Có lẽ chưa chuyến đi nào khiến tôi háo hức và chờ đợi như chuyến đi thực tế trên con đường Hồ Chí Minh lịch sử. Những cây bút trẻ trong làng báo như chúng tôi còn quá nhiều những lỗ hổng về vốn sống và sự trải nghiệm. Đi để hiểu mình có đủ sự nhanh nhạy và cảm xúc để viết về những nơi mình đặt chân đến, những con người mình đã gặp? Để cảm nhận hết sức trẻ và lòng quyết tâm của thế hệ cha ông đã ngã xuống cho nền độc lập này. Và hơn lúc nào hết, một người đã từng theo học khoa sử như tôi cũng rất cần có những chuyến về nguồn, tìm lại những giá trị lịch sử bị lãng quên trong cuộc sống hiện tại.
Để đến cột mốc T2 Biên giới Việt-Lào, đoàn đã vượt qua 12km đường Trường Sơn Đông còn lại nguyên vẹn sau chiến tranh. |
Hình dung không khí những người thanh niên xung phong nhộn nhịp mở đường “để xe tiến tới”. Rực lên trong những mắt lá là màu hoa đỏ, như điểm tô cho máu và ngọn lửa kiêu hùng của người chiến sĩ. Vang vang đâu đó bài hát Màu hoa đỏ của nhạc sĩ Thuận Yến “Có người lính mùa thu ấy ra đi từ mái tranh nghèo. Có người lính mùa xuân ấy ra đi từ đó không về…Việt Nam ơi, Việt Nam, ngọn núi nơi anh ngã xuống, rực cháy lên màu hoa đỏ phía trời xa”.
Có lẽ điều thú vị nhất của chuyến đi dọc Trường Sơn là được mình tự kiểm nghiệm và khám phá những điều lịch sử để lại. Tối ngồi lại bên nhau trong nhà Gươl, mới thấy hết được tấm lòng của người dân miền núi. Trong hơi men của rượu Ba kích, đặc sản của vùng Tây Giang, chợt thấy tình người thật ấm áp, những mẩu chuyện về Trường Sơn dường sống lại qua từng câu chuyện của người trong cuộc.
Tờ mờ sáng hôm sau, ngồi trên xe U-oat để đi 12km đường Trường Sơn Đông qua địa phận xã A Xoò, huyện Tây Giang mới có dịp kiểm chứng tài lái xe của người lính Trường Sơn. Nhìn những động tác mạnh mẽ, dứt khoát của anh lính trẻ Nguyễn Tấn Vương, cảm giác lúc đó của tôi là “ruột gan lộn tùng phèo”, tay cứ bám chặt vào thành xe để khỏi bị ngả nghiêng, vừa sợ, vừa thú vị và cảm nhận được phần nào những thử thách mà người lính lái xe Trường Sơn đã trải qua trong suốt cuộc chiến tranh vĩ đại của dân tộc.
Cuộc hành trình đưa tôi đến với cột mốc T2-Biên giới Việt-Lào; Nghĩa trang Trường Sơn; cầu Đakrông đi qua Đông Trường Sơn; từ Đakrông đến A Lưới (Thừa Thiên-Huế), đoạn đường này đã được bộ đội Trường Sơn xây dựng theo tiêu chuẩn cấp 4 láng nhựa năm 1973-1974 và được công nhận là di tích lịch sử Quốc gia. Cuối cuộc hành trình là Hang 8 cô (Quảng Bình), nơi hy sinh anh dũng của 8 cô gái thanh niên xung phong đang làm nhiệm vụ.
Đây được xem là đoạn đường nguy hiểm nhất của tuyến đường Hồ Chí Minh nối từ Bắc vào Nam, ghi dấu bàn chân của người lính Trường Sơn, nơi để lại vô vàn kỷ niệm cho những ai đã sống và chiến đấu trên dọc tuyến đường này. Trái tim tuổi trẻ chợt bừng lên sức sống mãnh liệt, điều mà khi còn ngồi trên ghế nhà trường, khó có thể cảm nhận được.
Trở về sau cuộc hành trình, tôi nhớ mãi tới những lời nhắn nhủ của vị tướng già Đồng Sỹ Nguyên, nguyên Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn, Tư lệnh Đoàn 559: “Trong chiến tranh, tuổi trẻ phải tập trung ở chiến trường; trong thời bình, tuổi trẻ cần tập trung vào tri thức, đó là con đường ngắn nhất đưa đất nước thoát khỏi đói nghèo”. Vị tướng còn trăn trở: “Đất nước chỉ có một con đường độc đạo xuyên Bắc Nam. Trong chiến tranh, nước ta đã phải trả giá xương máu, chết chóc quá nhiều để mở một con đường mới. Những xương máu, công sức ấy không thể phí phạm, cần được phát huy thật đúng mực, tận dụng nó làm con đường phát triển đất nước, phát triển kinh tế vùng núi và cũng là để bảo vệ an ninh, quốc phòng đất nước...”(*).
Sinh sau 10 năm ngày đất nước thống nhất, lần đầu tiên được đi xuyên suốt trên đường Hồ Chí Minh qua 4 tỉnh, thành trong những ngày tháng 5 đã mang lại cho tôi thật nhiều cảm xúc, thêm mến yêu những con người đã ngã xuống để chúng tôi có được cuộc sống yên bình, cho màu xanh cây trái cứ hiền lành tỏa bóng mát cho người, cho đời.
TIỂU YẾN
(*) Bộ phim dài 5 tập “Tướng Đồng Sỹ Nguyên với Trường Sơn huyền thoại”, Đài Truyền hình TP. Hồ Chí Minh khởi chiếu trên HTV9 vào lúc 17 giờ 25, từ ngày 15-5.