.

Bao giờ hè thông, phố sạch?

.

Xem ra tình trạng lấn chiếm, sử dụng vỉa hè, lòng đường như một điều hiển nhiên, không có hồi kết bởi sự bất lực của ngành chức năng trong việc dẹp dọn, lập lại trật tự và sự vô ý thức của một bộ phận người dân. Biết đến khi nào vỉa hè, lòng đường ở Đà Nẵng mới được thông thoáng, sạch đẹp?

Đua chen nhau chiếm dụng vỉa hè

Chỗ người đàn ông này đang tè bậy chỉ cách nhà vệ sinh công cộng (đường Lê Duẩn) khoảng chục mét.

Ở thành phố Đà Nẵng, bên cạnh tình trạng xe dù, bến cóc hoạt động huyên náo gây cản trở giao thông, nhếch nhác trên đường phố là cảnh người dân đua chen nhau chiếm dụng vỉa hè để làm nơi kinh doanh, buôn bán suốt ngày đêm.

Suốt mấy năm nay, đoạn vỉa hè trên đường Ông Ích Khiêm (bên hông Trường Cao đẳng Công nghệ) đã bị người dân biến thành “dãy ki-ốt” để kinh doanh, buôn bán sôi nổi từ sáng đến tận khuya, khiến cho người đi bộ phải đi dưới lòng đường. Chưa hết, các loại thức ăn, nước rửa chén bát… đổ tung tóe khắp nơi trên vỉa hè rất mất vệ sinh.

Cảnh buôn bán hỗn loạn đến nỗi  lãnh đạo Trường Cao đẳng Công nghệ đã phải bức xúc: “Ở đây mọi người  kinh doanh, buôn bán quá ư lộn xộn và nhếch nhác, làm mất cả cảnh quan sư phạm của nhà trường. Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị chính quyền địa phương xử lý, nhưng mọi việc vẫn không thay đổi”.

Nhiều đoạn vỉa hè trên các tuyến đường Nguyễn Tất Thành, Võ Văn Tần, Điện Biên Phủ… thuộc địa bàn quận Thanh Khê cũng bị người dân chiếm dụng làm nơi buôn bán, gây cản trở giao thông. Bà Phạm Thị Hương, Đội phó Đội kiểm tra quy tắc đô thị quận Thanh Khê thừa nhận, từ năm 2007, Đội kiểm tra quy tắc đô thị quận thành lập tổ kiểm tra cơ động để xử lý tình trạng chiếm dụng vỉa hè, song vẫn không xuể. Khó khăn hơn cả là người dân từ các nơi đến kinh doanh buôn bán vào ban đêm và luôn di chuyển mỗi khi thấy lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý…

Điểm... tè bậy

Lối cầu thang dẫn xuống biển ven đường Nguyễn Tất Thành trở thành nơi dừng chân khá lý tưởng cho những anh bỗng dưng muốn tè. Tấp vào lề, bước xuống vài bậc tam cấp, nửa thân trên vẫn đủ thoáng tầm nhìn để trông xe, vậy là họ tè. Đi một mình hay đi chung với người thân, những người này vẫn làm chuyện đó rất bình thường. Đoạn cỏ mọc um tùm (khúc cua gần cầu Thuận Phước)… là điểm... lý tưởng để ba, bốn anh ghé lại một lúc.

Cách nhà vệ sinh công cộng (NVSCC) trên đường Lê Duẩn (gần cầu Sông Hàn) khoảng chục mét là một “toilet” riêng của cánh xe ôm. Với một lớp tôn chắn phía trước của một công trình đang xây dựng, trong lúc đợi khách, các bác tài cứ thế tới xả, vừa nhanh, vừa khỏi mất tiền. Kể cả đoạn đường Bạch Đằng vốn rất sạch vẫn không được tha. Những bức tượng đá Non Nước được trưng bày, trang trí trên vỉa hè con đường này cũng trở thành nạn nhân cho cảnh tè bậy.

Thật ra, khó mà chỉ hết những điểm tè bậy, nội thành, ngoại thành, trong hẻm kiệt, ngoài đường chính đâu đâu cũng có. Việc xử lý tè bậy cũng quá khó khăn. Tuy đã có quy định mức phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 60.000 đồng đến 100.000 đồng đối với hành vi tiểu tiện, đại tiện ở đường phố, trên các lối đi chung, nhưng xem ra chưa có trường hợp nào bị phạt tiền do không biết ai đứng ra phạt, vì ngành này đổ cho ngành kia, ngành kia lại đổ cho chính quyền phường.  

Tình trạng người dân chiếm dụng vỉa hè làm nơi kinh doanh, buôn bán, đậu đỗ xe trái phép, gây ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan đô thị khó mà chấm dứt, nếu các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương không quyết liệt vào cuộc liên tục và triệt để.
     
Bài và ảnh: NGỌC ĐOAN - THU HOA
       

;
.
.
.
.
.