.

Xe ôm và mũ bảo hiểm dỏm...

.

Mặc cho ai lo chất lượng mũ bảo hiểm (MBH), mấy bác xe ôm cứ đội mũ dỏm, rẻ, cũ... mà đề ga phóng tới. Mũ cho mình và cả cho khách đều... dỏm ngang nhau. Ấy vậy mà, trên địa bàn thành phố có đến hàng ngàn bác xe ôm và trung bình mỗi bác chở khoảng 10 khách/ngày. Quả là một vấn đề đáng quan tâm!

Cũ, nứt, bóp kiểu gì cũng cong

Một tài xế xe ôm khoe chiếc mũ màu nâu, có dán chữ Amoro: “Cái ni 10.000 đồng nè. Cần không? Chú chở tới tận chỗ mua luôn”.

Không khó để nhận thấy những chiếc MBH không đúng tiêu chuẩn treo vắt vẻo trên những chiếc xe ôm. Tem nhãn không có, hoặc có nhưng bong tróc, lộ rõ đồ “lô”. Từ khu vực trung tâm đến vùng ven đô thị, người hành nghề xe ôm từ tự do đến hoạt động theo tổ, đội thì những chiếc MBH đang đội và kèm theo xe đối với họ chỉ để qua mặt Cảnh sát giao thông mà thôi, còn chất lượng không cần quan tâm.

Anh T.T.C (47 tuổi), thường đón khách đi xe ôm trước cổng chợ Hàn (phía đường Trần Phú) chỉ vào 2 chiếc MBH của mình, nói: “Mũ mềm, nhẹ, dẻo, bóp kiểu chi cũng được, đã lắm”. Vừa nói, anh vừa nắn chiếc mũ dẹp vào, phình ra. Nhìn chiếc mũ đã bị nứt, chúng tôi tỏ ý lo ngại, anh C. giải thích: “Nhờ rứa mà không bị ăn cắp. Cỡ mũ như tụi em thì rời ra 2 giây, chạy vô chợ là mất liền. Mũ của anh có để đây cả buổi cũng chẳng ai thèm lấy. Lấy về có bán được mô”. Trước cổng chính chợ Hàn có 8 người chạy xe ôm thì cả 8 đều sắm mũ với “chất lượng như nhau”, tức là cũng có độ mềm, dẻo, nhẹ đồng hạng…

Tại chợ Cồn, dù đội xe ôm lên gần 200 người được đưa vào hoạt động có tổ chức hẳn hoi, nhưng quy định nghiêm về việc sử dụng MBH bảo đảm chất lượng thì chưa ai nghĩ tới. Anh L.T.T, đại diện liên tổ xe ôm tự quản ANTT chợ Cồn thừa nhận: “Nhìn chung, các thành viên của đội đều dùng MBH chưa bảo đảm chất lượng. Cách đây khoảng 2 năm, có một tổ chức tài trợ cho gần 60 chiếc mũ tốt, nhưng sau đó hao hụt dần, anh em tự trang bị mũ với chất lượng hợp túi tiền của mỗi người”. Nhiều thành viên trong tổ tự quản số 1 tại chợ Cồn cho biết thêm: Đội mũ cho có thôi, chứ chất lượng ai mà biết.

Mũ mới: 30.000 đồng.
Mũ cũ: 10.000 đồng!

 

Anh ĐOÀN HÙNG điểm ngã tư Lê Duẩn - Trần Phú, 43 tuổi, làm nghề xe ôm 3 năm:

Khách không chịu đội mũ thì không chở

Tôi mua mũ đúng quy định cho cả mình và khách. Tính mạng của người chạy xe và của khách đều quý ngang nhau. Nhiều khi quên mũ ở nhà cũng quay về lấy cho bằng được. Nếu khách không chịu đội mũ thì tôi nhất quyết không chạy. Mỗi cuốc chỉ khoảng 10.000 đồng, nếu có gì không hay xảy ra, mình lãnh đủ.

 
Các bác chạy xe ôm cho hay, tiêu chí chọn MBH của họ là: rẻ chứ không phải chất lượng. Giá “cao tay” cũng không quá 80 nghìn đồng, còn lại, cứ tầm tầm 20, 30 nghìn đồng. Theo họ: “Mấy loại này ở chợ, lề đường bán đầy rẫy.

