.

Trước mùa thi...

.

Đua nhau tìm lò luyện thi

Càng gần đến ngày thi, có nhiều HS vì quá lo lắng, phải học cả ngày lẫn đêm, nhưng cứ vấp phải bài tập mới các em lại không biết vận dụng và tỏ ra lúng túng. Lại có những em học ở nhà thấy không có hiệu quả, nghe bạn bè giới thiệu học thầy này, cô nọ hiểu bài nhanh là cứ thế nộp tiền theo học tại các lò luyện thi.

Đã vào mùa cao điểm các trung tâm luyện thi trong thành phố đua nhau quảng cáo chiêu sinh các lớp luyện thi đại học.

Vậy mới có tình trạng có em chỉ thi 3 môn mà học thêm tới 5-6 thầy cô và là những thầy cô dạy khác trường, khác nhau về cách dạy cũng như trình độ. Buổi sáng các em đã học 4-5 tiết trên lớp, chiều lại “chạy sô” thêm 2-3 ca học thêm thì đâu còn thời gian và sức khỏe để tự học và ôn bài cũ ở nhà? Có em cắp sách ra khỏi nhà từ sáng sớm đến 9 giờ đêm mới về nhà rồi lăn ra ngủ vì quá mệt.

Thời gian gần đây, việc áp dụng hình thức thi trắc nghiệm ở một số môn, điều này cũng tạo cho các thí sinh những khó khăn nhất định. Đó là HS vừa phải học theo cách học thi truyền thống, vừa phải tiếp thu thêm những cách học mới. Do vậy, việc định hướng cách học như thế nào cho có hiệu quả, vừa bảo đảm kiến thức cơ bản, vừa có chiều sâu để HS vận dụng linh hoạt trong quá trình làm bài là điều nhiều thí sinh và các bậc phụ huynh quan tâm.
 
Theo một số thí sinh đi trước, với hình thức ra đề như hiện nay, các thí sinh phải trang bị cho mình một kiến thức tổng quát chứ không thể “học tủ” theo kiểu truyền thống bấy lâu nay. Và điều quan trọng nhất vẫn là tinh thần tự học của thí sinh, vì nếu không chịu khó học thì dẫu thầy có giỏi đến mấy cũng không thể giúp cho thí sinh có được điểm cao. Tự học là cách luyện thi tốt nhất để các em củng cố bài và khắc sâu kiến thức một cách có hiệu quả nhất.

Loạn thuốc “hỗ trợ trí nhớ”...

Một vấn đề cần lưu ý đối với các thí sinh đó là nên thận trọng dùng thuốc khi học thi. Mùa thi, gia đình thí sinh nào cũng mong con em mình giữ được trí nhớ minh mẫn để thu nạp một lượng lớn kiến thức. Theo đó, các phụ huynh lo chăm sóc con mình có sức khỏe, có trí tuệ tốt nhất để vượt “ngọ môn” đang gần kề. Ngoài việc “nhồi” con ăn, nhiều bậc cha mẹ cũng kỳ vọng vào sự “kỳ diệu” của các loại thuốc có tác dụng chống mệt mỏi, buồn ngủ, tăng trí nhớ và “bổ óc” mà không biết hầu hết những dược phẩm này đều gây tác dụng phụ.

Qua tìm hiểu ở một vài hiệu thuốc Tây, chúng tôi thấy hoang mang trước “mê hồn trận” các loại thuốc được giới thiệu là hỗ trợ trí nhớ, làm cho trí óc tỉnh táo, cải thiện tuần hoàn máu... Theo lời giới thiệu của người bán hàng, những loại thuốc này có công năng kỳ diệu, đó là làm giảm mệt mỏi, tăng trí nhớ cho sĩ tử, giúp họ học bài nhanh vào, nhanh nhớ hơn...

Các chuyên gia thần kinh đã từng cảnh báo trước tình trạng nhiều người quan niệm thuốc “tăng trí nhớ” là thuốc bổ, nên tự ý dùng vô tội vạ mà không cần sự tư vấn của bác sĩ. Nhiều bậc phụ huynh khi được “rỉ tai” về loại thuốc tăng trí nhớ đã lao ngay đến hiệu thuốc, và chỉ sau vài lời “tư vấn” qua loa của chủ các hiệu thuốc là mua liền.

Nhưng họ không biết thuốc cũng giống như con dao hai lưỡi. Không có phương thuốc kỳ diệu nào tạo ra trí nhớ hay trí thông minh, mà đã là thuốc dù là thuốc bổ cũng phải được uống theo đơn, bởi các loại thuốc “hỗ trợ trí nhớ” nói trên đều có tác động biến đổi tâm thần, có thể ảnh hưởng tới tư duy, cảm xúc… Do vậy, cần hết sức thận trọng khi dùng thuốc và chỉ dùng thuốc theo đúng đơn kê của bác sĩ chuyên khoa thần kinh. Nếu bản thân thí sinh đã khỏe mạnh và hứng thú học tập thì không cần phải dùng loại thuốc nào mà hiệu quả vẫn cao.

Những loại thuốc được cho là chống mệt mỏi, tăng cường trí nhớ được bày bán tại các quầy thuốc tân dược.

Trí nhớ được quyết định bởi hai yếu tố bẩm sinh và rèn luyện. Việc ghi nhớ kiến thức phải là quá trình tích lũy lâu dài chứ không phải dùng các loại thuốc tâm thần cao cấp hay thuốc bổ trong vài ngày, vài tuần mà có được. Do vậy, để ôn thi hiệu quả, cần có quá trình ôn luyện lâu dài, đừng để “nước đến chân mới nhảy”. Học theo cách nhồi nhét dễ dẫn đến nguy cơ bị stress do tâm lý bất an, sợ học không kịp; tình trạng bị stress sẽ gây giảm trí nhớ.

Trong kỳ ôn thi, các thí sinh nên giữ vệ sinh tâm thần, chú ý ăn uống đủ chất, vì cơ thể và thần kinh là một thể thống nhất. Với phụ huynh, không nên ép con học quá sức, cũng không nên bắt các em ăn quá no, quá nhiều chất bổ, vì như vậy sẽ làm cơ thể mệt mỏi do phải tiêu hóa một lượng thức ăn quá lớn. Điều quan trọng là phụ huynh không nên tạo sức ép đối với con cái để tránh gây tâm trạng lo lắng cho thí sinh vì sự kỳ vọng của cha mẹ. Điều này ảnh hưởng rất xấu đến tâm trí, sự tập trung của thí sinh khi học ôn thi.

QUỐC TÍN

;
.
.
.
.
.