho cán bộ và nhân dân nhận thức đúng mục đích ý nghĩa của cuộc vận động; đồng thời tổ chức việc huy động nguồn lực xây dựng quỹ nhân đạo theo ngành, đoàn thể, đơn vị.
Bên cạnh đó, việc tổ chức triển khai ở mỗi cơ quan, đơn vị, trường học từ công tác tìm kiếm các địa chỉ cần giúp, lựa chọn giới thiệu các đơn vị, cá nhân đến việc giúp đỡ, hỗ trợ đều phải cụ thể thì mới hiệu quả và bảo đảm đúng đối tượng được giúp để phát triển bền vững, thiết thực.
Bài và ảnh: DIỆU MINH