.

Biển Nam Ô “ngạt thở” vì ô nhiễm

.

Chưa hết buồn vì việc đánh bắt cá tôm ngày càng ít, thì hàng trăm hộ dân sống ven khu vực biển Nam Ô thuộc tổ 28 đến tổ 35, phường Hòa Hiệp Nam (Liên Chiểu) lại phải hứng chịu mùi hôi thối của phân heo đổ xuống biển gây ô nhiễm đến mức người dân không dám tắm biển.

Dân biển… sợ xuống biển!

Hằng ngày có hàng trăm gánh phân heo được người dân đổ trực tiếp xuống biển Nam Ô.

Chứng kiến cảnh mặt nước nổi lềnh bềnh những mảng phân heo trôi dạt vào bờ mỗi khi có sóng, ông Dương Văn C. (trú tổ 35, phường Hòa Hiệp Nam) bức xúc nói với chúng tôi: Sau khi có chủ trương hỗ trợ của thành phố đối với các hộ dân cam kết không nuôi heo, đa số các hộ dân sống dọc ven biển Nam Ô đã thực hiện nghiêm túc. Thế nhưng vẫn còn một số hộ trên địa bàn tiếp tục nuôi heo và hằng ngày họ ngang nhiên đổ phân heo ra biển.

Mỗi khi gió biển tạt vào là hàng trăm hộ dân nơi đây phải hứng chịu mùi hôi thối”. “Nhiều bữa đang ăn cơm, tụi tui phải bỏ giữa chừng vì mùi phân heo nồng nặc bốc lên. Tệ hơn, bãi biển Nam Ô trước đây vốn sạch sẽ và phẳng lặng, nhưng giờ chừ từ con nít tới người lớn không ai dám tắm ở khu vực ni. Hai đứa nhỏ nhà tui mới bị ngứa khắp người do tắm biển đây nè”, vừa nói, ông C. vừa chỉ tay ra dòng nước uế tạp đầy rác biển và phân heo.

Có mặt tại bờ biển Nam Ô lúc 3-4 giờ chiều, dọc các mép biển, chúng tôi còn thấy đọng lại trên bãi cát từng đống phân heo lỏn chỏn do sóng đánh dồn vào. Khi thấy chúng tôi giơ máy ảnh về phía bờ biển, những người đi đổ phân heo không gánh thùng chứa phân ra đổ mà chờ chúng tôi đi hẳn mới tiếp tục công việc của mình. Anh Bùi Văn H. (trú tại tổ 35, phường Hòa Hiệp Nam) kể:

Trước kia, người ta thường đổ phân heo vào ban đêm (khoảng 4 giờ sáng), nhưng bây giờ họ chẳng sợ ai cả và còn cho đó là chuyện bình thường. Mỗi ngày có tới hàng trăm gánh phân heo được đổ trực tiếp xuống biển nhưng nhiều người dân gần đó tỏ ra bất lực và âm thầm chịu đựng. Khi được hỏi “vì sao không ngăn họ lại” thì mọi người cùng trả lời: Hồi đầu, tụi tui cũng chạy ra nói nhưng họ phớt lờ, nói miết thì họ phản ứng lại: “Tui đổ ra biển chứ có đổ vô nhà ông mô mà ông có quyền nói”, rứa là tụi tui đành im lặng…

Bức xúc trước việc người chăn nuôi đổ phân heo ra biển, nhiều gia đình đã thông báo cho chính quyền địa phương. Thế nhưng sau khi chính quyền phường mời các hộ dân còn nuôi heo lên để tuyên truyền, phổ biến về quy định bảo vệ môi trường, mọi chuyện chỉ tạm lắng sau ít ngày rồi lại tiếp tục tái diễn.

Chính quyền địa phương nói gì?

Chúng tôi phản ánh nỗi bức xúc của người dân để cùng trao đổi với lãnh đạo phường Hòa Hiệp Nam. Ông Phạm Tấn Xử, Chủ tịch UBND phường tỏ ra rất ngạc nhiên: “Tôi mới về nên cũng chưa nghe người dân phản ảnh chi cả. Nếu quả thực có thông tin như báo chí phát hiện, chúng tôi sẽ cho kiểm tra và xử lý ngay những hộ dân vi phạm làm ảnh hưởng đến môi trường.

Chúng tôi sẽ chấn chỉnh ngay bằng việc rà soát các hộ dân chăn nuôi heo trên địa bàn, tổ chức họp các tổ dân phố, nếu hộ nào còn tiếp diễn sẽ kiên quyết xử lý theo quy định”. “Quan điểm của địa phương là ưu tiên phát triển kinh tế phải gắn với công tác bảo vệ môi trường lên hàng đầu”, ông Xử nhấn mạnh.

Theo người dân, “nếu đổ rác xuống biển còn thu lượm được chứ phân heo và nước thải thì đành bó tay. Cá, tôm còn chưa muốn sống, chứ chưa nói đến việc con người xuống tắm rửa”. Đổ phân heo xuống biển là vi phạm nghiêm trọng đến bảo vệ môi trường và ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường sống của người dân. Vì vậy, chính quyền địa phương cần nhanh chóng xử lý dứt điểm tình trạng này.

Bài và ảnh: Trọng Hùng

;
.
.
.
.
.