Đà Nẵng là một trong 10 địa phương triển khai thí điểm không tổ chức HĐND cấp quận, huyện, phường. Và để thực hiện chủ trương này, một loạt cán bộ lãnh đạo cấp quận, huyện, phường đã được bổ nhiệm mới hoặc tái bổ nhiệm. Đây chính là những người sẽ tiên phong đi đầu trong việc thực hiện cuộc cải cách lớn của Đảng, Nhà nước nhằm tinh gọn bộ máy hành chính, nâng cao hiệu quả hoạt động của các cấp chính quyền.
Theo các Quyết định công bố trong tháng 4 vừa qua, có 6/8 Chủ tịch UBND quận, huyện được tái bổ nhiệm và 2 vị trí bổ nhiệm mới. Đối với những Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Ủy viên UBND quận, huyện đã đảm đương chức danh này thì việc thực thi trách nhiệm, nhiệm vụ trong thời gian đến sẽ thuận lợi hơn.
Tuy nhiên, Nghị quyết số 725/2009/UBTVQH12 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc “Điều chỉnh nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và quy định nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của Ủy ban Nhân dân huyện, quận, phường nơi không tổ chức Hội đồng Nhân dân huyện, quận, phường” đã quy định thêm một số nhiệm vụ mới của UBND quận, huyện, phường. Do đó, trách nhiệm của những cán bộ lãnh đạo tái bổ nhiệm lại hoặc bổ nhiệm mới sẽ bao gồm thêm một số phần việc quan trọng ở địa phương mà trước đây thuộc thẩm quyền của HĐND quận, huyện, phường.
Có thể nhận thấy, vị trí, vai trò của những cán bộ lãnh đạo UBND quận, huyện, phường đã được nâng lên nhưng trách nhiệm cũng nặng nề hơn. Với những thay đổi hiện nay, nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, nguyên tắc tập trung dân chủ càng được đề cao. Trách nhiệm và phạm vi quyết định của Chủ tịch UBND quận mở rộng thêm nhưng không phải vì vậy mà trở nên độc đoán, chuyên quyền. Ngược lại, cần thiết phải dựa trên nguyên tắc tôn trọng ý kiến của tập thể để quyết định bất cứ công việc gì liên quan đến sự phát triển của địa phương.
Điều này càng được nhấn mạnh hơn trong những trường hợp thí điểm mô hình nhất thể hóa bí thư kiêm chủ tịch UBND một số phường trên địa bàn thành phố. Quyền hạn và trách nhiệm lớn hơn, nếu không thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ sẽ dễ mắc sai lầm. Ngoài ý kiến tập thể lãnh đạo, thì hệ thống giám sát của Mặt trận, các tổ chức quần chúng cũng có tác động tích cực trong việc điều chỉnh và phát hiện kịp thời những sai sót (nếu có) của đội ngũ cán bộ lãnh đạo UBND quận, huyện, phường.
Có thể khẳng định, những cán bộ được bổ nhiệm lần này chính là những người tiên phong trong công cuộc cải cách của Đảng, Nhà nước. Chính vì thế, điều thuận lợi là họ nhận được sự ủng hộ của Đảng, chính quyền và có cơ hội để thể hiện năng lực, trình độ của mình. Tuy nhiên, khó khăn và thách thức trước mắt lại rất nhiều. Hàng loạt các thay đổi về nhân sự, về tổ chức hành chính sau khi không tổ chức HĐND quận, huyện, phường sẽ tạo nên sự lúng túng ban đầu cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo UBND các quận, huyện, phường.
Chủ trương của UBND thành phố hiện nay là yêu cầu bộ máy chính quyền vừa được bổ nhiệm ở các địa phương phải thường xuyên báo cáo quá trình triển khai thực hiện các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội… Nếu xét thấy có vướng mắc, có những cái mới nảy sinh thì nhanh chóng phản ánh để UBND cấp trên xem xét, xử lý.
Là những người đi trước nên khó khăn, trở ngại là điều không tránh khỏi. Điều quan trọng là đội ngũ cán bộ lãnh đạo UBND quận, huyện, phường hiện nay cần quyết tâm, tự khẳng định chính mình bằng năng lực và trình độ chuyên môn, tập trung hoàn thành các nhiệm vụ kinh tế-xã hội đã đề ra trong năm 2009 và thực hiện hiệu quả việc thí điểm không tổ chức HĐND quận, huyện, phường ở Đà Nẵng. Làm được điều đó, đội ngũ cán bộ lãnh đạo UBND các quận, huyện, phường sẽ góp phần đưa Đà Nẵng trở thành thành phố đi đầu trong công cuộc cải cách của Đảng và Nhà nước thời kỳ đổi mới.
Hà An
.
.
Trách nhiệm của những người tiên phong
Thứ Hai, 11/05/2009, 11:22 [GMT+7]
.
;
.
.
Các tin khác
.
.
.