.

Đa dạng kiểu ăn xin

.

Đang điều khiển xe máy trên đường Nguyễn Tất Thành, chị T.H giật mình bởi ngay bên cạnh là một thanh niên đi xe máy cùng chiều ép chị vào lề đường, buộc chị phải dừng xe. Chưa để người phụ nữ yếu đuối này hoàn hồn, người thanh niên buông ngay mấy câu: Có tiền cho 5 ngàn đồng đổ xăng! Hoảng quá, chị H. rút ví ra, như được nước, tên này đòi thêm 10 nghìn đồng nữa. Dù sợ nhưng chị H. dứt khoát đưa 5 ngàn. Cầm tiền trên tay, tên xin đểu  vù ga mất hút.

Hai đứa trẻ này vừa nài khách mua kẹo, vừa xin tiền.

Sự việc của chị H. diễn ra chưa đến 10 ngày thì đến lượt chị M.K, một người bạn của chị, chị K. kể, sáng hôm ấy khi đang điều khiển xe máy trên đường Tôn Đức Thắng, được một đoạn thì có một phụ nữ chạy theo, trong bộ dạng hớt hải, nói như mếu: Em có tiền cho chị vài nghìn đồng, xe chị hết xăng rồi.

Tưởng giữa đường gặp người hoạn nạn cần giúp, chị K. không ngần ngại rút ví cho “bà chị không quen biết” 5 nghìn đồng. Nhưng điều làm chị sững sờ là chỉ sau đó vài hôm, khi cùng bạn đi trên đường này, bạn của chị chạy xe phía trước đã bị chính người phụ nữ này kè xe theo xin đểu. Không kiềm chế được, chị K. gọi người phụ nữ này lại và hỏi: Chị còn nhớ em không? Như chột dạ, đối tượng xin đểu kia nhanh chóng rồ ga, biến mất.

Khác với xin tiền theo kiểu “bắt nóng” như hai trường hợp ở trên, hiện nay ở một số quán cà-phê khu vực đường Lê Lợi, Lê Lai, nhiều người thường bắt gặp một người đàn ông trung niên khoảng hơn 50 tuổi, luôn đeo bên vai một cái xách màu đen. Trên tay ông ta cầm một con châu chấu làm bằng cộng dừa non mời khách, nhưng không có ai mua.
 
Bán không được, ông ta chuyển qua xin tiền: “Con cho bác mấy đồng để ăn cơm trưa. Từ sáng tới giờ chưa bán được con châu chấu nào”. Đến chiều, người đàn ông này lại tiếp tục diễn trò tại khu vực bán nước dừa, nước mía đường Bạch Đằng, đoạn gần Hội LHTN thành phố.

Dường như sau lễ hội pháo hoa năm 2009, ở Đà Nẵng lại xuất hiện những người lang thang xin tiền. Họ có mặt ở nhiều nơi như cây xăng, quán nhậu, quán cà-phê, trên những tuyến đường hóng mát như Bạch Đằng, Sơn Trà-Điện Ngọc… Đối tượng xin gồm nhiều lứa tuổi: già, trẻ, trung niên và đặc biệt có cả thanh niên trai tráng khỏe mạnh. Cách xin cũng đa dạng: xin trực tiếp, xin qua con nhỏ, xin bằng cách bán kẹo…

Chủ trương không có người lang thang xin ăn được triển khai thực hiện từ năm 2000, sau một thời gian thực hiện các biện pháp mạnh nên tình trạng xin ăn gần như không còn. Tuy nhiên, gần đây tình trạng này đã xuất hiện trở lại, trong đó có nhiều trường hợp xin đểu dọc đường đang làm mất đi vẻ mỹ quan, văn minh đô thị và sự bình yên cuộc sống của người dân.

Bà Trần Thị Hồng Vân, Trưởng phòng Bảo trợ xã hội, Bảo vệ và chăm sóc trẻ em thuộc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội thành phố cho biết, theo thống kê 5 tháng đầu năm 2009, cơ quan chức năng đã phát hiện 44 trường hợp ăn xin, 7 trường hợp có biểu hiện tâm thần.

Các đối tượng lang thang xin ăn chủ yếu tập trung tại các địa bàn trung tâm thành phố. Mặc dù số lượng người lang thang xin ăn đã giảm nhiều so với trước đây, nhưng hiện nay lại xuất hiện tình trạng xin đểu dọc đường. Họ giả dạng là người về quê nhưng hết tiền, thiếu tiền đổ xăng, xin tiền chữa bệnh, nuôi con… Nếu gặp lực lượng công an thì các đối tượng này nhanh chân lẩn trốn, không kịp để phát hiện.

“Trước tình trạng nạn ăn xin xuất hiện trở lại trên địa bàn thành phố, mọi người dân cần phải có trách nhiệm chung trong việc phát hiện và thông tin nhanh về các đối tượng này theo số điện thoại đường dây nóng 3550.550, để cơ quan chức năng tiếp cận đối tượng và xử lý nhanh chóng theo quy định”, bà Vân mong muốn như vậy.

Bài và ảnh: VIỆT DŨNG

;
.
.
.
.
.