.
XÂY DỰNG CHI BỘ SINH VIÊN

Chuyện không dễ!

.

“Trong sinh hoạt chi bộ (CB), nếu có đảng viên (ĐV) là sinh viên (SV) thì có những nội dung khó có thể nói đến tận cùng, vì dẫu sao cũng có những khoảng cách giữa cán bộ, giảng viên và SV, nhất là về những vấn đề liên quan đến chuyên môn. Chẳng lẽ đến những phần này thì bí thư CB lại đề nghị các đồng chí SV về để thầy cô họp?”.

Chi bộ sinh viên Trường Đại học Kinh tế (ĐH Đà Nẵng) tổ chức kết nạp Đảng cho sinh viên ngay tại Chiến dịch Mùa hè xanh.

Đó là một trong những lý do mà ông Lê Tự Tín, cán bộ thường trực Văn phòng Đảng ủy Trường Đại học (ĐH) Sư phạm, ĐH Đà Nẵng trao đổi khi đề cập đến những vướng mắc mà ĐV là SV tham gia sinh hoạt CB với cán bộ, giảng viên trong các trường ĐH hiện nay. Đó là chưa nói, tiếng nói của SV vẫn chưa có được trọng lượng nhất định trong sinh hoạt CB, nhất là về phê bình và tự phê bình.

Thế nhưng, những lý do đó cũng không đủ sức thuyết phục để Đảng bộ ĐH Sư phạm xây dựng CB riêng trong ĐV là SV, mặc dù hiện nay, ở trường này, có đến 40 ĐV là SV, chiếm 1/4 số ĐV trong toàn Đảng bộ, mà phải đưa ĐV về tham gia sinh hoạt ở các CB khoa. Bởi trước đây, từ năm 2005, Đảng bộ này đã thành lập CB SV gồm 30 ĐV, bí thư CB cũng là SV. Thế nhưng, do năng lực và kinh nghiệm còn hạn chế, nên bí thư CB này không thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, khiến hoạt động của CB rất lúng túng.

Việc quản lý ĐV rất lỏng lẻo; tình hình diễn biến tư tưởng trong SV cũng không nắm hết được, nên công tác phát triển Đảng trong SV giai đoạn này gặp rất nhiều khó khăn. “Ngay cả họp Đảng ủy mở rộng mà bí thư CB cũng không biết thời gian. Phân loại ĐV cuối năm thì không thu được bản kiểm điểm và không họp đánh giá được do SV phân tán” - Ông Lê Tự Tín nêu ví dụ. Ngay cả khi đưa Bí thư Đoàn trường về làm Bí thư CB này, tình hình cũng không khả quan.

Vì thế, đến năm 2007, Đảng ủy nhà trường quyết định đưa ĐV là SV về sinh hoạt tại các CB khoa. “Mặc dù có những hạn chế như trên, nhưng SV về tham gia sinh hoạt CB ở các khoa có được thuận lợi là dễ theo dõi, quản lý, đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ của người ĐV. Ở trong môi trường sinh hoạt nghiêm túc đó, họ cũng có nhiều trưởng thành hơn” - Ông Tín nhìn nhận như vậy.

Bên cạnh đó, một vấn đề khác là ĐV SV thường có thời gian sinh hoạt ở tổ chức Đảng trong nhà trường rất ngắn. Ngoài một bộ phận nhỏ ĐV được kết nạp trước khi vào trường, thì hầu hết là ĐV được kết nạp ở những năm cuối khóa học nên chỉ tham gia sinh hoạt Đảng từ 1,5 năm trở lại. Điều này ít nhiều ảnh hưởng đến công tác tổ chức và nền nếp sinh hoạt Đảng, nhất là ở CBSV.Từ những khó khăn của thực tế đó, nên đến nay, trong 66 CB thuộc Đảng bộ ĐH Đà Nẵng, chỉ có duy nhất CB SV của Trường ĐH Kinh tế được thành lập và tồn tại trong 8 năm qua. 

Theo ông Phan Kim Tuấn, Bí thư CB SV đồng thời là Bí thư Đoàn trường, thì bí quyết tồn tại của CB chính là ở chỗ có một mối liên hệ chặt chẽ giữa hệ thống Đảng, Đoàn Thanh niên và SV trong mô hình CB này. ĐV của CB hầu hết là cán bộ Đoàn, nên quán xuyến được hầu như toàn bộ tình hình tư tưởng và theo sát đời sống học tập, sinh hoạt của SV, hiểu được tâm tư, tình cảm của SV; từ đó họ nắm bắt, tham mưu và triển khai thực hiện tốt công tác Đảng về SV.
 
Nội dung sinh hoạt CB vì thế cũng thiết thực, sâu sát và cụ thể hơn, không bị phân tán do “vướng” giữa ĐV là cán bộ, giảng viên với SV. Bên cạnh đó, Đoàn cũng là một trong những kênh quan trọng để theo dõi, đánh giá và quản lý ĐV là SV, do Bí thư CB là Bí thư Đoàn trường, từ đó khắc phục được tình trạng ĐV là SV thường phân tán, nhất là trong giai đoạn triển khai thực hiện đào tạo theo tín chỉ như hiện nay. Đồng thời, qua sinh hoạt CB, những vấn đề của SV được Đoàn tiếp thu nhanh chóng và cụ thể hóa thành phong trào một cách kịp thời và hiệu quả.

Từ thực tế hoạt động, CB SV của Trường ĐH Kinh tế đã phát huy được thuận lợi là gắn liền với đời sống SV để trao đổi thẳng thắn những vấn đề liên quan trong sinh hoạt CB, vì thế việc lãnh đạo cũng sâu sát hơn. Cùng với đó, việc nắm bắt nhanh chóng và sâu sát đời sống SV cũng tạo được thuận lợi lớn trong công tác phát triển Đảng trong SV của CB.

Theo thống kê, hằng năm, CB này kết nạp được 8-10 ĐV mới. Hầu hết các ĐV mới kết nạp đều đạt chất lượng, thể hiện qua sự phấn đấu và trưởng thành của họ trong nhà trường cũng như sau khi tốt nghiệp. Nhiều ĐV trẻ đã được mời ở lại công tác, giảng dạy ngay tại trường trong thời gian qua như: Hoàng Như Việt Anh, Nguyễn Đức Tiến, Nguyễn Thị Minh Tâm, Nguyễn Tri Phương, Nguyễn Anh Tuấn, Thu Hà...

Mặc dù có những thành công ban đầu đó ở CB SV ĐH Kinh tế, nhưng mô hình xây dựng CB SV trong Đảng bộ ĐH Đà Nẵng là vấn đề còn đang gây tranh cãi do nhiều nguyên nhân. Trong khi đó, trên thực tế, ở các trường ĐH trên địa bàn thành phố hiện nay, số lượng ĐV là SV không nhỏ, có nơi có thể thành lập Đảng bộ SV theo Điều lệ Đảng. Thực tế này đòi hỏi cần phải có một hoạt động thảo luận, nghiên cứu về phát triển mô hình này trong thời gian sớm nhất có thể.

Bài và ảnh: NGUYỄN THÀNH

;
.
.
.
.
.