.

WHO nâng mức báo động cúm lợn lên mức 5

♦Bộ Y tế khuyến cáo 4 biện pháp phòng, chống dịch tại cộng đồng

(ĐNĐT) Hãng AFP đưa tin, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vừa nâng mức báo động cúm A/H1N1 từ cấp 4 lên cấp 5 trong tổng số 6 cấp báo động của WHO, tín hiệu cho thấy một đại dịch cúm "sắp xảy ra". Cảnh báo ở mức 5 có nghĩa đã có sự lây truyền từ người sang người ở ít nhất 2 quốc gia. Đây là lần thứ 2 WHO nâng cảnh báo về cúm lợn.

Sáng 30-4, Bộ Y tế cho biết, đến thời điểm này, Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp bệnh nhân nào mắc loại cúm này. Tuy nhiên, Bộ Y tế đã thống nhất nâng cấp độ cảnh báo đại dịch lên cấp độ 4 và ban hành hướng dẫn chuẩn đoán, điều trị và phòng lây nhiễm cúm lợn A (H1N1) ở người.

Phác đồ điều trị cúm lợn A (H1N1) do Hội đồng chuyên môn nghiệm thu gồm có 23 thành viên là các Viện trưởng, Phó Viện trưởng, Trưởng khoa, Phó Giám đốc các bệnh viện ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Chủ tịch Hội đồng là Giáo sư, Tiến sĩ Trần Quỵ, nguyên Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai - Hà Nội.

4 biện pháp phòng, chống dịch cúm lợn ở người được khuyến cáo:

1.Dịch có thể lây lan qua hắt hơi, ho khạc do đó nên có khẩu trang bảo vệ cá nhân;
2.Rửa tay bằng xà phòng, vệ sinh cá nhân, súc miệng bằng nước sát khuẩn;
3.Nếu có triệu chứng ho, sốt cao, đau đầu, mệt mỏi mà đi từ vùng có dịch ở nước ngoài về phải khai báo y tế để cách ly điều trị sớm;
4.Khi có dịch cần hạn chế ngay việc đi lại, hội họp đông người.

Theo hướng dẫn này, các biểu hiện lâm sàng của bệnh như: Sốt trên 38 độ C; triệu chứng hô hấp: viêm long đường hô hấp, đau họng, ho khan hoặc có đờm. Các triệu chứng khác: đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, nôn, tiêu chảy. Nhiều trường hợp có biểu hiện viêm phổi nặng, thậm chí có suy hô hấp cấp và suy đa tạng.

Bệnh nhân mắc bệnh được điều trị thuốc kháng virus Oseltamivir (Tamiflu) hoặc Zanamivir. Trường hợp nặng có thể kết hợp thuốc và thời gian điều trị có thể kéo dài đến 10 ngày.

Bộ Y tế cho biết, hiện nay vẫn chưa có vắc-xin đặc hiệu với virus cúm lợn A (H1N1).

Bộ Y tế khuyến cáo mạnh mẽ người dân thực hiện tốt 4 biện pháp phòng chống dịch tại cộng đồng và cho biết, hiện đang phối hợp chặt chẽ với WHO tại Việt Nam để theo dõi sát tình hình và triển khai các biện pháp phòng chống, không để dịch xâm nhập và lây lan tại Việt Nam.

Tính đến này 29-4-2009, theo báo cáo của WHO, đã có 7 nước chính thức thông báo ghi nhận các trường hợp nhiễm cúm lợn A (H1N1). Tại Mỹ đã phát hiện 64 trường hợp dương tính với cúm lợn A (H1N1); tương tự Canada ghi nhận 6 trường hợp; New Zealand 3 trường hợp; Anh 2 trường hợp; Israel 2 trường hợp; Tây Ban Nha 2 trường hợp. Những trường hợp nhiễm bệnh tại các nước nêu trên đều chưa có ca nào tử vong, trừ Mexico đã có 7 trường hợp tử vong trong số 26 người có kết quả dương tính với cúm lợn (H1N1).

 
Các mức báo động đại dịch của WHO
- Mức 3: Dịch cúm gây ra một vài trường hợp ở người nhưng không có dấu hiệu cho thấy sự lan truyền giữa người với người.
- Mức 4: Xác nhận sự lây lan giữa người với người có khả năng gây nên những đợt bùng phát trong phạm vi cộng đồng. Đây là mức báo động nguy hiểm, tiến gần đến đại dịch.
- Mức 5: Có sự lan truyền giữa người với người ở ít nhất 2 quốc gia. Một dấu hiệu chắc chắn cho đại dịch.
- Mức 6: Virus lan truyền tới một quốc gia ở một vùng khác. Đại dịch trên toàn cầu.
 










S.TRUNG (Theo chinhphu.vn, sggp.org.vn)

;
.
.
.
.
.