Hơn nữa, làm nghề chạy xe ôm đâu có giàu sang gì mà mua nổi đồ đắt tiền”. Anh C. nói: “Nuôi vợ với 3 đứa con thì tiền đâu sắm cái mũ cả trăm ngàn cho khách”. Cái mũ bỏ không ai thèm lượm của anh được mua trên đường Triệu Nữ Vương với giá 30.000 đồng. Một bác thuộc tổ tự quản số 1 chợ Cồn, chỉ vào chiếc mũ đang treo trên xe, nói: “Loại này giá 70 nghìn cũng có, 90 nghìn hay 190 nghìn cũng có.
 
Đồ thiệt thì đắt tiền, đồ nhái thì rẻ, bác mua đồ nhái thôi chứ tiền đâu chơi hàng thiệt”. Một bác xe ôm khác đứng gần đó thêm vào: “Mua ở bất kỳ đâu, chợ, vỉa hè..., chỗ mô rẻ thì mua”. Có người lại hớn hở giơ chiếc mũ được mua trong một lần dám “chơi đồ xa xỉ” để chúng tôi chụp hình: “Hôm đó trúng khách sộp mới liều mua cái mũ tám chục (80 nghìn đồng) nè”.

Chưa hết thắc mắc về những chiếc mũ giá quá “mềm”, chúng tôi được nghe giới thiệu thêm: “30 ngàn là đồ mới đó. Đồ cũ 10 ngàn bán đầy. Không tin tui chở đi mua cho. Hôm qua mới chỉ cho một ông mua y như ri”.

Dù những chiếc mũ này không hề mang tính “bảo hiểm”, nhưng theo lời kể của các bác chạy xe ôm, chưa một người khách nào tỏ ý e dè. Họ cứ ngồi lên là “dọt”. Không ai đòi hỏi mũ tốt, chỉ có vài cô gái “õng ẹo” chê mũ xấu hay bẩn, có mùi khó chịu. Có lẽ, nhiều người khách cũng cùng ý nghĩ như các bác xe ôm: “Sợ nhất là bị thổi. Mũ thế nào cũng được, chủ yếu cho có, công an khỏi phạt”.

Không ai quản lý hành vi dùng MBH dỏm của xe ôm?!

 
Anh HÒA - đội xe ôm an toàn Hội Chữ thập đỏ:

Sắm mũ tốt

“Hồi mới áp dụng đội MBH, cứ đưa khách đội rồi quên lấy nên mất hoài.

Rứa là mất cái này lại mua cái khác, nhưng lần nào cũng mua mũ đúng tiêu chuẩn, vì trách nhiệm của mình là phải bảo đảm an toàn cho khách đi xe”.

 
Thượng tá Phạm Đắc Thái, Đội trưởng Tham mưu tổng hợp, Phòng CSGT thành phố cho biết: “Luật quy định người ngồi trên mô-tô, xe máy phải đội mũ bảo hiểm. Chúng tôi chỉ có chức năng xử phạt người không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông”. Trong khi đó, trao đổi với chúng tôi qua điện thoại, người đại diện cho Chi cục Quản lý thị trường Đà Nẵng trả lời:

“Chúng tôi chỉ có trách nhiệm quản lý mặt hàng MBH tại nơi sản xuất và nơi kinh doanh. Chưa thấy văn bản nào quy định quyền xử lý các trường hợp sử dụng mũ không đúng tiêu chuẩn khi lưu thông trên đường”. Một cán bộ thuộc Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng cho biết: Chúng tôi đã khuyến cáo người tiêu dùng về ý thức dùng MBH bằng hình thức phát tờ rơi nhưng chưa trực tiếp làm việc với các đội xe ôm hay những người hành nghề xe ôm tự do”.

Như vậy, với những cách quản lý như hiện nay thì hành khách sử dụng phương tiện xe ôm chỉ còn cách trông đợi vào sự tự giác của người chạy xe, trong lúc những người này chỉ mua mũ rẻ cho có, hóa ra tính mạng hành khách chỉ còn biết phó thác vào may rủi trên đường.

Quan tâm đến chất lượng MBH của xe ôm không là chuyện nhỏ, bởi mỗi ngày trung bình một người chạy xe ôm chở 10 khách, thì trong ngày có biết bao nhiêu người không được bảo đảm an toàn tính mạng do đội MBH kém chất lượng!


Bài và ảnh:THU HOA-HẰNG VANG
        

;
.
.
.
.
.