* Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Đình An: Cảm ơn, xin lỗi ngược có phần lỗi do người dân
|
Một bộ phận cán bộ, công chức ở tâm thế có quyền cho chứ không phải phục vụ dân, trong khi lương của anh là chính từ thuế của dân đóng. Người dân vẫn mang tâm lý hàm ơn, chưa nhận thức hết mình đóng thuế nuôi bộ máy Nhà nước thì có quyền yêu cầu được phục vụ. Vì vậy một người dân được công chức giúp hoàn thành hồ sơ hành chính thì cảm ơn anh ta rối rít mà quên mất rằng vị công chức đó đang thực thi chức trách của mình.
Sự đảo vị trí này có lỗi do người dân. Thay vì yêu cầu phục vụ thì thường hay lo lót để được việc, được phục vụ tốt hơn cho riêng cá nhân mình. Nói một cách hình ảnh là một bệnh nhân đến bệnh viện công thì chuẩn bị nhiều loại phong bì bồi dưỡng y, bác sĩ và phân loại: Cái đưa biếu khi lên bàn mổ, cái đưa lúc tiêm thuốc, cái đưa lúc thay băng rửa vết thương…
Nhiều người tự nguyện làm việc này và coi điều này rất bình thường khiến cho những người khác khi không có để đưa lại thấy mình có lỗi. Vì thế nói đến văn hóa ứng xử của công chức cũng cần nói đến văn hóa ứng xử của người dân. Họ cần phải có thói quen yêu cầu được phục vụ theo chức trách của công chức. Bởi vì họ đóng thuế nuôi công chức để được phục vụ.
* Ông Đỗ Thành Nhân, Phó Ban Dân chủ-Pháp luật, Ủy ban MTTQ thành phố: Gây khó để được xin lỗi, cảm ơn ngược
|
|
Công chức vô cảm, không biết cười khi giao tiếp phục vụ dân. Thậm chí một bộ phận gây khó cho dân để được ban phát, làm ơn cho dân và để được dân xin lỗi, cảm ơn ngược. Mặc dù không thiếu những quy tắc, quy định về thái độ ứng xử văn hóa dành cho cán bộ, công chức nhưng chế tài xử lý chưa nghiêm nên muốn thay đổi từ tư duy xin-cho sang phục vụ còn mất nhiều thời gian.
Mặt khác, do cách ứng xử của người dân khi có việc đến cơ quan công quyền thường ít khi đấu tranh vì lợi ích chung mà thường muốn cho mình xong việc nên có tâm lý cầu cạnh, lo lót, cảm ơn, cốt để được cho mình. Có thể thấy điều này ở thái độ đối xử với người bệnh ở bệnh viện công và bệnh viện tư khác nhau.
* Ông Hồ Đắc Nhần, ở tổ 10 phường Hòa Hiệp Bắc: Thật hiếm nụ cười, câu xin lỗi ở công chức
Tôi đi làm thủ tục hành chính về nhà đất phải đến các cơ quan như bộ phận “một cửa” tại UBND quận, Chi cục Thuế, Phòng Công chứng… Ở chỗ nào tôi cũng hiếm khi thấy cán bộ cười xã giao với dân. Công chức thường giữ thái độ nghiêm trang, ít nói, thậm chí lúc có nhiều người đến, họ bận đến nỗi chỉ cầm hồ sơ mà không kịp ngẩng lên nhìn khách là ai.
Tôi được một anh ở bộ phận “một cửa” tại UBND quận hướng dẫn bằng miệng nhưng nhiều quá tôi nghe và nhớ không hết các thủ tục cần làm trước khi đem hồ sơ đến đây. Vậy là ba lần liền, tôi cứ đem hồ sơ đến rồi lại đem về làm tiếp vì chưa đủ thủ tục. Lần nào anh ta cũng trách tôi rằng: Tôi đã hướng dẫn rồi, sao chú làm không đủ.
Tôi đành xin lỗi anh ta và tiếp tục làm những thủ tục mà anh ta yêu cầu và thầm trách cho trí nhớ của mình kém. Giờ thì mới biết có quy định hướng dẫn dân làm thủ tục hành chính phải có phiếu và ghi rõ ra giấy. Như vậy anh công chức kia có lỗi với tôi chứ đâu phải tôi, nhưng qua sông đành phải lụy đò… cho được việc mình vậy.
ĐOÀN SƠN (ghi)