.

Để trẻ không chết đuối

.

Cứ mỗi dịp hè về, tình trạng trẻ em bị đuối nước lại bắt đầu gia tăng. Thực trạng này đang dấy lên hồi chuông cảnh báo đối vối những gia đình có con em trong độ tuổi đi học, nhất là khi kỳ nghỉ hè đã đến.

Để bảo vệ tốt trẻ em cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và xã hội.

Theo thống kê của Cục Y tế dự phòng- Bộ Y tế, tỷ suất chết đuối ở trẻ em Việt Nam là 22,6%, chỉ sau tai nạn giao thông (26,7%). Chết đuối là nguyên nhân gây tử vong lớn nhất ở trẻ em dưới 15 tuổi (chiếm gần 70%), trong số này trẻ em từ 5-9 tuổi chiếm gần 50%. So với các nước phát triển, tỷ suất chết đuối ở trẻ em Việt Nam cao gấp 10 lần. Trẻ em chết đuối năm 2008 là 329 em, tăng 5,8% so với năm 2007. Vào dịp nghỉ hè hằng năm, số trẻ em chết đuối lại tăng cao ở nhiều địa phương.

Tại thành phố Đà Nẵng, từ đầu năm đến nay, đã có 5 trường hợp chết đuối ở biển, trong đó có 1 học sinh và 1 sinh viên; 1 trẻ em chết đuối ở sông. Đội Cứu hộ thuộc Ban Quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng đã kịp thời cứu được 86 trường hợp đuối nước, trong đó có rất nhiều trẻ em.
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trẻ em chết đuối. Nhưng phổ biến nhất vẫn là do khả năng bơi của trẻ kém, rất nhiều trẻ không biết bơi.

Trong khi đó, nhận thức của xã hội về vấn đề này còn hạn chế, dẫn đến công tác tuyên truyền, phòng ngừa chưa được thực hiện triệt để. Bên cạnh đó, nhiều địa phương còn xem nhẹ, chưa chú trọng việc nâng cao nhận thức cho người dân về mức độ nguy hiểm do đuối nước gây ra. Nhiều gia đình còn thiếu cẩn trọng khi trông nom, giám sát trẻ trong môi trường không an toàn. Trong khi đó, trẻ em vốn mải chơi và chưa thể nhận thức được mức độ nguy hiểm của việc chơi đùa tại các vùng sông,  biển.

Một nguyên nhân nữa là môi trường sống không an toàn, nhiều ngôi nhà gần ao hồ, sông ngòi nhưng hoàn toàn không có rào che chắn, các giếng khơi, bể nước không có nắp đậy… Hoặc việc thực hiện các quy định về an toàn giao thông đường thủy chưa nghiêm ngặt như người điều khiển thuyền, đò không có bằng lái, chất lượng của các phương tiện giao thông đường thủy không bảo đảm cũng là những nguyên nhân chủ yếu dẫn tới các vụ tai nạn thương tâm do nước, cướp đi sinh mạng của các em học sinh.

Ngoài những nguyên nhân trên thì việc giáo dục tại các trường học chưa được quan tâm đúng mức, nhiều bậc phụ huynh do mải mưu sinh, không quan tâm đến việc chăm sóc con cái trong những ngày hè và vì thiếu kiến thức nên họ cho rằng con em mình không cần biết bơi, trong lúc trên thực tế cho thấy, số trẻ em bị chết đuối chủ yếu do không biết bơi…

Để hạn chế tối đa tình trạng trẻ em bị đuối nước ngày càng gia tăng thì việc tăng cường công tác tuyên truyền, tiếp cận với các thông tin về an toàn trong mỗi gia đình, trường học và toàn thể cộng đồng là rất cần thiết. Anh Nguyễn Tấn Cường, Đội phó Đội Cứu hộ thuộc Ban Quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng lưu ý rằng, khi đi tắm biển, trẻ em nhất thiết phải đi theo người lớn, tắm trong khu vực nông, không được ra xa, tuyệt đối không được vào khu vực cấm. Các trường học hoặc cơ quan, đơn vị tổ chức cắm trại hay dã ngoại tại bãi biển phải báo với đội cứu hộ để bố trí lực lượng, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất số người đuối nước.

Ngoài ra, việc nâng cao nhận thức cho các bậc cha mẹ trong việc bảo vệ an toàn cho con cái cũng cần được chú trọng. Hơn nữa, một trong những biện pháp để giảm thiểu các tai nạn về đuối nước cho trẻ em rất hữu hiệu đó là vận động các gia đình cho các em tham gia tập bơi để tự bảo vệ mình. Các bậc cha mẹ phải hết sức nâng cao ý thức quản lý, chăm sóc con em mình; đồng thời nên phối hợp chặt chẽ với xã, phường, Đoàn Thanh niên để giúp các em có một mùa hè vui vẻ và an toàn.

 
SƠ CỨU TRẺ KHI BỊ ĐUỐI NƯỚC

Khi trẻ không may bị đuối nước bất tỉnh thì nhanh chóng thực hiện các bước sau:
- Để trẻ nằm ngửa, đầu nghiêng một bên.

- Làm sạch và thông đường thở bằng cách móc, hút hết bùn đất trong miệng, mũi của trẻ, móc họng cho nôn hoặc ép lồng ngực và bụng cho trẻ trào nước ra.

- Nếu trẻ ngưng thở, tiến hành hô hấp nhân tạo, hà hơi thổi ngạt ngay lập tức và kiên trì nhiều lần: Dùng 2 tay chồng lên nhau ép lên lồng ngực ngoài tim, ép 100 lần/1 phút. Chỉ bỏ cuộc khi đã hô hấp nhân tạo được 2 tiếng mà không thấy trẻ phục hồi.

- Khi tỉnh lại, trẻ sẽ nôn ra nước, do vậy phải để trẻ ở tư thế an toàn, kê gối dưới 2 vai trẻ, nới rộng quần áo, phòng cho trẻ không bị ngạt trở lại vì sặc chất nôn của chính mình.

- Giữ ấm cho trẻ và chuyển trẻ đến cơ sở y tế sau khi được sơ cứu và phục hồi.

 

Bài và ảnh: VĂN NỞ

;
.
.
.
.
.