.

Bộ Công thương chỉ đạo trả nước sông Đăk Mi về sông Vu Gia

.

Một nhánh sông Vu Gia.
(ĐNĐT) - Tại cuộc họp ngày 11-6 để giải quyết vấn đề Dự án thủy điện Đăk Mi 4 có thể gây hạn hán nghiêm trọng cho vùng hạ lưu sông Vu Gia, Bộ Công thương chỉ đạo phải xây dựng cống qua thân đập Nhà máy thủy điện Đăk Mi 4 để trả nước sông Đăk Mi về lại sông Vu Gia. 

Ông Huỳnh Vạn Thắng, Phó Giám đốc Sở NN–PTNT Đà Nẵng, người trực tiếp tham dự cuộc họp, cho hay, tham dự cuộc họp có đại diện Văn phòng Chính phủ, các Bộ Công thương, Tài nuyên - Môi trường (TN-MT), NN-PTNT, Hội đồng quốc gia về tài nguyên nước, các đơn vị tư vấn lập quy hoạch, lập báo cáo cân bằng nước, lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, lập các dự án thuỷ điện trên hệ thống sông Vu Gia – Thu Bồn, chủ đầu tư Nhà máy thủy điện ĐăkMi 4… và các địa phương liên quan là Đà Nẵng, Quảng Nam.

Hầu hết các đại biểu tham dự cuộc họp đều đồng ý với nhận định của UBND TP Đà Nẵng về một thảm kịch “chết khát” sẽ xảy ra cho vùng hạ lưu sông Vu Gia nếu Nhà máy thủy điện Đăk Mi 4 được xây dựng và đưa vào hoạt động theo như thiết kế ban đầu là chuyển nước sông Đăk Mi về sông Thu Bồn để phát điện chứ không trả lại sông Vu Gia như vốn có.

Đại diện Bộ TN-MT khẳng định sẽ xảy ra hạn hán rất nghiêm trọng. Đại diện Bộ NN-PTNT cho rằng, trong trường hợp đó, cần phải nghiên cứu xây dựng một số hồ chứa trên sông Boung, sông Cái, sông Giằng với nhiệm vụ chính là cấp nước (phát điện là thứ yếu) để bổ sung nước cho hạ lưu sông Vu Gia trong mùa khô. Tuy nhiên, phương án này đòi hỏi phải cả chục năm nữa mới có thể trở thành hiện thực vì không có nguồn vốn đầu tư.

“Cuộc họp đã đi đến thống nhất là phải xây dựng cống qua thân đập Nhà máy thủy điện Đăk Mi 4 để trả nước sông Đăk Mi về lại sông Vu Gia. Theo kết luận cuộc họp của Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Hữu Hào, lượng nước trả bao nhiêu sẽ được tính toán cụ thể nhưng bắt buộc phải theo nguyên tắc là không xấu hơn so với tự nhiên khi chưa xây dựng đập ở Nhà máy thủy điện Đăk Mi 4”, ông Huỳnh Vạn Thắng cho hay.

Riêng về lượng nước trả lại, mỗi bên có những đề xuất khác nhau. UBND TP Đà Nẵng đề nghị lưu lượng nước trả lớn nhất là 87 m3/s và trong thời gian mùa kiệt từ tháng 1 đến tháng 9, thủy điện Đăk Mi 4 chỉ được phát điện với tổng công suất không vượt quá 211,9 triệu m3. Trong khi đó, chủ đầu tư là Tổng Công ty Đầu tư phát triển đô thị và Khu công nghiệp Việt Nam (IDICO) chỉ đồng ý lưu lượng nước trả lại từ 5 – 6m3/s.

Để giải quyết sự khác biệt này, lãnh đạo Bộ Công thương chỉ đạo thành lập gấp một tổ chuyên gia gồm đại diện các bộ, ngành, địa phương tham dự cuộc họp ngày 11-6 để tính toán kỹ việc xây cống qua thân đập để trả nước sông Đăk Mi về lại sông Vu Gia. Tổ công tác này có trách nhiệm đưa ra kết quả càng sớm càng tốt, để Nhà máy thủy điện ĐăkMi4 có thể tiến hành xây dựng cống qua thân đập rồi xây dựng tiếp các hạng mục tiếp theo đảm bảo tiến độ.

Cẩm An

Tin liên quan:
    >> Thêm nhiều chuyện "phớt lờ" tại thủy điện Đăk Mi 4
    >> Trước 20-6, phải báo cáo Thủ tướng về nguy cơ từ thủy điện Đăk Mi 4 
    >>
Nguy cơ thiếu nước nghiêm trọng ở vùng hạ lưu sông Vu Gia

;
.
.
.
.
.