.

Bùng phát hàng rong

.

Trước sự tăng cường kiểm tra của các cơ quan chức năng, nhiều người buôn bán nhỏ trên các vỉa hè đang chuyển sang buôn bán trên những chiếc xe đẩy. Việc “cơ giới hóa” này đã giúp họ tránh được những đợt kiểm tra, nhưng đang làm đau đầu cơ quan chức năng vì khả năng di động linh hoạt của phương tiện này.

Tấp nập xe bán hàng rong

Xe bán hàng rong ngang nhiên chiếm lòng đường làm nơi buôn bán, nhưng việc xử lý luôn gặp nhiều khó khăn.

Đến Đà Nẵng từ cuối năm 2007 với nghề bán trái cây dạo trên đường phố, ban đầu chỉ tranh thủ thời gian nông nhàn, kiếm ít tiền sắm sửa Tết cho gia đình, thế nhưng so với thu nhập tại quê nhà là quá hấp dẫn, từ đó giao lại mọi chuyện đồng áng cho chồng, chị Nguyễn Thị Hiền ở Phù Cát (Bình Định) ra hẳn Đà Nẵng buôn bán. Thời gian đầu lang thang khắp đường phố để bán trái cây dạo trên đôi quang gánh, sau quen nhiều khách hàng ở khu vực chợ Tam Giác (cũ), chị đã về hẳn tại đây bán hàng.
 
Tuy nhiên, chị luôn trong tình trạng phải ngó trước ngó sau để tránh lực lượng kiểm tra. Bắt chước nhiều chị em khác, chị mua một chiếc xe đẩy đi bán. Chị cho biết: Kể từ khi có chiếc xe đẩy này, việc buôn bán rất thuận lợi, buổi sáng bán trên đường Ông Ích Khiêm, trưa và chiều (lúc tan tầm) thì chuyển về bán gần ngã ba Đống Đa-Hải Phòng, nếu còn hàng thì tối  đẩy xe qua đường Quang Trung - khu vực trước cổng Bệnh viện Đà Nẵng.
 
Nhờ vậy, thu nhập đã tăng lên thấy rõ, nhưng điều chị cho là “sướng” nhất là không bị bắt và phạt tiền nữa. Thấy chị Hiền làm ăn thuận lợi, nhiều “đồng nghiệp” của chị cũng mua chiếc xe đẩy. Thậm chí có nhiều người sau khi mua xe đẩy thấy buôn bán thuận lợi hơn, đã gọi thêm người ở quê đến Đà Nẵng để làm ăn. Theo tìm hiểu của chúng tôi, ở thời điểm cuối năm 2006, 2007, tại khu vực xung quanh chợ Tam Giác (cũ) chỉ có chừng 5-7 xe đẩy thì hiện nay con số này xấp xỉ 20 chiếc, thậm chí có thời điểm tại đây tập trung gần 30  chiếc.

Không riêng gì ở đây mà tại khu vực gần chợ Cồn và Big C, thời gian gần đây số lượng xe đẩy đã tăng lên một cách đáng báo động với khoảng 15 chiếc thường trực và lúc cao điểm lên khoảng 20-25 chiếc. Điều đáng nói là khu vực này đường rất hẹp, lưu lượng xe đông, vỉa hè đều đã bị “xí” chỗ từ trước nên hầu hết xe bán hàng rong đều đậu ngay dưới lòng đường, khiến cho việc lưu thông tại đây luôn trong tình trạng khó khăn.

Ai xử lý?

Làm việc với các phường thuộc quận trung tâm Hải Châu như Hải Châu 1, Thạch Thang, Thanh Bình, Vĩnh Trung, Tam Thuận… ở đâu chúng tôi cũng gặp sự mệt mỏi của chính quyền địa phương về tình trạng lấn chiếm vỉa hè nói chung và xe bán hàng rong nói riêng. Theo một Phó Chủ tịch phường (đề nghị không nêu tên),  nếu chú ý thì những phương tiện, vật dụng của các tổ trật tự đô thị các phường thu đem về để ở trụ sở UBND phường toàn là những đồ vụn vặt như vài tấm biển hiệu, ít bàn ghế, nhưng gần như không bao giờ thu được chiếc xe đẩy nào.

Đơn giản vì mỗi khi lực lượng chức năng xuất hiện thì họ chỉ cần đẩy xe đi khu vực khác là xong. Về vấn đề này, ông Mai Phước Thành, Chủ tịch UBND phường Thạch Thang tỏ ra rất bức xúc: “Không đâu xa, ngay trước cổng UBND phường cũng thường xuyên chịu cảnh lấn chiếm vỉa hè để buôn bán. Còn tại khu vực xung quanh chợ Tam Giác, chúng tôi dành rất nhiều công sức, thậm chí có thời gian còn bố trí hẳn một tổ bám tại đây để xử lý, thế nhưng kết quả không được bao nhiêu vì đây là điểm giáp ranh của ba phường. Chúng tôi đến thì họ đẩy xe qua bên kia đường là xong, và chỉ cần chúng tôi quay lưng lại thì gần như ngay lập tức, họ đẩy xe về chỗ cũ”.

Chính quyền địa phương gặp nhiều khó khăn trong việc xử lý nạn xe bán hàng rong. Còn lực lượng Thanh tra giao thông (có nhiệm vụ xử lý phương tiện trong trạng thái tĩnh) cũng gặp khó khăn tương tự, vì khi họ đến thì người bán hàng lại đẩy xe đi chỗ khác. Trong khi đó, lực lượng CSGT lại gần như mất quá nhiều thời gian vào công tác tuần tra xử lý vi phạm của các phương tiện có động cơ khác. Vậy ai sẽ ra tay xử lý tình trạng xe bán hàng rong đang bùng phát?

Bài và ảnh: Trần Luân Sơn

;
.
.
.
.
.