.

Triển khai thực hiện các Kết luận số 43 và 44 của Bộ Chính trị

Ban Thường vụ Thành ủy vừa có Công văn số 1216/CV-TU chỉ đạo thực hiện Kết luận số 43/KL-TW của Bộ Chính trị về 3 năm thực hiện Nghị quyết số 46/NQ-TW ngày 23-2-2005 của Bộ Chính trị (khóa IX) về “Công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân trong tình hình mới” và 5 năm thực hiện Chỉ thị số 06/CT-TW ngày 22-1-2002 của Ban Bí thư (khóa IX) về “Củng cố và hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở”.

Theo đó, yêu cầu các cấp ủy Đảng, chính quyền, sở, ban, ngành, MTTQ và các đoàn thể chính trị-xã hội thành phố tiếp tục nghiên cứu, quán triệt, tổ chức thực hiện tích cực đầy đủ 5 quan điểm của Đảng về công tác y tế, các mục tiêu và 7 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đã đề ra trong Nghị quyết 46/NQ-TW, Chỉ thị 06/CT-TW, các nội dung trong Chương trình hành động số 24/CTr-TU, Công văn số 290/CV-TU của Ban Thường vụ Thành ủy và nhất là các nhiệm vụ trọng tâm mà Bộ Chính trị đã nêu trong Kết luận số 43/KL-TW; tổ chức sắp xếp hệ thống y tế công, đặc biệt là y tế cơ sở, tạo ra mô hình hợp lý, ổn định để quản lý theo ngành đối với y tế địa phương.
 
Đổi mới cơ chế hoạt động, quản lý về tài chính, nhân lực của các cơ sở y tế công, từng bước áp dụng các công nghệ hiện đại để nâng cao chất lượng và bảo đảm công bằng trong chăm sóc sức khỏe nhân dân; vận dụng thí điểm mô hình y tế cơ sở theo Thông tư Liên tịch số 03/2008/TTLT-BYT-BNV ngày 25-4-2008 của Liên bộ Nội vụ và Y tế. Tạo mọi điều kiện nhằm khuyến khích phát triển và mở rộng các cơ sở y tế tư nhân; tích cực chỉ đạo và thực hiện nghiêm các chính sách đối với người nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi, người già, đồng bào dân tộc thiểu số và các đối tượng chính sách xã hội.

Vận động, hỗ trợ người cận nghèo mua thẻ bảo hiểm y tế, quan tâm sức khỏe người lao động, đặc biệt là công nhân các khu công nghiệp, y tế trường học; tăng cường hiệu quả, kỷ cương trong quản lý Nhà nước về y tế, cải cách mạnh mẽ thủ tục khám-chữa bệnh nhằm giảm phiền hà cho nhân dân, tăng cường quản lý Nhà nước đối với bảo hiểm y tế, tổ chức thực hiện quy định của pháp luật về giá thuốc, quản lý hành nghề y dược tư nhân, quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm, nâng cao y đức và trách nhiệm của cán bộ y tế, xử lý nghiêm vi phạm về y tế.
 
Đẩy nhanh tiến độ thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân, từng bước tiến đến bảo hiểm y tế bắt buộc toàn dân, nâng cao chất lượng và hiệu quả khám chữa bệnh bảo hiểm y tế. Tăng cường phối hợp giữa các ban, ngành, đoàn thể trong công tác thông tin, giáo dục, truyền thông và triển khai đồng bộ các giải pháp để nâng cao sự thay đổi hành vi chăm sóc sức khỏe, chính sách pháp luật, các chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Ban Thường vụ Thành ủy cũng vừa có Công văn số 1214/CV-TU chỉ đạo triển khai thực hiện Kết luận số 44/KL-TW của Bộ Chính trị về kết quả 3 năm thực hiện Nghị quyết số 47/NQ-TW ngày 22-3-2005 của Bộ Chính trị (khóa IX) về “Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chính sách dân số-kế hoạch hóa gia đình” (DS-KHHGĐ).

Theo đó, yêu cầu các cấp ủy Đảng, chính quyền, sở, ban, ngành, MTTQ và các đoàn thể chính trị-xã hội thành phố tăng cường chỉ đạo thường xuyên hơn nữa công tác DS-KHHGĐ. Tiếp tục đẩy mạnh, quán triệt và tổ chức thực hiện đầy đủ các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp mà Nghị quyết 47/NQ-TW, Chỉ thị 23/CT-TU đã đề ra, đặc biệt là các nhiệm vụ trọng tâm mà Bộ Chính trị đã nêu trong Kết luận số 44/KL-TW; kiên trì chỉ đạo, thực hiện mục tiêu gia đình ít con, mỗi cặp vợ chồng chỉ có 1 hoặc 2 con để duy trì vững chắc thay thế và quy mô dân số thành phố.

Tiếp tục thực hiện tốt các mục tiêu đề ra trong chiến lược dân số thành phố, giảm tỷ lệ sinh con thứ 3. Có chính sách và biện pháp cụ thể để ổn định mức sinh, bảo đảm sự bền vững của chính sách dân số thành phố; xây dựng và tổ chức thực hiện chiến lược tổng thể nâng cao chất lượng dân số về thể chất, trí tuệ, tinh thần, từng bước nâng cao chỉ số phát triển người dân thành phố, nâng cao trình độ dân trí, trình độ nghề nghiệp chuyên môn.
 
Phát huy tiềm năng, tính năng động và phát triển toàn diện con người trong môi trường gia đình, cộng đồng, an toàn, lành mạnh; chủ động rà soát, giải quyết các nguyên nhân sâu xa làm mất cân bằng giới tính trẻ sơ sinh, xử lý nghiêm các hành vi lựa chọn giới tính thai nhi; nhanh chóng kiện toàn tổ chức bộ máy, cán bộ làm công tác DS-KHHGĐ từ thành phố đến cơ sở theo hướng chuyên sâu, ổn định lâu dài.

NGỌC ĐOAN

;
.
.
.
.
.