Quá trình đô thị hóa ở thành phố Đà Nẵng diễn ra trong những năm qua làm cho diện mạo thành phố trở nên khang trang và đẹp hơn. Với việc phát triển cơ sở hạ tầng và xây dựng các khu kinh tế, thương mại, công nghiệp... trên phạm vi rộng, đã tạo nhiều cơ hội việc làm và nhiều tiện ích khác cho người dân đô thị.
Đô thị hóa luôn tạo ra bộ mặt mới, nhưng ngược lại cũng ảnh hưởng đến văn hóa truyền thống của gia đình Việt Nam. Ảnh: V.NỞ |
Đô thị hóa như một dòng nước mang nhiều phù sa cho ruộng đồng nhưng trong nó cũng có nhiều cặn bã đọng lại cùng với lớp phù sa đó. Và những cặn bã hiển hiện đó, chúng ta phải đối diện chứ không phải là sự lựa chọn, lấy cái hay, từ chối cái dở. Một trong những cái dở mà chúng ta phải đối diện là văn hóa truyền thống bị thách thức do kết cấu xã hội truyền thống bị phá vỡ mà trước hết là những giá trị văn hóa gia đình.
Những sự biến đổi xã hội vào giai đoạn ban đầu của tiến trình đô thị hóa đã gây ra những va đập mạnh mẽ vào tổ chức xã hội và vỏ bọc gia đình, tạo nên các cú sốc, bởi đây chính là giai đoạn giằng xé giữa cái cũ truyền thống và cái mới đang hình thành. Biểu hiện thường thấy là cuộc sống cá nhân, gia đình bị đảo lộn, giá trị xã hội truyền thống bị thách thức, những gì đang diễn ra ngày hôm nay không giống ngày hôm qua. Nói cách khác là, cuộc sống không còn giống như trước nữa. Dường như mọi người phải làm việc nhiều hơn, đi nhanh hơn, ép mình vào khuôn khổ nhiều hơn và lúc nào cũng ưu tư tính toán.
Lao động công nghiệp và nhịp sống đô thị đã phá vỡ sự sum vầy, quây quần của gia đình. Bữa cơm gia đình thật là thú vị và hạnh phúc cho tất cả mọi thành viên, nhưng vì công việc của mỗi người khác nhau, dù muốn cũng chẳng thể ngồi với nhau thường xuyên được. Người con muốn báo hiếu cha mẹ, nhưng không thể thường xuyên ở bên cạnh để phụng dưỡng.
Con người đô thị buộc phải cậy nhờ các phương tiện thông tin liên lạc hiện đại như điện thoại, Internet để liên lạc với người thân. Những cuộc tiếp xúc trực tiếp trở nên ít dần, và vì thế, sợi dây tình cảm liên kết các thành viên gia đình trở nên mờ nhạt dần và những người thân trong gia đình không còn nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của nhau. Mở rộng ra phạm vi xóm giềng, khu phố thì lời giải cho vấn đề này còn khó khăn hơn. Điều này thật sự là một thách thức lớn đối với việc xây dựng và bảo vệ văn hóa gia đình.
Đối với vấn đề kinh tế gia đình. Về cơ bản, đa số người dân ở các khu vực đô thị hóa của thành phố Đà Nẵng là cư dân nông nghiệp, một số ít là tiền công nghiệp trình độ thấp. Tốc độ phát triển các khu quy hoạch lại quá nhanh trong khi công tác đào tạo nghề cho nông dân địa phương bị thu hồi đất hầu như không được thực hiện, hoặc có thực hiện thì vẫn lúng túng (vì lý do về trình độ văn hóa, tuổi tác, nhất là những nông dân đã ở tuổi trên 40) khiến nhiều người sau khi mất đất trở nên thất nghiệp.
Ngay cả những người vẫn còn ruộng để canh tác nhưng nếu công tác quy hoạch không đồng bộ và không theo nguyên tắc lấy cuộc sống của người dân làm trọng tâm mà chỉ chạy theo mục tiêu khai thác quỹ đất thì cũng sẽ gây ra khó khăn, bất cập. Thống kê ngay tại Hòa Vang cho thấy, năm 2008, đã có 2.554,45ha đất sản xuất với 5.047 hộ gia đình bị ảnh hưởng, trong đó có 2.341 hộ gia đình bị giải tỏa đất nông nghiệp nhưng chỉ có một số ít có công ăn việc làm, tuy nhiên, số lượng này không nhiều, số còn lại tham gia các nghề dịch vụ hoặc làm nghề tự do, phần lớn thu nhập của họ cũng bấp bênh.
