.
CỰU CHIẾN BINH NHỚ LẠI

Nhà báo - Chiến sĩ

.

Năm 1969, ông Lộc đang làm Chính trị viên một tiểu đoàn thuộc Sư đoàn 3 (Quân khu 5) thì được điều về công tác tại Báo Quân Giải phóng và đến năm 1972 thì đảm nhiệm cương vị Bí thư chi bộ kiêm Trưởng ban Biên tập. Hồi ấy, Báo Quân Giải phóng ra nửa tháng một số, mỗi số 4 trang, in đen trắng, các số đặc biệt 8-12 trang và in 3 màu. Quân số của báo lúc cao nhất 30 người, được chọn lựa từ các đơn vị trong quân khu và từ miền Bắc điều vào.

Đại tá Lê Hữu Lộc ở phường Mỹ An (quận Ngũ Hành Sơn), nguyên là Trưởng ban Biên tập Báo Quân Giải phóng-cơ quan của lực lượng vũ trang nhân dân miền Trung Trung Bộ, tiền thân của Báo Quân khu 5 ngày nay.

Tòa soạn báo đóng tại huyện Trà My-Quảng Nam. Lúc không có giao liên dẫn đường, phóng viên phải tự tìm đến đơn vị để liên hệ công tác thông qua liên lạc trước của Ban Biên tập. Các tỉnh xa như Khánh Hòa, Đắc Lắc, anh em phải đi gần một tháng mới đến nơi, nếu gặp mưa lũ hoặc địch càn thì còn lâu hơn. Đi xa như vậy, nhưng mỗi người chỉ được nhận tiêu chuẩn ăn đường không quá 10 lon gạo và một ít sắn khô, bắp, muối; nếu thiếu anh em phải tự tìm nguồn tiếp tế dọc đường.

Thông thường, lãnh đạo các đơn vị đều muốn giữ phóng viên ở cùng với Ban chỉ huy, nhưng phóng viên nào cũng muốn xuống các tiểu đội, trung đội, nhằm phản ánh cho được khí thế thi đua giết giặc lập công, bảo đảm tin, bài viết phải hừng hực tinh thần chiến đấu dũng cảm của bộ đội và nhân dân, phải nóng hổi từ thực tế  chiến trường, nhiệm vụ huấn luyện, công tác hậu phương như tăng gia, sản xuất. Viết xong, anh em phóng viên nhờ bộ phận cơ yếu hoặc cán bộ của đơn vị về Khu họp chuyển về tòa soạn. Nhiều khi tin, bài gửi tay như thế hàng tháng mới đến được Ban Biên tập và cũng lắm lúc xong đợt công tác mới đem bài về được.

Phóng viên luôn nêu cao nhiệt huyết, được phân công ra mặt trận là hăng hái lên đường, bất chấp mọi khó khăn, nguy hiểm. Còn ở tòa soạn, cuộc sống thiếu thốn trăm bề, khẩu phần mỗi ngày chỉ có 0,5-1 lon gạo, quanh năm thường xuyên ăn sắn lát ghế cơm. Canh được nấu bằng môn dóc, măng rừng, rau tàu bay, nhưng không đủ muối để nêm. Mỗi lần phóng viên đi công tác xin được ít muối đem về là cả cơ quan vui như Tết.

Ông Lộc nhớ mãi phóng viên Lê Văn Luyện, trước lúc đi thực tế ở Sư đoàn 2 đã phấn khởi nói với ông: Mấy tháng nay chưa có bữa nào được ăn no, nay được xuống đơn vị, em vui lắm. Xong đợt công tác này, em sẽ cố gắng kiếm vài món gì đó đem về cho tòa soạn liên hoan. Không ngờ, chuyến đi ấy Lê Văn Luyện đã hy sinh do bị trúng bom B52 trên đường 16. Cho đến bây giờ, ông Lộc day dứt mãi là chưa tìm được hài cốt của phóng viên Lê Văn Luyện, mặc dù đã nhiều lần tổ chức tìm kiếm.

Ông Lê Hữu Lộc hồi làm Trưởng ban Biên tập Báo Quân Giải phóng (ảnh trên) và  các phóng viên Báo Quân Giải phóng.

Đã 4 thập kỷ trôi qua, nhưng ông Lộc không bao giờ quên được hình ảnh của các cán bộ, phóng viên trong cơ quan. Họ xông xáo, năng nổ tác nghiệp trong điều kiện khắc nghiệt của chiến trường để có được những bài báo đầy hơi thở cuộc sống chiến đấu của cán bộ, chiến sĩ trên mặt trận. Nhiều phóng viên sau chiến tranh đã trưởng thành, trở thành những cán bộ lãnh đạo trong và ngoài ngành báo chí như các anh Nguyễn Viết Phác, nay là Phó Chủ tịch Hội CCB quận Hải Châu; Nguyễn Thành Văn sau này là Tổng Biên tập Báo Lao động-Xã hội…

Mỗi cán bộ, phóng viên đều là tay bút tay súng,  xứng đáng với chức năng của những Nhà báo-Chiến sĩ. Riêng ông Lộc, ngoài việc lãnh đạo, điều hành, ông cũng trực tiếp viết bài. Hầu hết xã luận, bình luận và những bài có tính tư tưởng chỉ đạo đều do ông viết. Những bài viết của ông đều sắc sảo, phong phú về nội dung và các vấn đề đề cập; tiêu biểu như các bài mà ông đang lưu giữ cho chúng tôi xem hôm nay: “Xung quanh vấn đề đạo đức cách mạng”, “Rèn luyện tính Đảng”...

Sau ngày nước nhà thống nhất, ông Lộc chuyển sang làm công tác viết sử và đã đảm đương vai trò chủ biên của nhiều tác phẩm. Hiện nay, dù đã nghỉ hưu nhưng ông vẫn hăng hái tham gia chỉnh lý, sửa chữa các văn bản tổng kết lịch sử của hàng chục cơ quan, đơn vị. Trao đổi về bí quyết làm báo, ông nhấn mạnh: Người làm báo phải đi sâu thực tế, tin, bài phải kịp thời, chân thực, chính xác, phải thể hiện thật hấp dẫn, nhưng tuyệt đối không được hư cấu.

LÊ VĂN

;
.
.
.
.
.