.

Đậu, đỗ xe trên đường Bạch Đằng: Chỗ nào trống thì... đậu

.

Chỉ mỗi chuyện đậu, đỗ xe ở con đường “ban công” Đà Nẵng (đường Bạch Đằng) đã có lắm ý kiến. Trong khi nhà quản lý một mực “làn kẻ cho ô-tô đậu, đỗ đã đủ rồi”, thì cánh lái xe, dân du lịch, vì lý do thuận tiện cho việc chở khách nên bất đắc dĩ phải đậu cả vào khu vực không dành cho ô-tô.

Đậu cả vào làn kẻ dành cho xe 2 bánh

Ở khu vực chợ Hàn, xe đậu thành hàng dài, nhiều tài xế xe hơi đậu xe cả vào làn kẻ dành cho xe... 2 bánh.

Trên trục đường này, có đến 3 khu vực dành cho ô-tô đậu, đỗ: đối diện Kho bạc Nhà nước, đối diện khách sạn Bạch Đằng và khu Cảng Đà Nẵng. Tuy nhiên, xe ô-tô lại chủ yếu tập trung đậu ở đoạn từ Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại Đà Nẵng đến tòa nhà Indochina, mà theo những người dẫn tour và các lái xe chuyên chở khách du lịch, đó là khu đắc địa nhất dành cho khách tham quan.

Xe ô-tô đủ loại, từ 4 chỗ đến 45 chỗ xếp lớp thành hàng dài cả ở những điểm không có làn kẻ dành cho mình. Nhiều xe chở khách đường dài cũng tranh thủ ghé lại cho khách nghỉ ngơi và mua sắm. Có khi, ô-tô còn đậu cả vào làn kẻ dành cho xe 2 bánh. Trái với khung cảnh đậu đỗ “sầm uất” trên, khu vực từ khách sạn Bạch Đằng đến Cảng Đà Nẵng, dù có rất  nhiều ô cho phép xe hơi đậu, lại có rất ít xe dừng. Một Thanh niên xung kích trực trên vỉa hè tuyến đường này hơn nửa năm cho hay, vào các kỳ nghỉ lễ, xe đậu chen chúc nhau, đến mức xe nào không lẹ, sẽ không tìm ra chỗ trống.

Mỗi tháng 2-3 lần chở khách từ Hội An ra, anh Nguyễn Đông, một tài xế lái xe du lịch ở Hội An, luôn tìm chỗ đỗ xe quen thuộc của mình ở gần chợ Hàn. Anh giải thích: “Đây là khu vực thoáng đãng, có vỉa hè rộng, cảnh quan đẹp khiến du khách khi đến Đà Nẵng không thể không dừng lại ngắm cảnh.

Hơn nữa, khu quanh chợ Hàn có nhiều nơi mua sắm, cà-phê, shop lưu niệm..., nên thuận tiện cho việc vận chuyển khách có nhu cầu giải trí, mua sắm”. Vì vậy, dù biết đậu xe không đúng chỗ là hoàn toàn vi phạm, các lái xe vẫn đậu bừa. Anh Đông phân bua: “Từ chợ Hàn, phải chạy khoảng 700m mới tới được chỗ đỗ đối diện khách sạn Bạch Đằng, rất bất tiện cho việc đi lại của cả khách và lái xe”.

Đậu càn để bắt khách

Tại nơi có làn kẻ dành cho xe ô-tô đối diện khách sạn Bạch Đằng, lại có rất ít xe đậu, vì các lái xe cho rằng nơi này không thuận tiện cho khách du lịch đi lại, mua sắm.

 

Hằng ngày, du khách nội địa và quốc tế qua lại ở khu vực trên rất nhiều, nên cánh ta-xi cứ chen nhau đậu càn. Theo một tài xế của hãng Airport Taxi (đề nghị không nêu tên), bắt được khách là tiêu chí trên hết, thành thử có sợ phạt, anh vẫn đứng. “Thấy người ta đứng, mình cũng đứng. Chứ chạy chỗ khác cho đúng quy định thì chẳng có khách”, tài xế này nói.
 
Anh Nguyễn Đông cho rằng, nếu nhà quản lý khắt khe quá đối với nhà xe sẽ làm ảnh hưởng đến khách du lịch. Theo ý anh, nên vạch thêm nhiều ô dành cho ô-tô ở những khu vực xung quanh chợ Hàn, để lái xe không phải đậu trái quy định và du khách không phải đi xa để mua sắm hay ăn uống. Ông V.T (khách sạn Phương Tâm) cũng đề nghị: “Đường Bạch Đằng rộng, nên cho đậu ô-tô con như đường Lê Lợi ở Sài Gòn, cấm đậu, đỗ xe tải và xe khách. Chỗ nào cấm đậu thì phải có biển cấm để khách biết”.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề trên, ông Tô Đình Trung, Trưởng phòng Quản lý đô thị (Sở Giao thông vận tải) khẳng định: “Trên trục đường Bạch Đằng không còn chỗ nào có thể kẻ thêm vạch đậu ô-tô. Nếu ai có ý kiến kẻ thêm vạch, phải chỉ vị trí cụ thể, chúng tôi mới có thể xem xét được”. Theo ông Trung, việc kẻ làn để ô-tô đậu đỗ phải được xét trên yếu tố thuận tiện và bảo đảm an toàn cho giao thông.

Bài và ảnh: P.KHÁNH

;
.
.
.
.
.