Đối với lao động ở lứa tuổi trung niên trở lên, việc tạo công ăn việc làm hầu như không được tính đến, số tiền đền bù và hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề cũng chỉ đủ mua đất, dựng lại căn nhà. Cuộc sống hậu giải tỏa khiến người dân có nhiều trăn trở từ cái ăn đến chi phí cho các khoản dịch vụ mà trước đây họ không phải tốn như phí dịch vụ thu gom rác, dịch vụ nước...
Chuyển đổi nếp sống của những thế hệ hiện tại. Truyền thống văn hóa gia đình người Việt Nam phong phú và tinh tế, là hệ thống những hành vi ứng xử, ý nghĩ của mỗi thành viên trong đời sống thường ngày như: bữa ăn, giấc ngủ, lời ru, giọng nói, tiếng cười, ánh mắt, sự dạy bảo của cha mẹ với con cái, câu chuyện cổ tích ông bà kể cho cháu nhỏ, sự chung thủy của nghĩa vợ chồng, sự đùm bọc của anh em...
Những giá trị này được hình thành từ ngàn đời nay và được chắt lọc, lưu giữ trong điều kiện xã hội nông nghiệp. Khi người dân nông nghiệp chuyển thành thị dân thì ở những mức độ khác nhau, những giá trị đó ít nhiều có thay đổi. Nhưng cái thay đổi trước tiên dễ nhận thấy ở các khu đô thị mới của thành phố chúng ta, đó là nếp sống của từng thành viên và sự dạy bảo của ông bà, cha mẹ đối với con cháu đang có chiều hướng xấu đi. Nguyên nhân phần lớn là do cấu trúc làng xóm, cấu trúc gia đình (tam, tứ đại đồng đường) bị phá vỡ.
Có những gia đình, cha không còn là mẫu mực để dạy bảo con cháu và con cũng không còn là đứa con hiếu thảo. Có những tên gọi nghe rất phản cảm nhưng có thực ở những khu đô thị mới Đà Nẵng, đó là: “xóm liều”, “xóm nước đen”, “hội tứ sắc”, kỳ quặc hơn là “xóm uống rượu vần công”... phần nào phản ánh môi trường văn hóa-xã hội ở đó. Đành rằng, người nông dân phải chuyển đổi ngành nghề, nhưng không phải ai cũng chuyển được và vấn đề cũng không thể diễn ra một cách nhanh chóng được.
Từng khía cạnh trên đây có những ảnh hưởng nhất định đến việc xây dựng văn hóa gia đình ở khu vực đô thị hóa, nhưng gay gắt nhất là vấn đề kinh tế gia đình và truyền thống văn hóa. Điều này xảy ra ở cấp độ từ từng hộ gia đình đến xã hội tổng thể, những biến đổi này không chỉ diễn ra trên bề mặt kinh tế, văn hóa, xã hội mà còn tác động đến đời sống tinh thần trong chiều sâu của mỗi cá nhân. Bức tranh chung của đô thị hóa có nhiều màu sáng cho thu hút đầu tư phát triển kinh tế, nhưng bên trong, nó lại tạo ra những biến đổi của những giá trị văn hóa nói chung và văn hóa gia đình nói riêng.
Đô thị hóa thật sự đem lại cơ hội nghề nghiệp, cơ hội làm giàu cho nhiều người, nhưng đồng thời nó cũng đánh dạt không ít gia đình ra khỏi xu hướng phát triển, họ mất tự chủ về kinh tế do nghề nông-kế sinh nhai hàng ngàn đời nay của mình không còn, trong khi chưa có nghề nghiệp khác, nên họ phải dựa dẫm và trông chờ. Hệ quả của điều đó là sự mất mát của đạo đức, của lối sống và xuất hiện tâm lý vô cảm đối với cộng đồng, xã hội.
Để bảo tồn, phát huy văn hóa gia đình trong thời kỳ hội nhập, chúng ta đã có hệ thống khá hoàn chỉnh các văn bản chỉ đạo của Đảng và Nhà nước như Luật Hôn nhân và gia đình; Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 BCH Trung ương Đảng khóa VIII về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; tinh thần chỉ đạo của Đại hội IX là “Nêu cao trách nhiệm của gia đình trong việc xây dựng và bồi dưỡng các thành viên của mình có lối sống văn hóa, làm cho gia đình thật sự là tổ ấm của mỗi người và là tế bào lành mạnh của xã hội”; Chiến lược gia đình Việt Nam... và các phong trào hiện có như phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”.
Chúng ta cần tăng cường các giải pháp tích cực thực hiện cho bằng được các nội dung chỉ đạo và các phong trào trên. Đã đến lúc mỗi con người, mỗi gia đình và cả cộng đồng có những hành động thiết thực xây dựng và giữ gìn văn hóa gia đình trên cái nền dân tộc và hiện đại.
NGUYỄN THANH HÙNG