.

Có một người phụ nữ Đà Nẵng như thế

.

Nếu có một cuộc bình chọn gương mặt tiêu biểu cho phụ nữ Đà Nẵng thế kỷ 20, chắc bà Phụng Ký sẽ lọt tốp những người đứng đầu.

Chân dung bà Phụng Ký.(Ảnh V.T.L)

Bà Phụng Ký, mà chúng tôi - những người thân quen từ rất lâu, cho đến khi đã ngoài 80 vẫn gọi chị Phụng, đã ra đi ngày 12-6-2009, hưởng thọ 95 tuổi. Không như mong muốn của chúng tôi sống tròn một thế kỷ.

Chị Phụng đã sống 85 năm trong thế kỷ 20 đau thương và dữ dội của dân tộc, lại là một người cầm máy ảnh hơn 60 năm xông xáo lăn lộn ghi lại biết bao cảnh đời trên mảnh đất Quảng Nam-Đà Nẵng đầu sóng ngọn gió này, và hơn thế chị là một chiến sĩ yêu nước dấn thân đấu tranh kiên cường vì sự nghiệp giải phóng dân tộc.

Người phụ nữ mảnh mai, đôn hậu ấy cùng với những tấm ảnh mà chị là tác giả, là chứng nhân lịch sử của thành phố anh hùng của chúng ta. Có lẽ chị là một trong những người phụ nữ Việt Nam đầu tiên theo nghề ảnh. Chưa đầy 15 tuổi, chị đã đi giúp việc cho một gia đình làm nghề ảnh để học nghề và chị đã thủy chung với nghề ấy cho đến những ngày mắt mờ, tay run.

Nói là chị đam mê nghề ảnh thì rất đúng, nhưng có thể chị thủy chung với nghề ảnh còn vì một lý do cao cả và thiêng liêng hơn. Với nghề này chị có thể cống hiến nhiều hơn, đắc lực hơn cho sự nghiệp cứu nước, giải phóng dân tộc.

Ai cũng biết trong cuộc kháng chiến thứ nhất, chị có tiệm ảnh ở Tam Kỳ, rồi chị ra sống và làm nghề ở Đà Nẵng, với một cửa hàng ảnh khá lớn, khang trang ở gần ngã tư Hùng Vương- Phan Châu Trinh. Nếu chí thú làm ăn, mở mang nghề ảnh và kinh doanh vật tư nhiếp ảnh, chị có thể trở thành một đại gia. Nhưng chị đâu có ham làm giàu, chị nặng nợ với nước non, với cách mạng. Ngôi nhà và cửa hàng ảnh của chị trở thành một địa chỉ đỏ.
 
Nhiều cơ sở giao liên hợp pháp được chị nuôi trong nhà, bày bảo nghề ảnh và với những người đặc biệt tin cậy, chị còn truyền dạy cách làm căn cước, giấy tờ giả cho cán bộ cách mạng hoạt động trong vùng địch. Nhiều đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Đặc khu Quảng Đà, anh Sáu Hưng, anh Năm Dừa đã sống trong nhà chị, được chị che chở. Người phụ nữ nhỏ bé, hiền lành ấy đã sáu lần bị địch bắt, tù đày khảo tra không lay chuyển được ý chí của chị. Chị còn làm những vần thơ đầy nghĩa khí:

Chịu kiếp lao tù mài kiếm thép
Đêm nằm muỗi ngục hút máu tươi
Nhớ con thương cháu đành câm lặng
Một cõi lòng riêng mãi ngậm ngùi

Và mỗi lần vào tù ra khám cũng là mỗi lần khuynh gia bại sản để cửa hàng, ngôi nhà Phụng Ký vẫn an toàn, vẫn tiếp tục là nơi đi về của các đồng chí ta (dù kẻ thù luôn rình rập, theo dõi).

Tôi nhớ một lần ở căn cứ Hòn Tàu, anh Năm Dừa báo cáo với anh Hồ Nghinh về công tác thành phố, anh nhắc đến chị Phụng với tất cả sự mến thương và quý trọng. Anh Năm có dẫn lại một câu chị Phụng nói với anh, ý là ngôi nhà của chị ở miếng đất vàng, trung tâm Đà Nẵng chẳng là cái gì cả nếu như chị không ở đấy và nó không giúp ích gì cho cách mạng.
 
Anh Nghinh nói với chúng tôi bà con ở thành phố, nhà cao cửa rộng, sản nghiệp đàng hoàng chứ họ đâu có phải chỉ có túp lều với mấy tấm tranh, vậy mà vì sự nghiệp cứu nước họ dám hy sinh tất cả. Chúng ta phải làm thế nào để tập hợp, phát huy tinh thần yêu nước của họ.
 
Những năm gần đây, tôi đã nhiều lần đến thăm chị ở căn nhà cửa hàng ấy, một bà già ngoài 90 tuổi mặc bộ đồ lụa trắng nhẹ nhàng, sống trong một phòng nhỏ đơn sơ, xung quanh đầy những bức ảnh chị chụp cho đời và mọi người cùng chụp với chị, một vài chậu cảnh như kéo thiên nhiên vào cùng chị. Chị vẫn vui vẻ, tinh tường và còn cho tôi xem những bài thơ mới làm. Những lúc ấy, tôi thường tự hỏi người mẹ, người phụ nữ từng nổi tiếng với địa chỉ đỏ Tiệm ảnh Phụng Ký, từng như một nhân vật huyền thoại lại bình dị, mộc mạc như thế này sao?

Mít-tinh chào mừng Giải phóng miền Nam tại Sân vận động Chi Lăng.  (Ảnh: Phụng Ký)

Khi chị Phụng Ký còn sống, nhiều dịp những anh chị em cùng hoạt động với chị gặp nhau ai cũng bảo kho ảnh phim của chị là vô giá. Anh Phan Văn Nghệ đã nêu ý kiến nghiên cứu chọn lựa để xuất bản một cuốn sách ảnh từ những tác phẩm của chị có thể không nổi trội về nghệ thuật, nhưng chắc chắn đó là những tư liệu lịch sử quý báu nhất về Đà Nẵng và đất Quảng.

Có nhiều người nói cần làm hồ sơ đề nghị phong tặng danh hiệu anh hùng cho chị, dù chị không là chiến sĩ vũ trang cầm súng giết giặc. Đúng quá, chị đã nuôi giấu bao chiến sĩ biệt động, bao nhiêu cán bộ lãnh đạo, nhà chị là nơi cất giữ bao nhiêu vũ khí, chị đã làm giấy tờ cho bao đồng chí ra vào hoạt động ở Đà Nẵng, không có những công việc ấy và những công việc của vô số người thầm lặng vô danh khác thì làm sao có những chiến công của thành phố anh hùng.

Có lẽ những công việc ấy là không đủ và quá trễ. Cũng không sao bởi chị Phụng và những người như chị đâu có đòi hỏi sự tôn vinh, tri ân. Điều mong mỏi lớn nhất của họ, điều họ nung nấu tâm can trong những tháng ngày chiến đấu là làm thế nào thực hiện được di chúc của Bác Hồ xây dựng được một đất nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, mọi người, mọi nhà đều có cuộc sống ấm no, văn minh, hạnh phúc.

NGUYỄN ĐÌNH AN

;
.
.
.
.
.